Muôn kiểu 'chặt chém' khách du lịch ở khắp nơi

Muốn thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp của một vùng đất, đôi khi du khách phải vượt qua những chướng ngại, thử thách hết sức phiền nhiễu như lừa đảo, chặt chém. Đừng biến mình thành “gà mờ” bởi các chiêu trò chỉ dành cho dân du lịch.

15.5939

Muôn kiểu 'chặt chém' khách du lịch ở khắp nơi


Chặt chém với giá gấp 20 lần


Nếu bạn là một tay trả giá có hạng thì Ai Cập sẽ là điểm đến số một dành cho bạn. Nếu như đã “đánh bại” hầu hết các chiêu chặt chém tại quê nhà Việt Nam thì hãy thử sức với Ai Cập, nơi mà tìm thấy những món đồ bán với giá cố định là việc quá khó.

Nắng nóng và khô của sa mạc sẽ làm chùn chân nhiều du khách khi muốn đi bộ quanh khu vực kim tự tháp Giza, Cairo, Ai Cập. Để không bị hớ, hãy tham khảo giá trước khi thuê bất cứ phương tiện đi lại nào.

Tại đất nước mà hơn 11% GDP đến từ du lịch, du khách sẽ dễ dàng bị bủa vây bằng rất nhiều các chiêu trò làm giá. Một chiếc áo bán cho dân Ai Cập ngoài chợ trời với giá E£30 (1 USD= 6 Egyptian pound) vẫn được hét giá E£300 như thường. Ngay cả với những thực phẩm thông dụng như bánh mì mà dân bản địa có thể mua với giá rẻ như bèo là E£1/10 chiếc thì khách du lịch vẫn bị chém gấp 10 thậm chí 20 lần.

Nếu không đặt phòng hay đặt vé trên những trang web hoặc đại lý uy tín, bạn rất có khả năng bị chém gấp đôi hoặc ba lần khi ở Thái Lan. Người Thái có cách rất khôn khéo để che giấu mức giá thật sự của một vé xe bus hay một phòng khách sạn, nhất là khi bạn đặt nó thông qua một đại lý khác. Họ sẽ thường hỏi bạn là “Bạn trả bao nhiêu cho đại lý kia?” chứ không bao giờ nói giá gốc.

Mẹo để không bị chặt chém: Luôn hỏi kĩ giá trước khi mua hàng, thuê dịch vụ cũng phải hỏi rõ giá tiền đưa ra đã là trọn gói hay chưa (tránh trường hợp đi được nửa đường bị bỏ lại và đòi thêm tiền). Hãy mua hàng hay ăn ở những nơi đông dân địa phương, hỏi họ về giá hoặc nhìn cách họ trả tiền.

Khảo sát giá cả trong sách hướng dẫn du lịch hoặc các trang web đặt vé xe bus hay khách sạn như agoda.com, hostelworld.com, hostelbookers.com để nắm mặt bằng chung về giá trước khi đặt tại những đại lý không tên tuổi.

Đã chụp hình thì phải xì tiền ra

Bạn nghĩ rằng cái trò đặt quanh gánh lên vai khách du lịch, chụp hình rồi bắt chẹt tiền chỉ xảy ra ở Việt Nam? Không đâu, trò đó thì ở đâu cũng có, chẳng qua là với các chiêu thức khác nhau mà thôi.

Hai cậu bé này dù còn nhỏ tuổi, song đã biết cách chèo kéo và kiếm tiền từ khách du lịch bằng cách dụ họ chụp hình.

Tại Ai Cập có thể là việc những người chăn lạc đà kì kèo bám theo bạn hàng giờ đồng hồ chỉ để bảo bạn chụp một tấm hình lưu niệm với con lạc đà của anh ta rồi…đòi tiền, hoặc bạn đang đi dạo ở chợ trời thì bỗng ở đâu ra mấy đứa bé cầm trên tay con cá sấu con và đề nghị bạn chụp hình. Đừng bị đánh lừa vì vẻ ngây thơ của chúng, bởi sau khi bạn đặt chiếc máy ảnh xuống, chúng sẽ chìa tay đòi tiền ngay. Nếu không cho, chúng sẽ lẵng nhẵng bám theo bạn cả một đoạn đường dài.

Trishaw là phương tiện di chuyển ưa thích của dân du lịch. Nhiều du khách dù không thuê vẫn muốn chụp hình với xe.

Nếu không thuê đi lại mà chỉ muốn chụp hình với những chiếc Trishaw (xe lôi ba bánh gắn thêm thùng xe) ở Melaka, Malaysia, hãy chắc bạn đã thỏa thuận về giá cả rõ ràng với chủ xe, tránh sau đó phải gân cổ lên cãi với nhau khi hình đã chụp xong.

Các chiêu lừa thông thường và phổ biến nhất

-       Khi bạn đang trên đường đến một địa điểm tham quan nào đó thì sẽ có một người lạ xuất hiện và nói với bạn rằng nơi đó bị đóng cửa hoặc đang được sửa chữa. Đồng thời với đó, họ sẽ niềm nở mời bạn đi một tour quanh thành phố, đến những địa điểm chưa được khám phá, hoặc chỉ cho bạn những lối vào không chính thức kèm theo việc thuê xe hoặc ngựa của họ. Sự thật là chẳng có nơi nào bị đóng cửa cả và nếu tin họ, chắc chắn bạn sẽ nhẵn túi. Trò lừa này xảy ra hầu hết tại các thành phố du lịch nổi tiếng như Cairo, Bangkok.

Nếu không đủ khả năng thẩm định giá trị các loại trang sức và đá như thế này, thì tốt nhất đừng mua ở các khu chợ trời, chợ biên giới.

-       Du khách trót đam mê các loại trang sức hay đá qúy rất có thể rơi vào bẫy của những người bán hàng giả nếu không có con mắt tinh tường. Tinh vi hơn, bạn rất có thể rơi vào bẫy của một người địa phương gặp trên đường, theo anh ta đến một tiệm bán trang sức và đá quý nào đó. Bạn không mua gì? Cũng không sao. Tại đó, anh chàng này sẽ mua một chút đá quý cho mình. Trên đường về, anh ta sẽ tỉ tê rằng mình có mối làm ăn với một công ty nào đó ở nước của bạn, và bạn hoàn toàn có thể bán lại thứ đá quý này khi về nhà để lấy chút lời. Sự thật là chẳng có mối làm ăn nào hết và hàng mà bạn trót mua chắc chắn là hàng giả hoặc kém chất lượng.

-       Đổi tiền ở chợ đen cũng dễ gặp phải trường hợp sau khi trao đổi tiền, người đổi nói với bạn rằng anh ta/cô ta đếm nhầm và yêu cầu được đếm lại số tiền đã đưa cho bạn. Đừng ngốc đến nỗi đưa lại tiền cho họ mà không đòi lại số tiền của bạn, bởi chắc chắn khi bạn mắc lừa thì họ sẽ dùng hết tốc lực để tẩu tán với số tiền của bạn. Trò này được ghi nhận xảy ra phổ biến tại Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác.

Tránh xa những đối tượng tỏ ra thân thiện một cách thái quá và đề nghị mời bạn uống hay ăn một món gì đó. Không loại trừ việc bạn bị bỏ thuốc và cướp sau đó.


TTVN
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]