Biên đạo múa Nguyễn Tấn Lộc: “Bền vững là làm tốt việc của mình mỗi ngày”

31.2042
Nguyễn Tấn Lộc đã "bén duyên" với nghề múa như nghề đã chọn người
 
Nghề chọn người chứ người không chọn nghề
 
Nguyễn Tấn Lộc bắt đầu sự nghiệp múa năm 17 tuổi, rất muộn so với người bình thường. Anh đi học múa nghiệp dư ở Nhà văn hóa Thanh Niên 3 buổi/tuần. Làm múa cho tới bây giờ, trải qua nhiều thứ, anh nghĩ là nghề đã chọn người chứ người không chọn nghề. Anh chỉ nghĩ là mình đã làm gì thì phải làm hết sức. Anh dành thời gian nhiều cho nó, học nhiều hơn về múa. Mặc dù sau đó đi học ĐH như các bạn khác nhưng anh vẫn đi sinh hoạt múa và nó trở thành công việc cho đến bây giờ.
 
Nhìn lại, anh thấy rằng mình may mắn khi được các thầy cô hướng dẫn rất tận tình, khơi dậy được niềm đam mê bên trong mình, khơi được cái thật sự mà mình thích. Để rồi sau một thời gian nỗ lực làm việc, kết quả đã tự đến. Anh không nghĩ mình phải phấn đấu cho giải thưởng này, giải thưởng kia, được nổi tiếng,… mà chỉ đơn giản là thực sự đã cố gắng với nó.
 
Thời đó, bản thân anh rất ngưỡng mộ những bạn được học hành đàng hoàng từ nhỏ, được đào tạo bài bản. Do đó, anh thấy được những khó khăn của bản thân vì mình không được học như các bạn thì càng phải cố gắng hơn. Anh không dám nghĩ sẽ cố gắng bằng các bạn nhưng cố gắng sao cho giỏi hơn chính mình trước đó vì khi bắt đầu, anh đã thua mọi người rồi.
 
Vào học, những khó khăn mà bản thân phải tự vượt qua, phải tự cố gắng học hỏi và rút ngắn nó lại. Với nghề này, luyện tập cơ thể đến mức đạt được những yêu cầu mà nghề mong muốn là thành công. Nhiều khi rất khó, rất đau, bong gân, trật tay, trật chân là chuyện bình thường. Nhưng khi vượt qua tất cả thì anh có được kỹ năng và rèn cho mình sự dẻo dai hơn bao giờ hết.
 
Đối với nghề múa, sự dày công rèn luyện cơ thể dẻo dai là rất quan trọng
 
Làm nghề múa, anh thấy rằng năng lực là một phần, nỗ lực là chín phần. Thời đó, khó khăn lớn nhất là anh không được biết nhiều thông tin như bây giờ, vì chưa có Google, YouTube, muốn xem gì là có ngay. Mặc dù hồi đó thông tin không nhiều, nhưng anh lại có những thầy cô rất nhiệt tình, sống trong môi trường mọi người sẵn sàng chia sẻ về nghề nghiệp, thầy cô định hướng cho mình con đường sau này rất rõ ràng.
 
Nghĩ lại anh thấy thời đó ai cũng khó khăn, cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm nói chi “ăn ngon, mặc đẹp”. Từ những người lao động chân tay cho đến những người hoạt động nghệ thuật. Thời đó, làm việc gì mọi người cũng rất tâm huyết vì điều kiện sống khá giống nhau. Khác bây giờ, ăn sung mặc sướng, đi xe sang, có điều kiện khoe sự giàu có. Hồi đó, người ta đánh giá con người không qua vẻ bề ngoài, mà qua công việc. Người nghệ sĩ dù đêm đêm đi diễn trên chiếc xe đạp bình thường vẫn có thể làm hai, ba ngàn người trong khán phòng đứng lên tán thưởng.
 
Năm 1994, anh đi tu học ở Nhật và đó là lần đầu tiên được đi nước ngoài, mở mang kiến thức, suy nghĩ, tầm nhìn. Và nó càng khẳng định và ủng hộ con đường anh đang đi. 
 
Muốn được xã hội quan tâm, thì phải làm tốt việc của mình
 
Ngày nay, xã hội đang rất cần những chương trình nghệ thuật tốt như: Chương trình ca nhạc trên tivi, ngoài âm thanh, ánh sáng, ca sĩ, MC thì diễn viên nhảy, múa cũng là một phần trong đó; Hay những đám cưới thì cần cả một nhóm múa riêng… Anh thấy cái nào cũng tốt, nhờ vậy mà mọi người biết đến múa nhiều hơn. 
 
Điều đầu tiên mà Arabesque của anh làm là phải khiến người ta biết đến mình. Một vài người bạn của anh than thở chả ai quan tâm đến mình, anh mới nghĩ: “Mình không làm, lấy đâu người ta quan tâm”. Vì vậy, anh và Arabesque xác định làm những chương trình múa đương đại liên quan đến cuộc sống người Việt Nam, ví dụ vở “Sương sớm” nói về người nông dân, vở “Chuyện kể những chiếc giày” nói về người diễn viên múa, vở “Mộc” nói về những con người bình thường trong cuộc sống, vở “Tích Tắc” nói về cuộc đời của một phụ nữ từ nhỏ đến lớn,… Thông qua những câu chuyện kể từ những vở múa, người xem có thứ để quan tâm, cộng thêm việc diễn thật tốt, khán giả mới thấy điều họ quan tâm là chính đáng.
 
Bản thân thể loại múa đương đại là rất khó, như: Múa minh họa cần 5-6 người tập trung múa một bài 3-4 phút, còn múa đương đại phải có kịch bản, đạo diễn, biên đạo, âm thanh, ánh sáng, phải có phục trang, đạo cụ, tổ chức sản xuất rất chi tiết, cụ thể mới làm ra được tác phẩm. Khi tác phẩm được làm ra rồi, phải có nơi biểu diễn, phải có khán giả, vì điều kiện cần và đủ của một tác phẩm đương đại rất khác so với các tác phẩm khác. “Khi làm việc khó hơn, nó đòi hỏi nhiều thứ khác và nếu những chuyện nhỏ trong chuyện lớn không tốt thì kết quả cuối cùng cũng không tốt. Một kết quả không tốt thì làm sao mà người ta quan tâm được” – Anh Tấn Lộc chia sẻ.
 
 
 
Một số hình ảnh trong vở "Sương sớm"
 
Cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đến trái tim
 
Khi làm vở “Sương sớm” – vở múa nói về những người nông dân Việt Nam, nên các bạn diễn viên múa đều phải nghiên cứu về thôn quê, rồi đi xuống miền Tây, ra ruộng đồng để làm việc, quan sát xem hạt gạo được hình thành nên như thế nào. Sau đó là những buổi thảo luận nói về nó, để đưa ra những yếu tố, những ý tưởng, câu chuyện để đưa nó lên sân khấu.
 
Trong vở này, bạn Hữu Thuận, từng đoạt giải Bạc Liên hoan múa Đương đại Quốc tế ở Hàn Quốc năm 2012, là người múa đoạn giọt nước kêu. Vào mùa mưa, ở quê lúc chiều tối, trời yên tĩnh, tiếng những giọt nước kêu dưới mái hiên, mái chùa rơi xuống đất phát ra những âm thanh đặc biệt, người nông dân ngồi dưới mái hiên, nhìn ra ngoài đồng ruộng, không gian đó tạo cho con người cảm giác rất thanh bình và yên ổn. Chính các diễn viên phải cảm nhận được cảm xúc đó, thì khán giả phần nào mới nhận được cảm xúc các bạn muốn truyền đi.
 
Đó cũng là điểm khác biệt của những chương trình múa của Arabeesque, mỗi diễn viên phải có cảm nhận riêng biệt nhất định rồi biểu diễn ra bên ngoài. “Chúng tôi phân biệt rõ ràng diễn tả cảm xúc – một thứ xuất phát từ bên trong và diễn xuất ở bên ngoài là khác nhau. Arabesque chú trọng những cảm xúc từ nội tâm phát ra. Người xem nếu tinh tế, sâu sắc, họ sẽ nhận ra được người diễn viên có diễn tốt hay không, không đơn thuần là đưa tay lên xuống mà còn là làm chủ cảm xúc trong quá trình biểu diễn. Đó là điều tôi mong muốn đưa đến khán giả trong mỗi chương trình” – Anh Lộc cho biết.
 
Bền vững là làm tốt tất cả công việc của mình mỗi ngày
 
Làm việc ở Arabeesque, anh chưa bao giờ nghĩ đến mục đích của mình là để thành công. Việc anh đang làm là hoàn thiện công việc của mình, làm tốt công việc mỗi ngày, làm nó với tâm thế rằng: “Mình làm việc này khác với những nghề khác. Tuy giống nhau ở chỗ mang lại thu nhập, đảm bảo cuộc sống như bao nghề nhưng nghề này giúp mình được hạnh phúc khi làm nó”.
 
Làm một nghệ sĩ múa, được biểu diễn cái mà mình thực sự yêu thích, đó là một kiểu hạnh phúc, và nó khác biệt. Họ đem được cảm xúc truyền đến khán giả, dùng suy nghĩ, tâm tư về con người truyền đến khán giả. Đó là điểm đặc biệt của tất cả những người làm nghệ thuật.
 
Được biểu diễn trên sân khấu, nhận tràng vỗ tay của khán giả, anh lại có thêm động lực để khổ luyện. Hạnh phúc của người diễn viên là những thứ nhỏ nhặt trên con đường dài. Dù có nhận được những tràng pháo tay hay những lúc thất bại, quan trọng là những cực nhọc đó đều được khán giả công nhận.
 
Nguyễn Tấn Lộc chia sẻ: “Tôi không dám nói mình đang làm công việc thành công bền vững. Hiện tại bây giờ, điều tôi đang làm là làm tốt tất cả công việc của mình mỗi ngày. Mỗi một ngày, mình có rất nhiều công việc, sẽ có công việc mình rất thích, sẽ có công việc không hứng thú. Nhưng trong lúc mệt mỏi, sau khi nhìn thấy những công việc được hoàn thành, đó là thành công. Một ngày như vậy, hai ngày như vậy, dần mình sẽ chạm được đến thành công bền vững. Để đạt kết quả tốt, mình phải cố gắng vượt qua tất cả các khó khăn mỗi ngày. Sẽ có lúc chán nản, sẽ có lúc muốn bỏ cuộc nhưng mình phải xác định đam mê đủ lớn để vượt qua ham muốn cá nhân”.
 
Và đối với Nguyễn Tấn Lộc: Khi quyết tâm học hỏi nhiều thì việc bạn hoàn thiện bản thân mình sẽ càng ngày càng tốt, giúp đỡ bản thân ngày càng phát triển. Đó là một cách làm tốt công việc của mình mỗi ngày.
 
Nguyễn Tấn Lộc
Hiện tại: Đạo diễn và biên đạo múa công ty Arabesque
2002: Tốt nghiệp trường múa Fujisato Ballet- Tokyo – Nhật Bản
1995: Biên đạo múa Nhà Hát Kịch 5B và nhà hát Hòa Bình.
1994: Diễn viên, biên đạo múa nhà hát Giao Hưởng Vũ Kịch TP.HCM
1990-1993: Diễn viên đoàn nghệ thuật Múa Rối TP.HCM
1989: Tốt nghiệp trường Văn hóa Nghệ thuật 2.
 
 
(Tổng hợp)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]