Sáng 14-9, Công đoàn Viên chức TP.HCM (trực thuộc Liên đoàn Lao động TP.HCM) đã long trọng tổ chức Hội nghị tổng kết bốn năm thực hiện Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí minh 2007-2010 (CVĐ). 78 tập thể và 147 cá nhân tiêu biểu điển hình trong CVĐ đã được tuyên dương, khen thưởng.

Chắt chiu từng đồng lẻ

Hơn 20 năm nay, công việc hằng ngày của chị Nguyễn Thị Thu Lan là lau chùi, dọn dẹp văn phòng, hành lang, các phòng học… trong Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM. Nhìn người phụ nữ mảnh dẻ vẫn ngày ngày cần mẫn quét bụi, thu gom rác rến, chai nước người ta bỏ đi trong các phòng học sau mỗi buổi tan ca, ít ai biết chị đã từng đóng góp vào quỹ từ thiện 10 triệu đồng bằng tiền gom góp được từ việc bán đồ phế liệu.

Với nhiều người, 10 triệu đồng không phải là số tiền lớn. Nhưng với chị Lan thì khác, bởi đó là số tiền được chị dành dụm từ những đồng bạc lẻ sau mỗi ngày bỏ biết bao công sức, thời gian cặm cụi thu gom, nhặt nhạnh ve chai. Chị bảo chị chẳng tiếc gì công sức nếu việc làm - dù  nhỏ nhoi - của mình mang lại niềm vui và nụ cười cho những người nghèo khổ khác.

Những điển hình tiên tiến tham gia giao lưu tại hội nghị (từ trái qua: Ông Đặng Ngọc Đồng, chị Lê Thị Tuyết Sương, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, chị Nguyễn Thị Thu Lan).

“Một vài lần tôi được theo cơ quan đi thăm người nghèo, trẻ em nhiễm chất độc da cam ở các vùng xa như Bù Đăng, Bù Đốp (Bình Phước), Hàm Liêm 2 (Bình Thuận), tôi thấy trên đời còn rất nhiều người bất hạnh, khó khăn. Về nhà, tôi suy nghĩ mình cần phải làm một cái gì đó để góp phần giúp đỡ họ được nhiều hơn, và đó là một trong những động lực thúc đẩy tôi làm việc này, vừa học Bác đức tính tiết kiệm, vừa làm sạch môi trường” - chị Lan chia sẻ.

Học được ở Bác tấm gương học tập không ngừng nghỉ, làm việc gì cũng cẩn thận, chu đáo, chị Lê Thị Tuyết Sương, nhân viên văn phòng Công ty Dịch vụ cơ quan nước ngoài TP.HCM, đã  khắc phục hoàn cảnh gia đình khó khăn, vừa học vừa làm để hoàn thành chương trình THPT và hiện đang là sinh viên năm thứ tư ngành xã hội học. Về công việc của mình, chị nói thật đơn giản: “Mặc dù chỉ làm tạp vụ nhưng tôi luôn cố gắng làm chu đáo, hết sức mình để mỗi sáng được nhìn thấy mọi người mỉm cười hài lòng khi thấy văn phòng đã được lau dọn sạch sẽ, gọn gàng”. Trong suy nghĩ của chị, mỗi người đều có một công việc khác nhau nhưng điều quan trọng hơn cả là người làm công việc đó có thật sự chu đáo và có trách nhiệm với việc mình đang làm hay không.

Ai cũng học được

Theo Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn Viên chức TP Nguyễn Hoài Nam, để CVĐ được sâu rộng và lan tỏa tới nhiều người, các cấp công đoàn đã tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức hưởng ứng bằng những việc làm sinh động, cụ thể. “Học Bác là để mỗi cán bộ, đảng viên tự khắc phục cho mình lối sống tầm thường vị kỷ, cá nhân, nặng về tiền tài, vật chất, danh vọng. Học Bác là để mỗi cán bộ, đảng viên đều có lối sống tốt hơn, đẹp hơn để được dân tin, dân yêu” - ông Nam nhấn mạnh.

“Làm theo Bác thì khó nhưng học theo các đức tính Bác để làm tốt hơn những công việc của mình thì có lẽ ai cũng học được” - Chủ tịch công đoàn Công ty Dịch vụ công ích TP Đặng Ngọc Đồng khẳng định. Học theo Bác trong việc thường xuyên duy trì sáng kiến cải tiến, thực hành tiết kiệm, trong vòng ba năm 2007-2009, công ty đã có 34 sáng kiến cải tiến, tiết kiệm, làm lợi cho công ty gần 5 tỉ đồng.

Cũng do có nhiều sáng kiến trong công tác giảng dạy, cô Nguyễn Thị Thu Hà, giáo viên Trường Trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp, đã đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi toàn quốc năm 2009. “CVĐ học và làm theo tấm gương Bác là một CVĐ tích cực, nhiều ý nghĩa, giúp người ta tự nhìn nhận lại mình để sống tốt hơn. Tôi nghĩ đơn giản rằng học theo Bác thực tế nhất bằng việc mỗi chúng ta đều sống thật, sống tốt với người xung quanh, sống có trách nhiệm, biết chia sẻ và hoàn thành tốt công việc của mình” - cô Hà tâm sự.

THU HƯƠNG


Video đang được xem nhiều