Bức xúc trước những "bài học xuyên tạc": Dạy trẻ cưa bom, ăn phân gà

Những bài học dạy trẻ chế ngự sự sợ hãi bằng cách cưa bom mìn, ăn... phân gà được chế từ trang sách dạy trẻ đi trên thủy tinh khiến nhiều người phẫn nộ.

16.2919

 

Như tin tức đã đưa từ trước, bài học Vượt qua nỗi sợ với phần câu chuyện minh hoạ sử dụng mẩu chuyện "Bạn An dũng cảm" (trang 77), trong đó có chi tiết học sinh đi qua thảm thuỷ tinh đã gây xôn xao dư luận.

Bộ GD&ĐT đã có chỉ thị yêu cầu NXB Giáo Dục báo cáo và thu hồi cuốn sách có câu chuyện "Bạn An dũng cảm".

Câu chuyện “Bạn An dũng cảm” được viết: “Cô giáo rải một thảm thủy tinh dày trước mặt cả lớp và yêu cầu các bạn đi qua đó. Cả lớp đều rất sợ hãi! An cũng vậy. Nhưng cô giáo đã động viên và hướng dẫn giúp An tự tin đi qua thảm thủy tinh, nhờ vậy mà An đi qua thảm thủy tinh một cách dễ dàng. Khi đi qua rồi, An thấy thảm thủy tinh không đáng sợ như mình nghĩ và An quay lại động viên các bạn để các bạn dũng cảm như An. Cuối cùng, cả lớp đều dũng cảm đi qua thảm thủy tinh”.

Khi đọc được câu chuyện này, rất nhiều phụ huynh bày tỏ thái độ ngạc nhiên, thậm chí phẫn nộ vì cách dạy kỹ năng sống cho trẻ kiểu… huấn luyện cảm tử thế này.

Sau đó, Bộ GD&ĐT đã có chỉ thị yêu cầu NXB Giáo Dục báo cáo và thu hồi quyển sách này, nhưng câu chuyện này vẫn đang được bàn tán sôi nổi với nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra.

Đa số mọi người đều lên án gay gắt cách dạy này. Tuy nhiên, bên cạnh đó lại có một bộ phận lại tự tạo ra các "bài học" phản cảm khác rồi đăng tải lên mạng xã hội. Rồi từ đó những trang sách "chế" này lại xuất hiện tràn lan trên khắp Facebook với nội dung dạy trẻ dũng cảm bằng những cách vô cùng kinh dị như dạy cưa bom mìn, ăn phân gà, xỉa răng cho cá sấu...

Các "bài học" chế lại vô cùng phản cảm lại đều có mô típ y hệt bài học dạy trẻ đi trên thảm thủy tinh nhưng thay bằng tên gọi khác, cách làm khác khiến nhiều phụ huynh phẫn nộ.

"Bài học" chế vô cùng phản cảm lại đều có mô típ y hệt bài học dạy trẻ đi trên thảm thủy tinh nhưng thay bằng tên gọi khác.

Trong bài học "chế" dạy trẻ cưa bom mìn để chế ngự sự sợ hãi, người chế đã "biên soạn" lại nội dung đầy giật mình:

"... An đã cưa được hết quả bom một cách dễ dàng. Khi hoàn thành công việc, lấy được thuốc nổ, An không còn sợ nữa mà còn tỏ ra thích thú... Cuối cùng, cả lớp hứa ngày mai mỗi bạn sẽ thực hành cưa một quả boom và báo cáo thành tích cho thầy giáo".

Những bài học "chế" lại cũng có nội dung phản cảm tương tự như vậy.

Điều đáng nói là không phải ai cũng nhận ra đó là những bài học xuyên tạc. Nhiều người tưởng đó là những bài học trong sách kỹ năng sống là tiếp tục share, rồi lên án gay gắt.

Vấn đề đặt ra là nếu trẻ nhỏ vô tình đọc được những trang sách chế đó, lại cứ tưởng là những bài học về lòng dũng cảm thật thì hậu quả sẽ như thế nào và ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho điều đó.

Trao đổi trên báo Trí thức trẻ, chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ (Văn phòng Tư vấn Tâm lý trẻ) cho biết: "Khi người ta chế ảnh có hình thức tương đối giống với một trang sách thì nhiều người sẽ nhầm lẫn, đặc biệt là trẻ con thì càng khó phát hiện ra. Trẻ con không nghĩ đến việc đó là nội dung chế nhạo mà mặc nhiên nghĩ rằng đó là một trong những nội dung của quyển sách. Sự nhầm lẫn này khiến cho bọn trẻ sẽ bị hoang mang, vì những bài học đó trái ngược với những gì các em được học trên trường lớp, từ bố mẹ. Việc đó gây ảnh hưởng đến tâm lý của chúng!"

Cũng theo chuyên gia Huệ, với những đứa trẻ có tính hiếu kỳ thì các em sẽ làm theo những bài học trên. "Bởi vì các em nghĩ đó là một trang sách và sách thì luôn dạy điều đúng, đúng thì các em sẽ làm theo. Chưa kể đến chuyên các em có thể rỉ tai nhau để cùng làm. Do vậy, bố mẹ cũng nên trao đổi thẳng thắn với con, hãy hỏi xem các con nhìn nhận sao về những "bài học chế" này, từ đó điều chỉnh suy nghĩ cho các con kịp thời", chuyên gia nhận định.

Khánh Vy (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Video đang được quan tâm:

 

 

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]