Những bức xúc của NLĐ được giải quyết kịp thời

GHI NHẬN.- LĐLĐ huyện Hóc Môn, TPHCM là một điển hình trong tổ chức và hoạt động của tổ dư luận xã hội, được Tổng LĐLĐ VN đánh giá cao

0

Mười phút sau khi nhận được khiếu nại về tiền lương của tập thể công nhân (CN) doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Toàn Phúc (xã Xuân Thới Thượng), cán bộ LĐLĐ huyện Hóc Môn, TPHCM đã có mặt kịp thời để hòa giải tranh chấp. Khi giải quyết tranh chấp, phần lớn thông tin được LĐLĐ huyện tiếp nhận trực tiếp từ CN, song lần này thông tin lại được “phát đi” từ tổ dư luận xã hội (DLXH) Công đoàn (CĐ) xã Xuân Thới Thượng.

Đa dạng nguồn tin

Theo ông Huỳnh Văn Đẹp, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Hóc Môn - TPHCM, với địa bàn rộng, nguyên tắc hàng đầu để giải quyết ổn thỏa tranh chấp lao động là nguồn thông tin tiếp nhận phải nhanh và chính xác. Đó cũng là một yêu cầu cao khi triển khai mô hình tổ DLXH CĐ. Vào tháng 8-1997, tổ DLXH cấp huyện được thành lập với sự tham gia của 11 thành viên đang làm việc trong các cơ quan: hành chánh sự nghiệp, DN Nhà nước, xã - thị trấn và DN ngoài quốc doanh. Định kỳ hàng tháng, các thành viên cung cấp thông tin liên quan đến CN (từ tình hình thực hiện chế độ chính sách đến quyền lợi đời sống, tâm tư tình cảm). Từ thông tin của tổ DLXH, Ban Thường vụ LĐLĐ huyện chủ động phối hợp với các ngành chức năng đến DN nắm tình hình, can thiệp kịp thời. Một trong những điển hình về hiệu quả của tổ là vào tháng 2-2003, LĐLĐ huyện tiếp nhận thông tin của 39 CN tại 5 DN không an tâm về việc chi trả trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần. Vừa xin ý kiến chỉ đạo cấp trên, đồng thời LĐLĐ huyện thông tin nhanh tình hình đến mạng lưới DLXH ở cơ sở, nhất là các DN khác có đông lao động để động viên CN. Nhờ đó, CN tại các công ty có vốn đầu tư nước ngoài như: Sambu Vina Sports, Daewoong VN... hiểu ra vấn đề, DN tiếp tục ổn định sản xuất.

Hiệu quả từ thông tin trực tuyến

Đến cuối tháng 2-2003, huyện Hóc Môn thành lập được 95 tổ DLXH tại cơ sở với 351 đoàn viên tham gia. Nếu như tổ DLXH cấp huyện được ví như “trung tâm thông tin”, thì hệ thống các tổ DLXH tại cơ sở được xem như mạng lưới “thông tin trực tuyến”. Theo Ban Thường vụ LĐLĐ huyện, dù quy mô nhỏ hơn, song nguồn thông tin, đặc biệt là thông tin liên quan đến tranh chấp lao động do mạng lưới này cung cấp có giá trị không nhỏ. Trường hợp khiếu nại của CN tại DNTN Toàn Phúc được giải quyết rốt ráo là một minh chứng. Theo ông Trương Văn Cơ, một thành viên của tổ DLXH CĐ xã Xuân Thới Thượng: Dù không có chức năng giải quyết tranh chấp, song chúng tôi xác định việc thông tin tình hình DN về LĐLĐ huyện là trách nhiệm phải làm. Điển hình khác là tại Công ty TNHH Quang Thái, DNTN Việt Dũng: Từ thông tin của tổ DLXH xã, LĐLĐ huyện đã can thiệp, yêu cầu DN giải quyết rốt ráo vấn đề lương, thưởng, giảm giờ tăng ca cho CN. Hai tháng đầu năm 2003, thông tin đình công tại các công ty chưa thành lập CĐ như Viva Sài Gòn và Quảng Dương đều do tổ DLXH các xã cung cấp. “Đối với những DN chưa lập CĐ cơ sở hoặc CĐ cơ sở chưa thể phát huy năng lực, thông tin do tổ DLXH các xã cung cấp giúp LĐLĐ huyện nắm bắt nhanh tình hình và có biện pháp giải quyết tranh chấp khả thi hơn”, ông Trần Thanh Hải - Trưởng Ban Tuyên giáo LĐLĐ TP - nhìn nhận.

Ở các DN, khi xây dựng tổ DLXH, LĐLĐ huyện không triển khai đại trà, mà chỉ chọn một nơi làm thí điểm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Đây cũng là nét khác biệt giữa huyện Hóc Môn so với một số quận, huyện khác. Công ty TNHH Tiên Mỹ là DN được chọn làm thí điểm. Với kiến thức, kinh nghiệm hoạt động CĐ và lòng nhiệt tâm, các thành viên trong tổ DLXH đã nắm bắt nhanh chóng tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên- lao động, từ đó kiến nghị DN giải quyết một số vấn đề có liên quan đến CN, như: Lập riêng dây chuyền sản xuất cho lao động nữ mang thai, hỗ trợ DN tổ chức lại sản xuất. Từ thành công ở Công ty Tiên Mỹ, LĐLĐ huyện nhanh chóng nhân rộng mô hình này ra một số DN ngoài quốc doanh khác như Công ty Bảo Thạch, Công ty Inyen Vina, Công ty TNHH Phạm Thu và Công ty TNHH Chi San. Cũng từ thông tin của tổ DLXH, vào đêm 28 Tết, gần 300 CN trên địa bàn huyện không có điều kiện về quê ăn Tết, được đưa đến giao lưu văn nghệ do LĐLĐ huyện tổ chức tại Công ty TNHH Lan Hương. Mạng lưới DLXH của các ngành bước đầu cũng phát huy tác dụng, điển hình là tổ DLXH của CĐ trung tâm y tế. Cuối tháng 1-2003, từ thông tin 73 CN Công ty TNHH Sao Kim phải vào viện cấp cứu vì tăng ca quá sức do tổ DLXH trung tâm cung cấp, LĐLĐ huyện đã phối hợp các ngành chức năng can thiệp kịp thời, yêu cầu DN khắc phục sai phạm.

Doanh nghiệp tin cậy, tạo thêm điều kiện

Ở những DN có tổ DLXH, ban giám đốc không chỉ giải quyết kịp thời các kiến nghị của CĐ cơ sở mà còn hỗ trợ kinh phí cho CĐ hoạt động và tạo điều kiện cho CN nâng cao trình độ học vấn, nghiệp vụ. Trong chuyến đi thăm và làm việc tại huyện Hóc Môn - TPHCM mới đây, ông Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Pháp luật Tổng LĐLĐ VN - đánh giá cao nỗ lực của hệ thống tổ DLXH cấp huyện, xem đó là kinh nghiệm tốt để các nơi khác học tập. Bà Võ Thị Thanh Hương, Chủ tịch LĐLĐ, nói: Thông qua hoạt động tổ DLXH, tổ chức CĐ có thể theo dõi sát diễn biến tư tưởng trong CNVC-LĐ, từ đó có hướng giải quyết kịp thời những bức xúc của họ, nhất là những vấn đề liên quan đến đời sống, việc làm.

Bài và ảnh: KHÁNH CHI
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]