Các kho báu kiến trúc châu Á trước hiểm họa biến mất

Áp lực do tiến trình hiện đại hóa chóng mặt ở châu Á đã khiến nhiều kho báu kiến trúc khắp khu vực phải đối diện với nguy cơ bị mất đi.

0
Kinh tế tăng trưởng, du lịch, kĩ thuật nghèo nàn, nạn trộm cắp và xung đột là những nguyên nhân khiến các kho báu kiến trúc từ đô thị cổ Mahasthangarh ở Bangladesh, tu viện phật giáo ở Afganistan, cho đến các thành phố tường đá bao quanh của Trung Quốc có nguy cơ bị biến mất.

Quỹ di sản toàn cầu (Global Heritage Fund) đã liệt kê 10 địa danh đang đối diện với "tình trạng bị tàn phá và mất mát không thể phục hồi". Ông Jeff Morgan, giám đốc điều hành quỹ, cũng cho biết: "10 địa danh này chỉ là một phần nhỏ trong các di sản đang gặp nguy hiểm dọc châu Á nói riêng, và các quốc gia đang phát triển nói chung".

Ayutthaya ở Thái Lan, thủ đô trước đây của người Xiêm,
được biết đến như "Venice của phương Đông".

Kuanghan Li, người đứng đầu chương trình của Quỹ di sản toàn cầu tại Trung Quốc nhấn mạnh tính cấp bách phải có những hành động bảo tồn Pingyao, một trong những thành phố có tường thành bao quanh cuối cùng còn tồn tại của Trung Quốc. Hiện nay, quang cảnh những bức tường lộng lẫy được duy trì và chiếu sáng bao quanh thành phố thật ấn tượng. Nhưng ông cũng cho biết "20 năm trước, có hàng trăm thành phố có tường bao quanh như vậy ở Trung Quốc. Chúng đã bị phá hủy"

Tường thành bao quanh thành phố Pingao.

Các chuyên gia cũng cho rằng các nỗ lực bảo tồn kiến trúc trên toàn thế giới phối hợp rời rạc và thiếu mục tiêu. Cơ quan phụ trách văn hóa của Liên hiệp quốc - UNESCO - hầu như chỉ tập trung vào các địa điểm ở các nước châu Âu giàu có mà quên đi các khu vực châu Mỹ Latin hay châu Á.

Quỹ di sản toàn cầu cho biết hơn 80% địa điểm các di sản thế giới của UNESCO nằm ở 10 quốc gia giàu nhất. Còn ở những nơi khác, theo ông Morgan, "di sản bị đánh giá kém xa giá trị thật của chúng". Ông cũng cảnh báo nếu không can thiệp sớm, những địa danh bị đe dọa sẽ  nhanh chóng bị hủy hoại: "Chỉ trong vòng 10 năm nữa thôi, chúng ta sẽ mất chúng".

Pháo đài Fort Santiago ở Philipines.

Shirley Young, người đứng đầu viện văn hóa Mỹ- Trung, cho rằng tầm quang trọng của những công trình như vậy vượt xa quan niệm "chỉ là những địa điểm, những kiến trúc đẹp". Bà cho rằng chúng là biểu trưng cho đời sống tinh thần của nhân loại: "Tôi nghĩ rằng chúng ta đều đồng ý rằng một thế giới không có  lịch sử cũng đồng nghĩa nó không có linh hồn".

Tượng bị phá hủy ở Mes Aynak, tu viện phật giáo ở Afganishtan.

Tuy vậy, các chuyên gia cũng đồng thời nhấn mạnh những câu chuyện về thành công, truyền cảm hứng trong việc bảo vệ các di sản.

John Sanday, một chuyên gia đã dành hàng năm trời cố gắng đưa đền Angkor và các địa điểm ở Campuchia trở lại trên bờ vực sụp đổ, cho xem các bức ảnh trước đây và bây giờ của ngôi đền vĩ đại mà lần đầu tiên ông gặp 20 năm trước.

"Thực sự những cái cây đã bao trùm cả ngôi đền và bóp nghẹt nó, kéo nó vỡ ra từng mảng". Ông chỉ vào đống đổ nát đã được khôi phục lại, tuy nhiên giờ lại có nguy cơ bị tàn phá do du lịch.

Rễ cây trùm lên đống đổ nát của ngôi đền Preah Khan thuộc Angkor Wat

10 di sản kiến trúc hàng đầu có nguy cơ biến mất ở châu Á được Quỹ di sản toàn cầu liệt kê, bao gồm:

1. Ayutthaya ở Thái Lan, thủ đô trước đây của người Xiêm, được biết đến như "Venice của phương Đông"
2. Pháo đài Fort Santiago ở Philipines.
3. Kashgar, một trong những thành phố còn được bảo tồn trên "con đường tơ lụa" trước đây của Trung Quốc.
4. Đô thị cổ Mahasthangarh, một trong những địa điểm kiến trúc cổ xưa nhất Nam Á, thuộc Bangladesh.
5. Mes Aynak, tu viện phật giáo ở Afganishtan
6. Myauk-U, thủ phủ vương quốc Arakenese đầu tiên ở Myanmar.
7. Cánh đồng chum (Lain of Jars), một địa danh bí ẩn ở Lào
8. Đền Preah Vihear, kiệt tác kiến trúc của người Khmer ở Campuchia
9. Rakhigari, một trong những địa điểm cổ xưa, rộng lớn nhất thuộc khu vực thung lũng Indus ở Ấn Độ
10. Taxila, giao lộ kinh tế cổ xưa ở Pakistan
Nguồn NYDailyNews/ DVT
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]