Châu Á trước nguy cơ thuốc lắc

Hiện nay, thuốc kích thích mang tên ecstasy đã tràn ngập thị trường tự do, trong vũ trường hoặc tụ điểm ăn chơi tại hầu hết các thành phố lớn châu Á

15.5972
Khi xuất hiện lần đầu tại Anh vào thập niên 1980, ecstasy (thuốc lắc) chỉ được giới trẻ nước này sử dụng tại các tụ điểm giải trí dã ngoại cách xa trung tâm thành phố nhưng nay, khi xâm nhập châu Á, ecstasy ngang nhiên hiện diện trong vũ trường và được bày bán công khai nhiều nơi. Cho đến thời điểm hiện tại, Indonesia là nước có số thanh niên sử dụng ecstasy cao nhất châu Á. So với hồi đầu năm nay, lượng ecstasy tiêu thụ thị trường Indonesia đã tăng từ 100.000 viên/tháng lên gấp 5 lần. Trong số con nghiện và thành phần tàng trữ, mua bán ecstasy trái phép, có cả vài gương mặt quen thuộc như ngôi sao phim truyền hình Indonesia Zurimah. Giữa tháng 8, người ta phát hiện trong căn hộ của Zurimah gần 30.000 viên ecstasy. Trên đường đến đồn cảnh sát, Zurimah xin được tạt vào nhà mẹ cô để tắm và đã biến mất dạng. Đây là một trong những vụ phát hiện lớn liên quan đến ecstasy của lực lượng cảnh sát Indonesia. Tháng 5, hải quan phi trường Jakarta phát hiện bốn người mang theo 60.000 viên ecstasy. Thông tin điều tra cho biết thêm, siêu người mẫu của Indonesia Devi Ivon và ca sĩ Renny Jayusman cũng nghiện ecstasy. Trước tình hình ngày càng nghiêm trọng, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono mới đây đã ký sắc lệnh nghiêm cấm lưu hành ecstasy và vũ trường nào bán ecstasy phải bị đóng cửa ngay tức khắc. Thật ra, đây chỉ là giải pháp tạm thời và việc đóng cửa vũ trường xem ra khó thực thi. Mỗi năm hội đồng quản trị thành phố Jakarta thu được hơn 100 triệu USD tiền thuế từ các vũ trường, quán bar và câu lạc bộ giải trí. Ở Bangkok, cảnh sát cũng bắt giữ nhiều con buôn làm giàu nhờ ecstasy. Cách đây một năm, Justin Jackson - một trong những ông trùm trong giới buôn ecstasy - đã bị tóm và hiện đối diện với bản án 20 năm tù cộng thêm khoản tiền phạt 15.800 USD. Tuy thế, tại khu náo nhiệt Patpong Soi 4, người ta có thể mua ecstasy ở bất kỳ góc phố nào và thoải mái mang vào vũ trường sử dụng. Tại Hồng Kông, mới đây, người ta bắt giữ một gã đến từ Amsterdam (Hà Lan) với 12.000 viên ecstasy. Đây là vụ phát hiện và tịch thu ecstasy lớn nhất Hồng Kông, so với vụ thu tóm 24 viên ecstasy trong năm 1995. Tại Singapore, ngày 17-8, hai thiếu niên mới 16 tuổi đã bị tống giam một tháng vì tội dùng ecstasy. Bản án tối đa cho người sử dụng hay tàng trữ mua bán ecstasy ở Singapore là 10 năm tù và 14.200 USD tiền phạt. Sáu tháng đầu năm nay, hơn 100 người đã bị bắt bởi tội trạng dùng ecstasy - gấp đôi so với 6 tháng cuối năm 2004. Tại Malaysila, người ta đang kêu gọi áp dụng án tử hình cho tội trạng buôn bán ecstasy cũng như các loại thuốc kích thích gây nghiện khác. Hiện tại, bản án cao nhất cho thành phần tàng trữ chất kích thích tại Malaysia là 5 năm tù và 8.000 USD tiền phạt. Cũng cần biết thêm rằng, giá 1 viên ecstasy ở Bangkok là 40 USD; so với 0,20 USD/gram marijuana; 4 USD/viên amphetamine; 135 USD/gram cocaine.
4 giai đoạn nghiện ecstasy

Con nghiện ecstasy thường trải qua bốn giai đoạn. Ở giai đoạn thứ nhất, ecstasy tạo cảm giác ngất ngây nhưng rất tỉnh táo và hưng phấn tột độ, cơ thể không hề cảm thấy đói... Tuy nhiên, trong giai đoạn này, người sử dụng thường gây nhiều hành động xuẩn ngốc mà họ không hề ý thức. Ở giai đoạn hai, con nghiện bị giảm cân sau vài tháng dùng ecstasy. Thân thể con nghiện bắt đầu nhức nhối, da đổi màu xám xịt và con ngươi giãn to. Các hoạt động như ăn uống, chăn gối... trở nên dai dẳng nhưng không đem lại cảm giác sung sướng. Đến giai đoạn ba, luồng ý nghĩ hoang tưởng tràn ngập tâm trí con nghiện. Họ hay nghi kỵ mọi người, thính giác trở nên nhạy cảm đến độ không chịu nổi các âm thanh bình thường như tiếng xe máy chẳng hạn. Chỉ nghe tiếng trẻ khóc, hắn có thể hóa rồ và làm nhiều điều nguy hiểm. Ở giai đoạn cuối cùng, con nghiện mất trí, não bộ bị tổn thương nặng, không thể hồi phục được...

(Theo SGGP)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]