Nhận biết ưu điểm
Hầu hết các loại máy hút khói hoạt động dựa trên nguyên tắc quạt thông gió kết hợp với các màng lọc. Máy thường bao gồm các bộ phận cơ bản như: lớp vỏ bên ngoài, hệ thống dẫn hơi, lưới lọc, quạt hút, đèn chiếu sáng, đèn báo hiệu mức độ bám bẩn và nút điều chỉnh tốc độ hút.
Các loại khí độc hại và mùi khó chịu sẽ được hút lên bằng quạt và chuyển ra ngoài, còn bụi bẩn và dầu mỡ sẽ bám lại lớp màng lọc - có thể dễ dàng tháo ra vệ sinh và thay mới.
Với những loại máy sản xuất tại Mỹ, Ý, hình thức đẹp, có các tính năng hiện đại như: Bộ phận cảm biến nhận được độ bẩn của khói trong không khí để tăng tốc cho quạt hút; cảm biến nhận độ bẩn của lớp màng lọc để báo làm vệ sinh... Nhược điểm của những dòng máy này là giá thành khá cao.
Các loại máy nhập khẩu từ Nhật thường có chén hứng dầu. Loại này dùng một hoặc hai quạt có cánh chéo, khi quay sẽ hút mạnh luồng khí hướng tâm rồi thổi theo ống ra ngoài trời. Ưu điểm của loại này là ở giữa quạt có chụp bán cầu để dầu mỡ bám vào, sau đó chảy vào chén hứng bên dưới, hạn chế tối đa dầu mỡ bám trên máy. Tuy nhiên loại này chỉ dùng tốt cho những căn bếp có ống thoát hơi.
Khi mua và lắp đặt máy hút khói, bạn nên quan tâm đến công suất và độ ồn của máy. Nếu mua máy không ống khói, nên chọn loại có 2 mô tơ, tốc độ hút từ 650m3/h trở lên; độ ồn không quá 50db.
Nếu có số tiền từ 3-5 triệu đồng, bạn nên chọn loại máy hút có hai chế độ: hút khử và hút đẩy trực tiếp mùi, khói, khí nóng ra ngoài. Như vậy máy sẽ khử mùi, khói triệt để hơn và bạn cũng không cần phải thường xuyên thay than hoạt tính.
Để đảm bảo an toàn khi lau chùi, bạn nên thực hiện nguyên tắc sau:- Phải rút phích cắm điện ra khỏi nguồn.- Tuyệt đối không dùng nước, vật cứng để lau, rửa máy.- Với tấm lọc, cách 15 ngày nên rửa sạch sẽ, làm khô hoàn toàn trước khi lắp lại.- Với tấm lọc than hoạt tính, cần thay mới 6 tháng/lần.