Mì, nui, miến là những nguyên liệu quen thuộc làm nên nhiều món ăn ngon. Trước khi dùng mì, nui để chế biến, bạn cần phải làm mềm chúng bằng cách luộc hoặc trụng. Dưới đây là một vài mách nhỏ cho bạn.
Trước khi luộc, bạn nên xác định loại nguyên liệu là bún gạo, miến, nui, pasta, mì trứng hay hoành thánh để có bước chuẩn bị và thực hiện chuẩn xác.
Mì sợi, nui
Nếu luộc pasta, mì sợi, nui điểm lưu ý trước tiên chính là lượng nước luộc. Thông thường, với mỗi 100g mì, bạn sẽ cần 1 lít nước, bạn có thể dùng nhiều hơn một chút nếu thích, nhưng quá ít nước sẽ làm cho những sợi mì dính vào nhau và không chín đều.
Sau khi canh nước, bạn đun sôi nước ở nhiệt độ cao (có thể dùng nồi hoặc chảo sâu lòng đều được), tiếp theo thêm vào nước chút muối (cách này sẽ làm tăng hương vị của mì, đồng thời giúp tăng nhiệt độ sôi, giảm thời gian nấu). Tương tự nước, cứ 1 lít nước, bạn cho vào khoảng 5-7g muối.
Khi nước đã sôi lăn tăn, cho toàn bộ pasta vào nồi, đun ở lửa vừa hoặc nhỏ để không phá vỡ kết cấu của mì.
Tùy thuộc vào độ dày, mỏng của mì, nui mà thông thường bạn cần từ 5-12 phút cho mỗi lần luộc. Để có thể canh thời gian chính xác, trước khi luộc bạn nên đọc kỹ hướng dẫn ghi trên gói mì.
Mì, nui luộc ngon là phải được luộc vừa chín tới hoặc có thể chỉ 7/10 phần với một số món xào, trộn… Vì vậy, để canh được độ chín của mì theo ý thích, bạn có thể canh quá 1/2 thời gian quy định, dùng nĩa vớt một vài cọng mì lên cắn thử hoặc dùng ngón tay ngắt để cảm nhận. Nếu chưa được như mong muốn, bạn có thể tiếp tục nấu thêm 1-2 phút nữa. Sau khi mì chín, đổ vào rổ cho ráo nước, sau đó trút vào tô lớn hoặc nồi, cho vào vài giọt dầu để chúng không dính lại với nhau. Một lưu ý nữa là trong suốt thời gian nấu, nên giữ cho nước luôn sôi để mì được nở đều.
Thông thường sau khi trút mì ra rổ, người ta thường đổ thêm nước lạnh (hoặc nóng) vào mì. Nên tránh vì điều này làm cho sợi mì mềm, dính bết vào nhau và mất đi hương vị. Bạn cũng không cần cho dầu vào nồi nước khi đang luộc để mì, nui không dính với nhau. Cách này thực tế sẽ làm pasta bị bao một lớp dầu mỏng khiến nó khó thấm sốt, khi ăn không được ngon.
Miến
Trước khi luộc, bạn nên ngâm miến trong nước lạnh khoảng 30 phút, điều này sẽ giúp cho sợi miến trở nên mềm đều và ngon hơn. Nếu không có nhiều thời gian bạn có thể xả miến qua nước lạnh, sau đó cắt bó miến làm 2 hoặc 3 rồi đem ngâm với nước ấm khoảng 5-7 phút.
Tương tự như cách luộc pasta, mì bên trên, bạn cũng đun sôi nước, cho miến vào luộc trong thời gian nhanh chóng khoảng 2-4 phút ở lửa vừa, sau đó trút ra rổ, dội nước lạnh lên để miến nguội bớt rồi để ráo. Không nên đổ nước ấm vì sẽ làm miến dễ bị nhão, nhớt.
Khi luộc bạn cần lưu ý đổ ngập nước để miến chín đều, trong khi luộc bạn cũng có thể dùng đũa khuấy nhẹ để sợi miến rời ra.
Hoành thánh
Với hoành thánh, thay vì muối khi luộc bạn nên cho vào nồi chút xì dầu và dầu ăn. Đợi nước sôi thì cho hoành thánh vào. Khác với mì, bạn nên chia hoành thánh làm nhiều đợt và luộc để hoành thánh không bị dính vào nhau. Luộc hoành thánh ở nhiệt độ cao, canh khoảng 2-3 phút thấy hoành thánh nổi lên tức là hoành thánh đã chín.
Khi ấy, bạn chỉ cần dùng vợt vớt hoành thánh ra và thả vào tô nước lạnh để giúp vỏ hoành thánh săn lại. Tuy nhiên, chỉ để khoảng một phút vì để lâu vỏ hoành thánh sẽ mềm nhũn và vỡ. Lưu ý không luộc hoành thánh quá kĩ vì vỏ bánh sẽ dễ bị nát.
Luộc nui bằng lò vi sóng
Không cần phải dùng đến lò, nồi hay chảo mới có thể luộc được nui. Nếu chỉ cần một phần nhỏ cho bữa sáng, bạn có thể luộc nui trong lò vi sóng theo cách sau:
– Trước tiên cho một lượng nui nhỏ vào chén hoặc tô an toàn với lò vi sóng, cho nước vào khoảng 1/2 chén.
Dùng loại tô an toàn với lò vi sóng để luộc mì, nui
– Cho chén vào lò vi sóng, điều chỉnh nút luộc mì có sẵn trên lò, hoặc ấn nút hâm nóng tự động và canh thời gian khoảng 3-5 phút, tùy thuộc từng lò vi sóng mà bạn có thể “luộc” trong 5-7 phút cho một mẻ nui.
– Sau khoảng thời gian đó, dùng muỗng thử vài hạt nui xem đã được như mong muốn chưa. Nếu nó còn dai có thể cho vào “luộc” thêm khoảng 2-3 phút nữa.
– Nui chín cho ra rổ để ráo.
Theo Phunuonline.com.vn