Cách làm bánh chưng, bánh giầy đón tết – Hướng dẫn gói bánh chưng không cần khuôn

Bánh chưng, bánh giầy là 2 món bánh ý nghĩa trong ngày tết. Bánh chưng hình vuông, tương trưng cho trái Đất. Bánh giầy hình tròn, tượng trưng cho mặt trời. Cùng vaobepnauan.com làm 2 món bánh ý nghĩa này các bạn nhé.

0

Cách gói bánh chưng không cần khuôn

Để gói được những chiếc bánh chưng thơm ngon, xanh, dẻo mà không cần dùng khuôn cũng cần phải biết cách nhé chị em.

Bánh chưng là món ăn không thể thiếu được trong những ngày Tết của người Việt Nam. Tuy nhiên, để gói được bánh chưng ngon, chặt, lâu bị hỏng đòi hỏi sự kỳ công trong phần chọn nguyên liệu, cách gói cũng như cách luộc làm sao cho thời gian hợp lý đảm bảo bánh dẻo, giữ được lâu, thơm ngon. Cô Minh Thủy MasterChef sẽ hướng dẫn cách gói để các bạn có được món bánh chưng như ý muốn ngày Tết nhé!

Nguyên liệu làm bánh chưng:

– Lá dong gói bánh chưng, chọn loại lá bánh tẻ (loại lá không không non cũng không già)

– Lạt giang dẻo, khi gói cuộn không bị gãy

– Gạo nếp cái hoa vàng, hạt gạo to đều, thơm mới (tùy theo số bánh sẽ gói)

– Đỗ xanh, đỗ mới, bở, vàng, đẹp (tùy lượng theo số bánh sẽ gói), nấu chín và nghiền nhỏ.

– Thịt ba chỉ có phần nạc, mỡ, đều và dày. Chọn bì mỏng, đừng chọn nhiều nạc quá gây ngấy khi ăn

– Gia vị: Muối, hạt tiêu

Cách làm bánh chưng:

1. Chuẩn bị nhân đỗ xanh, thịt, lá, gạo

Bước 1: Đỗ xanh ngâm nở trong vòng 2 tiếng. Đãi sạch và nhặt bỏ những hạt xấu rồi xóc với 1 thìa ăn cơm muối, sau đó cho vào nồi hấp, hấp chín.

Đỗ chín bở, dùng thìa tán cho thật nhuyễn, đem trộn đều đỗ với một chút hạt tiêu (ít hay nhiều tùy khẩu vị). Sau đó, nắm đậu thành các nắm tròn bằng nhau.

Bước 2: Gạo ngâm khoảng 2 tiếng cho mềm (chỉ cần ngâm 2 tiếng là đủ làm mềm gạo, không ngâm lâu sẽ làm gạo bị chua và bở).

Sau khi ngâm mềm thì đãi lại gạo vài lần cho sạch và nhặt bỏ những hạt xấu. Sau đó xóc gạo với 1 thìa ăn cơm muối và 1 thìa ăn cơm hạt nêm.

Bước 3: Khi mua lá dong về cho vào nước rửa sạch. Nếu không rửa sạch sẽ thì dẫn đến bánh nhanh hỏng. Sau đó, dùng khăn sạch lau khô. Tiếp đó cắt phần sống lá (Tuy nhiên, sau khi cắt sống lá xong đừng bỏ đi mà để lót vào khi luộc bánh chưng). Lưu ý, khi cắt sống lá, không cắn sâu quá sẽ vào đến thịt lá, làm rách lá.

Bước 4: Thái thịt miếng to bản, dày khoảng 2cm, dài khoảng 5cm – 6cm rồi cho muối, hạt tiêu vào để ướp thịt. Gạo, nhân đã chuẩn bị đầy đủ.

2. Gói bánh

Bước 1: Khi gói bánh chưng, xếp 4 lá vuông góc như trong hình, 2 lá dưới úp mặt phải xuống (2 lá dưới để như vậy vì khi bọc bánh lại, phần mặt phải sẽ nằm bên ngoài làm cho bánh đẹp hơn), 2 lá trên ngửa mặt phải lên (2 lá trên làm vậy để khi bóc bánh, bánh không bị dính).

Bước 2: Cho khoảng 1 bát gạo vào giữa lá dong.

Bước 3: Lấy một nửa nắm đỗ xanh nhấn nhẹ để phần đỗ xanh trũng xuống, rồi đặt một miếng thịt vào giữa phần đỗ xanh sau đó, úp nửa phần đỗ xanh còn lại (cũng được ấn nhẹ cho trũng xuống) lên miếng thịt.

Nặn nhân sao cho phần đỗ xanh bao kín gần hết miếng thịt.

Đặt nhân lên trên phần gạo.

Bước 4: Đổ thêm một lớp gạo phía trên phần nhân và dùng tay san đều sao cho gạo phủ kín nhân.

Bước 5: Dùng tay gấp lần lượt lá dong bên phải và trái vào nhưng lưu ý chú ý phải chắc tay. Phần lá dong thừa thì gập mép lại (gập vào bên trong để giấu lá thừa).

Sau đó, phần gấp phần đầu lá dưới lên. Bóp mép hai bên phần đầu trên của bánh, gấp nốt phần lá thừa ở bên trên lại cho vuông vắn.

Bước 6: Để làm một chiếc bánh chưng vuông này, chị em cần có 4 chiếc lạt. Buộc hai chiếc lạt đầu tiên song song nhau để giữ cho bánh chặt, lá không bung ra. Hai lạt sau vuông góc với hai lạt trước.

Sau khi buộc xong, dùng tay ấn 4 phía của bánh để bánh được chặt.

Tiếp theo là làm động tác giỗ bánh xuống bàn để bánh được thêm chắc. Thử lắc bánh, nếu còn nghe tiếng gạo bên trong là bánh chưa được gói chặt.

3. Luộc bánh

Cho phần sống lá dong đã cắt lúc mới bắt đầu làm xuống đáy nồi, sau đó xếp bánh lên trên. Cho nước lã vào ngập toàn bộ phần bánh rồi đun lửa to đến khi sôi thì giảm bớt lửa.

Sau đó, cứ 1 tiếng kiểm tra 1 lần để xem mực nước. Nếu mực nước giảm thì phải dùng nước đun sôi đổ thêm vào. Nấu trong 8-10 tiếng sẽ vớt bánh ra.

Sau khi vớt bánh, dùng khăn nhúng nước lã rửa sạch bên ngoài bánh. Tìm chỗ thoáng mát trong nhà, xếp bánh ra rồi đặt 1 tấm ván lên trên. Tiếp đó cho thêm chậu nước hoặc vật nặng đè lên trên tấm ván để bánh được săn, chắc. Khi bánh nguội hoàn toàn là có thể cắt bánh đem thắp hương trên mâm cỗ ngày Tết rồi. Chúc các bạn thành công khi gói bánh chưng nhé!

Cách làm bánh giầy

Để làm bánh giầy bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau đây:

150gr bột nếp

20gr bột tẻ

200ml nước lã

1 chút xíu muối

15ml dầu ăn

Giò bò

Cách làm:

Trộn đều bột nếp, bột tẻ, muối.

Vun bột lại, khoét lỗ ở giữa tạo thành miệng giếng. Đổ nước và dầu ăn vào giữa từ từ trộn đều để bột không bị vón cục.

Cho bột vào một tô chịu nhiệt có nắp đậy cho vào lò vi sóng, để nhiệt độ ở mức độ trung bình, thời gian 5 phút. Sau 5 phút lấy bột ra khỏi lò vi sóng, đợi chừng 3 phút thì mở nắp ra.

Xoa một chút dầu ăn vào tay, vắt từng miếng bột vừa phải, nặn bánh cho tròn.

Phết 1 chút dầu ăn ra đĩa, đặt từng chiếc bánh dày ra đĩa đợi một chút cho bánh dày se mặt lại.

Cắt giò bò thành từng lát mỏng ăn kèm bánh.

Cách làm bánh dày giò này có ưu điểm là bánh sẽ không bị khô dù bạn có để tới chiều. Nhưng nhược điểm là bàn tay của bạn sẽ phải chịu nóng cao vì bột khi vừa từ lò vi sóng ra sẽ rất nóng. Bánh dày giò là món đồ ăn sáng khá nhanh gọn và ngon miệng với cả nhà mình. Chỉ cần 15 phút thôi bạn đã có những chiếc bánh dày giò trắng ngần thơm ngon ăn kèm với giò bò hoặc giò lụa rồi. Điều quan trọng nhất để quyết định chất lượng bánh dày của bạn là bạn phải chọn loại bột nếp thật ngon nhé!

Ý Nghĩa Bánh Chưng – Bánh Giày Ngày Tết

Ẩm thực trong ngày Tết Việt là một trong những nét đặc trưng của văn hóa. Không chỉ là sự tinh tế trong từng món ăn được chế biến công phu mà còn là niềm mơ ước của người dân được đặt vào nó. Bánh chưng và bánh giày thể hiện cho sự: “Thuận thiên đắc địa, thịnh vượng an khang”.

Bánh chưng

Là loại bánh đặc trưng và điển hình nhất trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Truyền thuyết và ý nghĩa của loại bánh này thì chắc ai cũng biết: “Gạo là thức ăn nuôi sống người, gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng trưng cho Trời Đất. Lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột để tượng hình cha mẹ sinh thành”. Bánh chưng hình vuông, tương trưng cho trái Đất, là âm. Bánh chưng dành cho mẹ.

Ý nghĩa này và các nguyên liệu để làm ra nó thấm đượm sự tinh tế, sâu sắc của tâm hồn Việt. Nguyên liệu chính để làm bánh là nếp, đậu xanh, thịt lợn, đặc trưng cho một nền kinh tế lúa nước nông nghiệp. Cách chế biến, gói, luộc bánh thể hiện tính cộng đồng cao. Cả nhà quây quần gói bánh, canh bánh trong không khí náo nứt của những ngày cận tết, thật là những ký ức khó quên.

Nguyên liệu để gói bánh thường là lá dong tươi, chọn lá dong rừng bánh tẻ, to bản, đều nhau, không bị rách, màu xanh mướt. Gạo nếp nguyên liệu chính của món bánh được chọn lựa kỹ càng từ những loại nếp ngon thượng hạng hạt to, tròn dẻo đều, vừa mới thu hoạch mới tạo mùi vị thơm ngon cho bánh. Đậu xanh được lựa chọn công phu phải là loại hạt tròn, lòng vàng nguyên hạt thì bánh mới ngon và đẹp mắt. Thịt heo phải chọn thịt ba rọi để bánh không quá khô mà lại có vị béo đậm đà. Gia vị có các loại hạt tiêu, hành củ dùng để ướp thịt làm nhân, muối dùng để trộn vào gạo, đỗ xanh và ướp thịt. Đặc biệt thịt ướp không dùng nước mắm vì bánh sẽ chóng bị ôi, thiu.

Bánh sau khi gói sẽ đem luộc trong thời gian dài thường trên 10 tiếng, phải để lửa liu riu, bánh mới ngon. Khi lấy bánh ra các hạt gạo mềm nhừ, vị thơm bùi, béo của đỗ xanh và thịt chan hòa, ngấm vào nhau, trở thành hương vị độc đáo mang một triết lý sống chan hòa, hòa đồng của dân tộc ta.

Bánh giầy

Bánh giầy hình tròn, màu trắng, tượng trưng Trời, dương. Cùng với bánh chưng, thể hiện triết lý Âm Dương, Dịch, Biện chứng Đông Phương nói chung và triết lý Vuông Tròn của Việt Nam nói riêng. Bánh giầy dành cho cha. Bánh thường được làm bằng xôi đã được giã thật mịn, có thể có nhân đậu xanh và sợi dừa với vị ngọt hoặc mặn.

Người ta chọn loại gạo nếp ngon, đồ kỹ (có thể đồ hai lượt), rồi giã trong cối tới khi có được một khối bột nếp chín dẻo quánh. Đây là công việc đòi hỏi sức vóc, thường chỉ nam thanh niên làm vì bột nếp chín đặc biệt dính và quánh, việc nhấc chày lên cũng không đơn giản. Nếu giã không nhuyễn hẳn ăn còn hạt gạo sẽ mất ngon, dễ bị “lại” bánh. Thường thường người ta có thể dùng chút mỡ lau vào đầu chày giã cho đỡ bị bết dính, nhưng óc lợn hấp chín được sử dụng cho mục đích này nhiều hơn.

Bánh có thể được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch (ngày giổ tổ Vua Hùng).

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]