Cách làm đẹp đặc biệt của người M’nông

Theo bà Thị Dêr ở bon Bu Prâng 1 (xã Quảng Trực, Tuy Đức, Đăk Nông) thì từ xa xưa, người M’nông đã biết tận dụng những sản vật từ thiên nhiên để làm “mỹ phẩm” nhằm làm đẹp cho mình.

15.5953

Ví dụ như để có son tô môi đỏ, má hồng, bà con thường ra con suối cạnh nhà kiếm những viên đá có màu đỏ về mài thành nước, sau đó nấu cô đặc hoặc lên rừng tìm lá cây pun về giã nhuyễn, trộn với một số lá cây khác tạo nên một chất sền sệt, màu hồng và bóng.

Để nhuộm lông mày thì lấy chất nhựa màu đen trong tẩu thuốc. Hoặc là dùng trái của cây play pêl (giống trái bồ kết) về nấu nước gội đầu cho mái tóc mềm mượt, đen nhánh; dùng lá cây tơm y biên giã nhuyễn, quấn vào đầu ngón tay rồi hơ lên lửa, làm nhiều lần như vậy móng tay sẽ hồng hào hơn...
 
Bà Thị Dêr và Thị Biăt còn nhớ cách làm đẹp của dân tộc mình
 
Quan niệm của người M’nông xưa về vẻ đẹp trên khuôn mặt của con người là phải “cà răng, căng tai”. Bà Brao ở cùng bon Bu Prâng 1 cho biết: “Bà con ra suối tìm những viên đá nhám, sau đó về mài răng, mài ngày này sang ngày khác, lúc nào cảm thấy đều và nhẵn đến tận chân răng mới thôi. Sau khi cà răng, chị em lên rừng kiếm cây krai về đốt và lấy tro bôi vào chân răng để nhuộm đen răng.
 
Về tục căng tai thì già làng Điểu Đ’răng ở Bu Prâng 1 cho biết: “Đối với đồng bào M’nông ngày trước, ai chưa qua tục căng tai thì không những không có quyền kết hôn mà còn bị phân biệt đối xử trong sinh hoạt hằng ngày, phải luôn đi sau mọi người, khi chết không được về với ông bà tổ tiên, còn cha mẹ mang tiếng chưa tròn nghĩa vụ đối với con cái.

Do đó, ngày trước, tất cả trai gái trong bon làng đều phải căng tai để không chỉ làm đẹp cho khuôn mặt mà còn là cách để phô trương thân thế, sức mạnh của mình trước cộng đồng. Đồng bào còn lưu truyền những câu nói vần về tục căng tai này: “Nơi tay trái phải có vòng tẻ/ Nơi cổ tay phải đeo xâu hạt cườm/ Hai gò má phải đeo ngà voi/ Có như vậy mới là người sang trọng...”.
 
Còn theo lời kể của bà Thị Biăt ở bon Bu K’rắk, xã Quảng Trực thì tục căng tai được tiến hành khi đứa trẻ còn nhỏ, người ta lấy gai của cây chanh hoặc gai bưởi cạo sạch vỏ và dùng nước sôi nấu gừng bóp dái tai cho thật mềm trước khi xâu lỗ tai.
 
Để có lỗ tai đẹp và to tròn thì phải xâu đúng kỹ thuật, ngay chính giữa dái tai. Sau khi xuyên qua, cứ để nguyên cây gai dính vào tai, mỗi ngày đều phải rửa tai bằng nước sôi nấu gừng. Khi tai hết chảy máu và vết thương đã thật lành lặn thì bắt đầu vặn cây gai vào dần và cho đến khi nào lỗ tai to mới thôi.
 
Bà Thị Biăt nói: “Đồng bào quan niệm rằng, vòng tai càng rộng càng tốt, càng đẹp, càng quý phái và sang trọng. Chỉ nhìn hai bên tai đeo những thứ gì là có thể biết được người đó thuộc tầng lớp nào trong xã hội, giàu hay nghèo. Do đó, để được “đẹp”, người ta đã lấy những khoanh ngà voi đủ độ nặng để đeo vào tai, qua thời gian sẽ làm vòng tai rộng ra…”.
 
Theo Mỹ Hằng
Đắk Nông Online

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]