Cách trị tính nóng nảy cho trẻ

(SKGĐ) Nếu như cha mẹ không kịp thời uốn nắn trẻ ngay từ khi còn nhỏ để ngăn cản sự hình thành tính khí nóng nảy, nguy cơ có thể dẫn đến những tình huống xấu hơn cho tính cách trẻ trong tương lai.

0

Ảnh minh họa

Những biểu hiện đầu tiên của tính nóng nảy ở trẻ như cắn, xô đẩy nhau hay đánh đấm. Tiếp theo là dễ nóng giận khi không hài lòng về chuyện gì đó, hay la hét khi bị cha mẹ la và ném các đồ vật đang cầm trên tay… Những trẻ có tính hung hăng, nóng nảy dễ có nguy cơ mắc phải các tệ nạn xã hội như: hút thuốc lá, dễ gây tại nạn hay phạm tội bạo lực hơn những trẻ bình thường.

Khi trẻ đến tuổi đi học, được tiếp xúc với nhiều bạn bè có thể làm trẻ bị ảnh hưởng hoặc làm tính khí nóng nảy gia tăng, những bài học giúp kiềm chế sự hung hăng lúc này có thể đã quá trễ để ngăn chặn. Vì thế, thời gian trẻ còn ở nhà là thời gian hết sức quan trọng và có hiệu quả nhất để bạn can thiệp vào sự hình thành tính cách.

1. Tìm một nơi thích hợp cho trẻ mỗi khi cáu giận

Bạn có thể chọn một căn phòng khác ở trong nhà và tập cho trẻ thói quen mỗi khi cáu giận sẽ vào đó suy ngẫm. Hãy nói với trẻ rằng khi nào hết cáu giận, con có thể ra ngoài hôn bạn và vui cười bình thường như không có chuyện gì xảy ra. Bạn sẽ ngạc nhiên về phản ứng của con mình. Bởi trẻ không thích ở một mình trong căn phòng không có đồ chơi hay những thứ mà trẻ yêu thích. Bên cạnh đó, bạn nên lờ đi mỗi khi trẻ cáu giận, vì khi được chú ý, trẻ sẽ cảm thấy thích thú với việc nổi cáu hơn rất nhiều.

2. Tìm việc thu hút trẻ

Khi phát hiện những dấu hiệu chứng tỏ trẻ chuẩn bị nổi cáu, hãy cố thu hút trẻ bằng một việc gì đó. Trẻ con vốn tính tò mò với mọi thứ xung quanh nên sẽ nhanh chóng quên đi những thứ đang làm chúng không hài lòng, và chuyển sang những thứ hấp dẫn hơn ngay tức thì.

3. Kiên nhẫn giải thích

Bạn hãy giải thích cho trẻ hiểu rằng mọi việc đều bình thường và không có gì đáng để tức giận cả. Bạn cũng nên lau mặt cho trẻ lúc tức giận bằng một chiếc khăn mát hay mang cho trẻ một thức uống mà trẻ thích để giúp trẻ bớt cơn tức giận.

4. Đưa ra sự lựa chọn

Chẳng hạn, khi bạn cho trẻ ăn nhưng trẻ không muốn ăn, bạn có thể cho trẻ lựa chọn làm gì trước khi ăn, là rửa tay hay thay quần áo. Sự lựa chọn có thể làm dịu đi cơn nóng giận của trẻ.

5. Đưa ra hình phạt nhẹ

Nếu trẻ vẫn tiếp tục cáu giận, bạn có thể phạt trẻ bằng cách buộc trẻ phải đi ngủ đúng giờ hay không được đi chơi vào ngày hôm sau. Hoặc nếu như trẻ đã có thể giúp việc nhà, bạn hãy tăng thêm việc mỗi khi trẻ cáu. Đây cũng là cách hữu hiệu giúp thay đổi tính khí nóng nảy.

Nên nhớ, mỗi ngày bạn chỉ nên thử một cách và áp dụng nếu cách đó có hiệu quả tốt với trẻ.

Hằng Ni

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]