Cẩn trọng hiểm họa khi làm đẹp da bằng kim lăn

Tại thị trường Việt Nam, nơi mà giá kim lăn nào cũng có, kỹ thuật làm đẹp này đã trở thành mối họa ẩn mình.

15.3775
Giá một lần lăn kim trị mụn là 5.000.000đ, dịch vụ trọn gói ba lần 7.500.000đ. Ảnh: internet

Từ đầu năm đến nay, khoa Thẩm mỹ – BV Da Liễu TP.HCM đã tiếp nhận một số trường hợp nhiễm trùng hoặc phát mụn rộp do nhiễm Herpes, dị ứng, và cả những trường hợp bị đen thâm do lăn kim không đúng cách.

Sẹo chồng sẹo

Các quảng cáo về công nghệ lăn kim tế bào gốc vô cùng hấp dẫn, khẳng định sẽ giải quyết được một số vấn đề về da: da sần sùi, lão hóa, lỗ chân lông to, da nhăn, chảy sệ, sẹo lõm, mụn đầu đen… Vì vậy, không ít người tìm đến phương pháp này để “một bước” có làn da mịn màng tươi trẻ. Tuy nhiên trên một trang web của các bà mẹ, có người đã tâm sự về việc dị ứng kim lăn: “Tôi lăn lần hai được sáu ngày, da bỗng nổi sần đỏ lên như bị dị ứng”. Phương pháp lăn kim được ưa chuộng vì có khả năng làm đầy sẹo lõm. Nhưng sau một thời gian hăm hở tự mua kim về lăn, nhiều người nhận ra không thể hết sẹo. Một trường hợp khác đã chia sẻ trên mạng sau khi đi lăn kim thất bại: “Tôi đã đi lăn kim, người ta nói sẽ cải thiện khoảng 80%, làm tôi hy vọng ghê gớm, nhưng kết quả cuối cùng thì sẹo chẳng đỡ mà mụn nổi tùm lum”.

Trên thị trường hiện có nhiều loại hình dịch vụ với nhiều loại kim lăn hình dáng, chất lượng, giá cả khác nhau. Tham khảo các trang web bán sản phẩm kim lăn giá mềm, chúng tôi nhận thấy giá kim lăn dao động từ 300.000đ đến gần 700.000đ (chủ yếu là kim Trung Quốc). Loại cao cấp nhất có giá đến vài triệu đồng như kim lăn dermarollerTM của Đức. Sự khác nhau giữa các loại này thể hiện ở chất liệu và lỗ kim. Kim lăn của Đức có đường kính cực nhỏ, nhờ vậy, các vi tổn thương đóng lại trong vòng 15 phút ở lớp biểu bì và vài giờ ở lớp bì.

Sau khi làm đẹp, hiện tượng đỏ trên da sẽ giảm nhanh chóng và thường hết trong 24g. Trong khi đó, với loại kim lăn kích cỡ lớn, các tổn thương sẽ lâu lành hơn. Nếu chất lượng kim kém, “trục trặc” có thể xảy ra. Chưa kể, nhiều cơ sở tái sử dụng kim lăn nhiều lần, điều này dẫn đến nguy cơ viêm nhiễm và nhiễm bệnh lẫn nhau nếu không vô trùng đúng tiêu chuẩn.


Làm đẹp hiệu quả

Tại BV Da Liễu TP.HCM, giá một lần lăn kim trị mụn là 5.000.000đ (làm một lần rồi bỏ kim), dịch vụ trọn gói ba lần 7.500.000đ. Theo các BS da liễu, tái sử dụng kim, dù là kim tốt hoặc dùng kim Trung Quốc giá cực mềm, đều ẩn chứa nguy cơ. Với kim tái sử dụng nhiều lần, không đảm bảo chất lượng lại được thực hiện trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, sẽ gia tăng nguy cơ tổn thương và viêm nhiễm, kéo theo hiện tượng sưng tấy da kéo dài, có thể tới vài tuần. Ngoài ra còn các rủi ro khác: nhiễm trùng, nhiễm HIV/AIDS nếu không vệ sinh theo đúng tiêu chuẩn bệnh viện. Riêng loại kim trôi nổi, đầu kim không đủ nhỏ và sắc, khi thực hiện trị liệu sẽ làm rách mô liên kết, thủng mạch và mao mạch máu dẫn đến hình thành các ổ tụ huyết cầu dưới da làm da sạm đen sau khi lăn.

Các BS chuyên khoa thẩm mỹ của BV Da Liễu TP.HCM khuyến cáo, lăn kim tưởng chừng như là một phương pháp vô cùng đơn giản (xăm da rồi bôi dưỡng chất), nhưng nếu kỹ thuật lăn không chuẩn, có thể dẫn tới rách da, khiến tình trạng sẹo mụn trở nên xấu hơn.


Không ít trường hợp làm đẹp không thành, bệnh nhân phải mất từ nửa năm đến một năm và hơn 50 triệu đồng để “đưa gương mặt” trở về như cũ.

BS Nguyễn Hữu Hà – chuyên khoa thẩm mỹ của BV Da Liễu TP.HCM cho biết, mới đây, khoa Thẩm mỹ tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị T.H. (40 tuổi, Q.10) bị nhiễm trùng nặng sau khi lăn kim. Mặt bệnh nhân sưng tấy, da chảy dịch và mủ, mắt môi sưng húp, ăn uống khó khăn. Để điều trị, bệnh nhân phải mất hơn một tháng uống nhiều loại thuốc kháng sinh. Dù đây chỉ là nhiễm trùng ngoài da, nhưng lại ở vùng xoang mặt, dễ dẫn đến viêm não – màng não nếu không điều trị cẩn thận. Đối với những bệnh nhân do lăn kim không đúng cách, có thể dẫn đến tình trạng tăng sắc tố da, da trở nên đen sạm, chi phí điều trị có thể lên hơn 50 triệu đồng. “Lăn kim có thể coi là một trong những phương pháp rất ít gây dị ứng, nhưng một số hóa chất bôi sau khi lăn kim như vitamin C, tế bào gốc, collagen, chất giữ ẩm… không rõ nguồn gốc có thể làm cho da của bệnh nhân bị dị ứng, sưng tấy, đỏ rát. Điều trị sau đó cũng không phải việc dễ dàng”, BS Hà khuyến cáo.

BS Ngô Quốc Hưng – Trưởng khoa Thẩm mỹ BV Da Liễu TP.HCM cho biết: “Kim lăn tạo ra vi tổn thương để kích thích cơ thể tăng sinh tế bào. Chu trình tăng sinh này kéo dài và kết thúc trong tám tuần. Lần đầu hiệu quả đến 70%, lần thứ nhì 20%, lần thứ ba là 10%. Vì vậy, làm với tần suất quá dày sẽ giảm hiệu quả, thậm chí còn phá hủy những gì quá trình tăng sinh tạo ra, gây tốn kém cho bệnh nhân. Lăn kim có nghĩa là gây tổn thương da. Tổn thương đó có thể dẫn đến nhiễm trùng, hoặc nhiễm siêu vi trùng hay nấm, nhất là mụn rộp nhiễm virus Herpes. Tại bệnh viện, sau khi bệnh nhân điều trị bằng công nghệ lăn kim, chúng tôi phải cho thêm thuốc chống nhiễm trùng. Ngoài ra, với tỷ lệ rất nhỏ, lăn kim cũng có thể gây ra sẹo lồi, làm tăng hoặc giảm sắc tố da nếu không được tư vấn, khám và áp dụng đúng phương pháp trên từng cơ địa”.
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]