Chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh

(Làm Mẹ) - Nhìn từ bên ngoài, chăm sóc rốn cho trẻ là công việc khá đơn giản. Tuy nhiên, nếu không làm đúng theo quy tắc, nguy cơ trẻ bị nhiễm trùng, ảnh hưởng đến thần kinh và tính mạng sẽ rất cao.

15.5967

Sau khi sinh, trẻ sẽ được y tá chăm sóc rốn cho đến ngày xuất viện. Sau khi về nhà, khi vệ sinh rốn cho trẻ, phụ huynh cần lưu ý những điểm sau:

Cha mẹ cần thay băng và làm vệ sinh rốn cho bé ít nhất 1 ngày 1 lần.

Khi cuống rốn còn mới, có thể pha cồn i ốt để vệ sinh. Khi cuống rốn đã khô, chỉ nên dùng cồn 70 độ để vệ sinh rốn cho bé. Không nên dùng cồn có nồng độ cao lau quanh rốn làm bé bị đau rát hay bỏng da.

Cha mẹ nên lưu ý, nếu rốn bé không được chăm sóc rốn đúng cách và sạch sẽ có thể khiến bé bị nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ, vàng da. Những sai lầm mà các bậc phụ huynh thường mắc phải khi chăm sóc rốn cho trẻ là: không dám đụng vào rốn của trẻ, chờ đến khi trẻ rụng rốn mới đụng đến; mang băng rốn quá kín, kéo dài 2-3 tháng mới mở ra… Những thói quen này ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ.

Việc tắm, lau người, chăm sóc rốn cho trẻ không ảnh hưởng đến rốn nhưng phải để rốn khô thoáng sau chăm sóc. Tránh rắc tiêu lên rốn trẻ sau khi rụng rốn; không rắc bột kháng sinh, không bôi thuốc đỏ vào rốn; không đắp lá cây, xác sinh vật… kể cả thuốc lên rốn trẻ.

Nếu trong quá trình chăm sóc, thấy rốn rỉ máu, chảy máu (cả khi rốn chưa rụng hoặc khi rốn đã rụng), rốn hôi, chảy nước màu vàng, rốn sưng đỏ, có mủ, rốn có u hạt to, không khô… cần đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế. Tại các cơ sở y tế, tùy từng trường hợp, trẻ sẽ được khâu buộc lại rốn, dùng vitamin K chống chảy máu, kháng sinh chống nhiễm khuẩn…

Cách vệ sinh rốn cho bé:

- Cần chuẩn bị gạc mỏng vô trùng, băng rốn sạch, mỏng, bông vô trùng.

- Rửa tay thật sạch bằng xà phòng, sau đó dùng cồn sát trùng trước khi thay băng rốn cho bé.

- Dùng tay trái nâng nhẹ đầu cuống rốn lên để lộ phần chân rốn.

- Lấy tăm bông tẩm dung dịch povidin 10% bôi xung quanh chân rốn, sau đó bôi từ chân rốn lên cuống rốn, từ trong chân rốn ra ngoài vùng da xung quanh.

- Chờ khi rốn bé khô, lấy gạc vô trùng quấn xung quanh chân rốn và băng lại bằng vòng băng thun vô trùng.

Cha mẹ cần làm việc này mỗi ngày cho đến khi rốn bé rụng và khô sạch hoàn toàn.

Một vài lưu ý về việc chăm sóc cuống rốn cho bé:

Cuống rốn của bé cần phải luôn được giữ sạch và khô ráo. Các mẹ nên gấp tã bé bên dưới cuống rốn để rốn có thể tiếp xúc với không khí. Tránh tuyệt đối việc làm dính nước tiểu hoặc phân vào cuống rốn bé, đồng thời làm sạch đáy rốn cho bé bằng miếng bông hoặc gạc thấm một ít cồn sát khuẩn 1 – 2 lần mỗi ngày. Nên tránh làm ướt rốn nếu rốn bé chưa rụng.

Đừng nôn nóng khi rốn bé không rụng vào thời điểm dự tính. Thời gian rụng rốn ở mỗi bé khác nhau, vì vậy các mẹ không nên dùng tay kiểm tra hoặc giật dây rốn lên. Bạn cũng không được cố gắng kéo đứt dây rốn, ngay cả khi nó có vẻ rất lỏng lẻo và sự gắn kết chỉ còn một chút xíu. Khi cuống rốn rụng, các mẹ có thể phát hiện một chút máu trên tã, điều này là bình thường. Vì vậy, mẹ đừng quá lo lắng mà dùng các loại thuốc bôi hay rắc vào rốn bé nếu không có chỉ định của bác sĩ.

Nếu cảm thấy lo lắng vì rốn bé chậm rụng hơn bình thường, bạn có thể đưa bé đến bệnh viện để khám. Luôn quan tâm đến các dấu hiệu quanh rốn bé. Các mẹ đừng nên bỏ qua bất cứ dấu hiệu bất thường nào của bé.

Nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường xung quanh khu vực rốn của bé như sưng tấy, rỉ dịch mủ vàng, chảy máu, sốt hoặc ít bú thì hãy đưa bé đến bệnh viện để điều trị kịp thời.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]