Đặc sản biển Cửa Lò: Đừng bỏ lỡ

Chúng tôi về với Của Lò vào những ngày cuối tháng 4, khi cả phố biển đang hối hả chuẩn bị cho một mùa du lịch. Mọi thứ nhộn nhịp nhất là khi chúng tôi lòng vòng qua các ngõ ngách, hay những khu chợ với bao nhiêu món quà của biển. Quà biển Cửa Lò không bắt mắt, màu mè mà bình dị, chân chất như những người dân biển nơi đây.

15.5724
Mực khô - đặc sản nổi tiếng của Cửa Lò

Cửa Lò thành phố thị đã lâu, đi học hỏi nhiều, học cách làm du lịch cũng lắm nhưng bao năm rồi vẫn thế. Du khách thường đùa nhau: đến Cửa Lò hết ăn rồi ngủ chẳng có chỗ tiêu tiền. Nước biển vùng này có độ mặn vừa phải nên hải sản rất ngon và thơm. Thế nhưng muốn mua làm quà rất khó mang về, khó bảo quản.

Thương hiệu nước mắm Việt - Loãn vốn có tiếng ở vùng này. Ông Phạm Xuân Loãn, chủ cơ sở cho tôi biết, làng nghề Hải Giang hiện có đến gần 100 hộ làm nước mắm nhưng người cầu kỳ như gia đình ông Loãn chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Muốn nước mắm ngon, trước tiên phải là nguyên liệu. Cũng là cá cả thôi, nhưng nếu không lựa chọn kỹ càng thì nước mắm không thơm, nhanh hỏng. Cá ngon phải là cá trỏng than, vừa được đánh ngoài biển về, chưa ngâm qua nước. Khâu chọn muối cũng phải kỹ càng. Nhiều năm nay, bác Loãn chỉ dùng đúng một loại muối Hộ Độ (Hà Tĩnh), trắng sáng, hạt khô. Căn chừng thời điểm cá về, muối sẽ được gia đình bác đặt riêng vào một bể rồi phơi ngoài trời để nước chảy ra hết. Cá ngâm ủ chừng 6 tháng thì thành sản phẩm nhưng muốn ngon và đậm đặc thì phải mất từ 12 - 18 tháng. Thời gian đó, công đoạn vất vả nhất là “náo”, tức là phải chắt nước hàng ngày rồi đem ra phơi ngoài trời. Chiều về, hết nắng lại đổ lên bể, trộn đều lên để ngấm. Thứ nước mắm ngon nhất là lượt lọc đầu tiên, gọi là nước mắm cốt, nước mắm nguyên chất. Càng về sâu, độ đạm càng giảm, nước mắm nhạt hơn. Muốn có nước  mắm hạ thổ thì sau khi thành phẩm, phải ngâm sâu dưới đất từ một đến một năm rưỡi nữa. Nước mắm đạt tiêu chuẩn phải có màu vàng cánh gián, mùi thơm, ngậy, nước không bị đóng cặn khi để lâu. Từ sau một đến hai năm, còn có thể chuyển sang màu đen. Ruốc  cũng là đặc sản nức tiếng của làng nghề Hải Giang. Người ngoài Bắc thường thích ruốc hôi (còn gọi là mắm tôm). Người miền Trung thì thích ruốc chua, (sau khi muối có bỏ thêm thính và riềng. Tuy nhiên, dù ruốc hôi hay ruốc chua muốn ngon phải được muối bằng loại tép te, đánh ở đúng biển Cửa Lò, vừa kéo ở biển về là đem ngay vào muối. Một số nơi khác ham rẻ dùng tép đáy (thường đánh ở nước lợ) sẽ không thơm bởi loại tép này thường bị ngâm cả đêm dưới nước, khi kéo lên trứng sẽ dập nên không còn hương vị riêng của biển nữa…

Đặc sản Cửa Lò còn là cá thu nướng, cá trích nướng, cá khô, mực khô, tôm nõn. Tuy nhiên, không phải cứ đến Cửa Lò là mua đúng hàng mà khách phải thực sự tinh ý. Những mặt hàng này của Cửa Lò màu thường không tươi như hàng ở phía Nam, không có ngâm tẩm. Ngược lại, cá khô đơn giản chỉ là cá trỏng đánh từ biển lên rồi phơi sấy ngoài nắng, không ngâm muối. Mực là loại mực nhỏ nhưng thân dày, ăn vào có vị ngọt, bùi, càng nhai kỹ càng đậm đà… Mực một nắng thì đúng thật là “tinh túy” của biển, nhưng muốn tìm được đúng mối, khách du lịch nên nhờ các chủ quán dọc bờ biển hoặc ra tận các thuyền đặt hàng. Mực sau khi đánh xong, sẽ được xẻ ngay trên thuyền và phơi nắng một ngày.

Không chỉ ở thị xã Cửa Lò, du khách thích phiêu lưu, khám phá có thể xuống Nghi Tân xem bà con nuôi cá lồng, mua cá vược, cá hồng mi. Xa hơn thì xem bà con đánh bắt hàu, sò điệp, câu mực đêm bằng thuyền thúng… Cửa Lò còn nối dài nếu ngược lên Nghi Thiết, Nghi Khánh sang Bãi Lữ và về với phố Đêm ở thành Vinh để cảm nhận được hương vị mặn mòi, sâu cay và đậm đà của vùng đất xứ Nghệ vô cùng mến khách này.
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]