Đàn bà và căn bệnh đãng trí

Quên đường, quên đồ, quên mình, quên chồng và quên... con là những chuyện thật như bịa của chị em. Có nhiều ông chồng tặc lưỡi: "Bà mà không quên mới là chuyện lạ".

15.5622

Không thể nhớ những việc mình đã và muốn làm

Chẳng có gì lạ khi nhiều phụ nữ tưởng tượng phố Lý Nam Đế với Lý Thái Tổ gần nhau bởi cái sự trùng họ, Trần Nhân Tông chắc chắn gần Lê Thánh Tông vì trùng tên, Tăng Bạt Hổ với Phạm Đình Hồ có lẽ gần một khu... Nhiều phụ nữ đã chứng tỏ cái sự thông thạo đường phố của mình bằng cách đi lòng vòng một hồi lại quay về vạch xuất phát: "Phố với chả phường, cứ quấn vào nhau thế nhỉ?"

Chính vì cái sự quên quên nhớ nhớ đường xá ấy nên nhiều chị em đã phải làm cái việc nực cười là lấy nhà mình làm mốc. Mọi con đường đều phải dẫn về nhà cái đã, từ nhà mình mới hình dung ra nên đi theo lối nào, nếu không đảm bảo là lạc ngay.

Ảnh minh họa

Thôi thì chuyện hay quên đường lạc lối vốn vẫn là "bản năng" của phụ nữ, là do khả năng định vị của chị em yếu hơn cánh đàn ông. Nhưng chuyện quên đồ thì xem ra chẳng ăn nhập gì với lý thuyết đàn bà, đàn ông cả. Vật điển hình cho thói hay quên của chị em ngày nay ấy là chiếc điện thoại di động.

Mang tiếng là "vật bất ly thân" nhưng không biết bao nhiêu lần nó bi réo gọi khi đang sạc pin ở nhà, vứt trên bàn ở quán cà phê, hay nằm gọn trong túi áo mẫu ở tiệm may còn cô chủ nó thì vội vã phóng xe đi làm, xì xụp trong quán bún ốc hay tung tẩy shopping. Có hôm hốt hoảng không thấy điện thoại, gọi vào số của mình nghe tiếng réo rắt "thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được", cô chủ đã tặc lưỡi cái xoẹt: "Thế là mất tiêu rồi".

Té ra số của mình là 0983 nhưng thế nào lại nhấn 0986, còn chiếc điện thoại đang nằm trên nóc tủ ở nhà. Điện thoại là vật hữu hình mà còn quên, huống hồ cái số điện thoại lằng nhằng tới 10, thậm chí 11 số thì đúng là đánh đố nhiều chị. "Thôi thế em đọc số của em, chị sẽ "nháy" số của chị sau vậy", hoặc ghé sang người quen bên cạnh: "Đọc giúp chị cái số của chị đi". Số điện thoại của mình, nhưng người khác nhớ hộ, với chị em, đó là chuyện bình thường. Những thứ lằng nhằng như thế không thể dễ dàng nhập vào cái đầu toàn những “Tối nay cho con ăn gì?” với lại “Con bé nhà mình lại ốm rồi” của các bà các chị.

Chả cứ gì điện thoại, kẹp tóc, kính, bút, thậm chí cả phấn, son thi thoảng cũng bất đắc dĩ trở thành những vật "ở ẩn'' và nhiều khi của mình thật đấy nhưng mấy bà cứ tưởng của người khác hoặc ngược lại. Nhiều ông chồng tếu táo: "Bà xã mình cất đồ ở đâu thì khỏi tìm luôn. Chính bà còn chả tìm nổi ấy chứ''.

Mà đúng thật, ''Rõ ràng hôm bữa cất cái sổ hộ khẩu vào ngăn tủ rồi mà, sao bữa nay tìm hoài chả thấy?" Trong trí nhớ của các chị, rất nhiều thứ đồ "tự dưng mọc cánh bay đâu mất tiêu". Có khi hàng năm sau, thậm chí vài năm sau, tự dưng nó lại xuất hiện trước mắt họ, như thể chưa bao giờ bị quên, bị lạc mất. Thế mới lạ chứ.

Ảnh minh họa

Có câu chuyện vui rằng một bệnh nhân vừa dứt lời than thở với bác sĩ là anh ta không thể nhớ được chuyện gì mới xảy ra dù chỉ vài phút trước đó. Bác sĩ hỏi: "Tình trạng của anh xảy ra bao lâu rồi?", anh này ngay lập tức đã ngớ cả người: "Hả, bác sĩ nói gì ạ? Cái gì xảy ra bao lâu rồi?" Cái sự hay quên của chị em nó cũng chẳng kém mấy so với anh chàng kia.

Họ xăm xăm đi xuống bếp rồi lại đi lên nhà và băn khoăn: "Mình vừa định lấy cái gì ở bếp nhỉ?" Họ vo gạo và cắm nồi cơm điện mà quên không đổ nước. Họ ới ông xã "Em bảo này" rồi chưng hửng: "Ơ, em vừa định nói với anh chuyện rất quan trọng, nhưng em chả nhớ chuyện gì nữa". Còn những người đang lắng nghe câu chuyện thao thao bất tuyệt của họ rất có thể sẽ cụt hứng khi họ bỗng dưng mơ màng rồi hỏi lại: "Tôi vừa kể đến đâu rồi nhỉ?"

Chuyện này nói ra chẳng ai tin, nhưng có thật 100%. Ấy là có chị cùng chồng con qua bên ngoại ăn giỗ, thế mà xong việc giỗ chạp, hai mẹ con đèo nhau về, cứ thấy thiếu thiếu cái gì đó, chợt nhớ: "Ô thế hồ sáng bố cũng đi cùng mẹ con mình mà". Có chị quen cảnh chồng đi vắng nên thỉnh thoảng chồng về là lại bị nhốt trong nhà và bỏ đói cả ngày. Mải làm, mải vui, các chị rất dễ quên giờ đón con, quên cho con uống thuốc, quên lời hứa với con, quên món quà con thích... Xem ra chẳng có chị em nào dám bảo mình minh mẫn lắm, rất ít khi quên cái gì.

Nói về bệnh hay quên của chị em, tác giả cuốn Phụ nữ và Bệnh hay quên giải thích: "Lao động quá sức, bệnh xơ cứng động mạch và bệnh tâm thần thường gặp phải ở tuổi trung niên là một nguyên do. Chế độ ăn nghèo nàn khiến não bị suy dinh dưỡng là một nguyên do khác. Đặc biệt với thời đại công nghiệp, thì lối sống nhanh và mức độ cơ giới hóa cao cũng trở thành thủ phạm gây suy giảm trí nhớ.

Những đồ ăn nhanh, những hộp cơm có thừa chất béo song lại thiếu dinh dưỡng và không đủ lượng protein cần thiết chẳng thể trợ giúp chức năng não. Phơi mình dưới những tia phóng xạ làm não bị tổn hại là những sự thực đáng sợ với căn bệnh của chị em". Và còn vô số những nguyên nhân khoa học khác.

Những giải thích đầy tính khoa học đó xem ra cũng có lý, nhưng nó không đủ sức thuyết phục phái yếu cho lắm. Nếu cánh đàn ông có phàn nàn, thể nào chị em cũng sẽ xổ ra một tràng những nguyên nhân, đa phần là do lỗi của phe kia. Nào là "Ai nghĩ hộ em tối nay ăn món gì? Đưa con đi khám ở đâu? Mua gì cho cháu nhân dịp 1-6? Hôm nay bà ngoại ốm thì gửi con thế nào?"… Rồi là: "Ai lo giùm em chuyện phải ủi cái áo để mai anh mặc đi làm, giúp em giặt giũ, quyết giùm em mua những gì để bạn chồng đến nhậu tối mai?"… trong khi đó, các anh chỉ có đi làm và về nhà xem ti vi. Chấm hết.

Nếu có hỏi ý kiến việc này chuyện nọ thì các anh cũng bảo chuyện đàn bà hoặc cái đó em quyết là được rồi". Rồi "đang nấu cơm thì đến giờ đón con, lúc lặt rau thì chợt nhớ bếp hết ga, khi đang bàn chuyện công việc với đồng nghiệp thì chồng điện thoại bảo chiều về mua giùm anh cái quần đi biển".

"Nữa, phụ nữ mà sinh nở xong thì trí nhớ ắt cũng giảm rất nhiều. Mà sinh con có phải chỉ cho mình em đâu nhỉ? Cho anh, và cả họ tộc nhà anh ấy chứ". Thử hỏi ngần đó việc nhà, cộng với bao la chuyện cơ quan công sở, không quên làm sao được?

Ơ thế ra tật hay quên của chị em cũng lại là do các ông chồng à? Nghĩa là nếu muốn trí nhớ của vợ mình không sớm "suy tàn" thì chính các ông chồng cũng phải góp phần cải thiện nó, bằng cách chăm chỉ giúp vợ việc nhà, quan tâm đến con cái hơn? Về lý thuyết, khi người ta ít phải nghĩ đến nhiều việc, họ sẽ nhớ kỹ hơn. Cái này thì hợp lý quá còn gì.

Thu Hương

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]