Đến nay đã có 21 “địa danh-đặc sản” được bảo hộ trong nước. Việc bảo hộ độc quyền trong nước đã là hiếm hoi, việc bảo hộ đặc sản Việt Nam ở nước ngoài càng gian nan hơn.

Mới 10% được bảo hộ trong nước

Các địa danh có gắn liền với đặc sản có thể được bảo hộ độc quyền dưới dạng chỉ dẫn địa lý. Khi đặc sản-địa danh được bảo hộ, các sản phẩm cùng loại nhưng ở vùng khác sẽ không được lấy tên địa danh đó đặt cho sản phẩm.

Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) từng thống kê được gần 220 đặc sản-địa danh. Một đặc sản-địa danh có danh tiếng, có tính chất đặc biệt (có thể xác định qua cân, đong, đo, đếm…) thì mới có thể được bảo hộ. Hơn nữa, địa phương và hội ngành nghề cũng cân nhắc giá trị thương mại mà đặc sản đó mang lại rồi mới quyết định có cần bỏ công bỏ của theo đuổi việc đăng ký bảo hộ hay không.



Bảo hộ tên “Phú Quốc” đối với nước mắm đang rất rối. Ảnh: AT

Chính vì vậy, trong mười năm qua, chỉ có 21 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột, thanh long Bình Thuận, vải thiều Thanh Hà (tỉnh Hải Dương), gạo tám xoan Hải Hậu (tỉnh Nam Định)… và gần đây nhất là thuốc lào Tiên Lãng (Hải Phòng).

Ông Hoàng Văn Tân, Cục phó Cục Sở hữu trí tuệ, cho biết một số đặc sản-địa danh sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý thì hiệu quả kinh tế thương mại tăng lên thấy rõ. Ví dụ như bưởi Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ) tăng giá 1,5-1,7 lần ngay sau khi được cấp bằng. Từ khi được bảo hộ, bưởi Đoan Hùng luôn được thương lái tranh nhau mua sạch. Đến nay, loại bưởi này đắt giá hơn, nhất là vào dịp tết và trở thành hàng hiếm, ở miền Bắc mà còn phải lùng mua mới có đúng hàng.

Bảo hộ ở nước ngoài: Chậm!

Đến nay, chưa có chỉ dẫn địa lý nào của Việt Nam được bảo hộ ở nước ngoài. Ông Hoàng Văn Tân cho biết Cục đã nộp hồ sơ xin bảo hộ cho “nước mắm Phú Quốc” tại châu Âu từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa được cấp bằng.

Liên quan đến hồ sơ này, có nhiều e ngại về pháp lý vì hiện nay tại thị trường châu Âu có nhiều sản phẩm nước mắm mang tên Phú Quốc nhưng sản xuất ở Thái Lan hoặc nước khác. Thậm chí, cái tên “Phú Quốc” cũng đã được một vài doanh nghiệp đăng ký độc quyền tại châu Âu. Cụ thể, có Công ty Việt Hương (San Francisco, Mỹ) đã đăng ký độc quyền nhãn hiệu Phú Quốc cho sản phẩm nước mắm từ năm 2003. Bằng bảo hộ cho công ty này vẫn còn đang có hiệu lực tại châu Âu.

Ông Tân cho biết đây là một khó khăn lớn trong việc đăng ký bảo hộ ở nước ngoài và Cục đang xem xét để có thể giành lại quyền đối với cái tên “Phú Quốc”.

Ai được lợi thì nên chủ động

Ông Trần Việt Hùng, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, cho rằng chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc có giá trị về kinh tế nên cần được quan tâm bảo hộ ở nước ngoài. Đặc biệt, đây còn là đặc sản mang tính “quốc hồn quốc túy”, gắn bó đặc biệt với đời sống người Việt Nam nên được ưu tiên đăng ký ở nước ngoài trước. Ông Hùng cho rằng không phải ngẫu nhiên mà nước mắm Phú Quốc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2001.

Ngoài ra, ông Hùng cũng cho biết chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận hiện đang được xúc tiến đăng ký bảo hộ tại thị trường Mỹ vì đặc sản này được xuất khẩu ngày càng nhiều, có giá trị kinh tế cao. Sở dĩ có ít chỉ dẫn được xúc tiến việc bảo hộ ở nước ngoài là vì muốn bảo hộ hay không phụ thuộc lớn vào ý chí của các hiệp hội, doanh nghiệp, người dân sản xuất đặc sản đó. Đây là những người trực tiếp hưởng lợi từ việc khai thác sản phẩm, nắm rõ tình hình thị trường, giá trị của tên gọi nên biết cần hay không cần bảo hộ ở nước ngoài. Ví dụ cụ thể, cà phê Buôn Ma Thuột là một đặc sản được xuất khẩu mạnh. Tuy nhiên, đến nay chưa thấy hiệp hội ngành hàng này có ý kiến về bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài.

Thông thường, trên thế giới, những chỉ dẫn địa lý có giá trị kinh tế cao, dễ bị làm giả thì sẽ được ưu tiên bảo hộ ở nước ngoài nhằm chống hàng giả mạo, điển hình nhất là rượu và phô-mát các loại. Ông Hoàng Văn Tân cũng cho biết gần đây Cục Sở hữu trí tuệ có quyết định cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho rượu whisky Scốt-len. Đây là chỉ dẫn địa lý thứ ba của nước ngoài được bảo hộ tại Việt Nam, sau rượu Cognac của Pháp (cấp bằng năm 2002) và rượu Pisco của Peru (cấp bằng năm 2007). Hiện có sáu chỉ dẫn địa lý nước ngoài đang chờ cấp bằng đều là rượu và bia.

Tiêu điểm

Những hồ sơ đang được thẩm định

. Bưởi Năm roi Bình Minh.

. Xoài Yên Châu.

. Quế Trà My.

. Nho Ninh Thuận.

. Gạo bắc thơm số 7 Điện Biên.

. Chiếu cói Nga Sơn.

. Mãng cầu Bà Đen.

. Tiêu Quảng Trị.

. Hạt dẻ Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng) đã vượt qua giai đoạn thẩm định đơn và sẽ được cấp bằng bảo hộ trong nay mai.

Ông LƯU ĐỨC THANH, Trưởng phòng Chỉ dẫn địa lý của Cục Sở hữu trí tuệ

QUỲNH NHƯ


Video đang được xem nhiều