Dấu hiệu đổi giờ học thất bại?

Việc trường Tiểu học Kim Giang thí điểm đổi giờ học nhưng sau đó lại phải quay về giờ cũ đã khiến không ít trường tiểu học khác trên địa bàn cũng như các phụ huynh lo ngại tính khả thi của biện pháp đổi giờ học, giờ làm của Bộ Giao thông vận tải.

15.7278

“Hôm nhà trường thông báo sẽ vào lớp muộn hơn, con tôi mừng lắm vì được ngủ nướng thêm nửa tiếng nhưng vợ chồng tôi lại sốt ruột vì phải xin phép cơ quan cho đi làm muộn”, chị Mai, phụ huynh một học sinh trường Tiểu học Kim Giang, thổ lộ.




Giờ tan học tại Trường Tiểu học Kim Giang. Ảnh: N.Quỳnh.
 

Lợi thì có lợi

Cũng theo chị Mai, việc đổi giờ cũng không hẳn là không tốt. Để vào học lúc 7g30, chị phải gọi con dậy từ 6 giờ, luôn miệng giục con đi đánh răng, rửa mặt, nhanh chóng vào ăn sáng rồi đến trường. Trước đó, hôm nào bé cũng đi học trong tình trạng ngái ngủ. Nhiều hôm cứ nghe con năn nỉ cho con ngủ thêm một tí nữa thôi, cũng thấy thương, nhưng không thể để con đến trường muộn. Vì thế, theo chị Mai, việc đổi giờ học là hợp lý so với độ tuổi của học sinh tiểu học.
Ngay cả các phụ huynh nhà cạnh trường cũng cho rằng, việc vào học muộn hơn là hợp với học sinh tiểu học. Dù chỉ cách trường vài bước chân nhưng chị Thảo, phụ huynh trường Tiểu học Nguyễn Du (Hà Đông), cho biết vẫn phải đánh thức con từ 6 giờ sáng. Chị bảo, ngày nào hai mẹ con cũng phải đánh vật với việc ăn uống của con vì bé ăn rất chậm. Có hôm, vì thức muộn, chị đành cho con nhịn ăn luôn.“Tôi ủng hộ phương án đổi giờ học, vừa đỡ mệt cho con, cho mẹ”, chị Thảo nói.


Theo Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Giang Chu Thị Hương trường quyết định đổi giờ cũng vì có phụ huynh cho rằng vào học như thế là quá sớm, các cháu không kịp ăn sáng.
 

Nhưng lắm cái lo
Có chung nhận định việc vào học muộn hơn sẽ tốt cho con nhưng nhiều phụ huynh vẫn không khỏi băn khoăn vì nếu thế thì giờ nghỉ trưa của con sẽ bị thu hẹp lại, điều này cũng không tốt cho trẻ. Mặt khác, việc đổi giờ tan học sớm hơn khiến phụ huynh phải sắp xếp lại công việc để canh giờ đón con. Nhưng không phải phụ huynh nào cũng có công việc đặc thù để sắp xếp giờ giấc, nhất là đối với nhân viên văn phòng.

Ở góc độ người quản lý, thầy Đỗ Quang Hợp, Hiệu trưởng trường Tiểu học Cát Linh (quận Đống Đa), cho rằng học sinh tan trường sớm trong khi phụ huynh phải hết giờ làm mới đón con được, vì thế, trong khoảng thời gian các cháu đã học xong mà phụ huynh chưa đến kịp, trường sẽ phải bố trí người để trông coi. “Theo dự kiến của Bộ Giao thông Vận tải, trường tan sớm từ 16g30 mà 18g phụ huynh mới nghỉ làm và mất 30 phút nữa mới đến đón con thì có lẽ trường phải mở thêm dịch vụ trông trẻ ngoài giờ. Như thế rất phức tạp!”, thầy Hợp chia sẻ. Bên cạnh đó, thầy Hợp cũng tỏ ra không mấy tin tưởng vào việc thay đổi giờ học, giờ làm có thể giải quyết được vấn đề tắc đường. Đây cũng là chia sẻ của Tiến sỹ Tâm lý học Nguyễn Tùng Lâm. Theo ông Lâm, học sinh tiểu học phụ thuộc rất nhiều vào phụ huynh. Vì thế, khi họ chưa đi làm thì vẫn phải đưa con đi học, nghĩa là vẫn phải tham gia giao thông. “Xê dịch 30 phút hay 1 tiếng thì cũng không thể giải quyết được vấn đề tắc đường”, ông Lâm nhận định.

Cô Đoàn Đức Hạnh, Phó hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Quang Trung, cũng nhận định, buổi sáng, tắc đường hướng ngoại thành vào nội thành và ngược lại. “Lệch giờ không phải mấu chốt giảm ùn tắc giao thông mà do chúng ta quá tập trung các cơ quan trong nội thành, trong khi đó đường đi chật hẹp, vỉa hè bị chiếm dụng nhiều và ý thức giao thông của người dân kém”, cô Hạnh nói.


Ngay cả với các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cũng nghi ngờ về tính khả thi của việc đổi giờ này. Theo TS Nguyễn Thanh Chương, giảng viên trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội, khoảng cách giữa giờ cao điểm và giờ bình thường không chênh lệch bao nhiêu, nên có thay đổi giờ cũng không thể giải quyết ngay được vấn đề ùn tắc. Mặt khác, nhu cầu đi lại của người dân có thể còn tăng lên vì nếu bố mẹ 9 giờ mới vào làm nhưng con đi học từ 7 giờ thì họ vẫn phải ra đường.
 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]