Mấy ngày gần đây, một số học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM phản ánh việc cô giáo dạy sinh học lớp 12 “đánh đố” học sinh bằng đề thực tế. Đề ra: “Tìm một cựu chiến binh, có đứa con bị bệnh Down, phỏng vấn người thương binh về quá trình tham chiến, cũng như cuộc sống khó khăn hiện tại như thế nào… sau đó tìm gặp một bác sĩ khoa sản, phỏng vấn về cơ chế gây bệnh và cách phát hiện thai nhi bị bệnh, xin bệnh án của một bệnh nhân bị bệnh Down và quay phim lại toàn bộ theo dạng một phóng sự”.

Hiểu người thật việc thật

Cô Nguyễn Thị Phương Nam, giáo viên dạy lớp 12 môn sinh học Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho biết cách giảng dạy cũng như ra những bài tập như thế này nhằm giúp học sinh trải nghiệm thực tế và hiểu bài sâu hơn. Tùy theo từng bài học, từng lớp và khả năng từng học sinh, cô đưa ra những bài tập phù hợp nhất. Học sinh khá sẽ quay phóng sự ngắn về Down, các em yếu hơn sẽ làm phỏng vấn ngắn về bác sĩ cho bệnh ung thư…

“Những bài tập như thế này sẽ giúp các em đồng cảm với những hoàn cảnh thực tế để xây dựng kỹ năng sống, hiểu được những nỗi đau do chiến tranh mang lại. Các em cũng sẽ biết cách tiếp cận các phương tiện thông tin như Internet, máy quay trong quá trình tìm tư liệu làm bài, vận dụng những kiến thức sinh học vào cuộc sống… Đối với những bài tập như thế này, giáo viên chỉ hướng dẫn qua cách làm, các em phải tự lực hoàn toàn từ tìm tư liệu, tìm nhân vật, liên hệ bác sĩ... để làm thành một bài hoàn chỉnh và thuyết trình trước lớp. Vì các em còn nhỏ, chưa có kinh nghiệm nên sẽ gặp những khó khăn nhất định nhưng chỉ cần các em cố gắng hết mình chứ không cần đòi hỏi quá hoàn hảo, quan trọng là các em làm và hiểu được những gì” - cô Phương Nam nói.

Cô Phương Nam đang hướng dẫn các em thảo luận nhóm trong môn sinh học sáng 8-10 tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: PHẠM ANH

Ngoài ra, theo cô Phương Nam, đây hoàn toàn là những đề tài khuyến khích tinh thần học của học sinh và lấy điểm cộng thêm thôi. Bài tập không mang tính chất bắt buộc và không đặt nặng điểm số, nên các em chỉ cần cố gắng trong khả năng là được. Giáo viên chỉ khuyến khích khả năng các em để hiểu về người thật, việc thật.

Phát huy khả năng học sinh

Ngoài ra, theo cô Phương Nam, trong quá trình dạy, cô còn đưa vào môn học những phương pháp dưới dạng trò chơi như rung chuông vàng, chiếc nón kỳ diệu… để các em hiểu lâu hơn và làm lớp học sôi động hơn vì môn sinh rất dễ làm học sinh chán nản.

Bà Hồ Ngọc Hương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho biết học sinh không nên quá áp lực với phương pháp này. Nhà trường cũng sẽ không yêu cầu cao với những bài tập như thế, chủ yếu để các em trải nghiệm, chủ động và phát huy tính sáng tạo trong khả năng của mình. Từ đó rèn luyện thêm một số kỹ năng như: phỏng vấn, tìm tài liệu, đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn, học nhóm, nói trước đám đông… Với những bài tập này, có học sinh làm rất tốt nhưng cũng có em làm không được nhưng không sao, quan trọng là các em đã cố gắng và học được nhiều kiến thức hơn.

Theo bà Hồ Ngọc Hương, không chỉ riêng môn sinh học, trường còn áp dụng phương pháp này đối với nhiều môn học khác như văn, hóa, lý… để học sinh phát huy khả năng của mình. “Đây là phương pháp giảng dạy được đưa ra trong dự án Intel teach to the future (giảng dạy và học tập hướng đến tương lai) của Tập đoàn Intel được áp dụng vào trường từ năm 2004 và sẽ tiếp tục được phát huy trong thời gian tới. Tùy theo khả năng, mỗi em sẽ có cách làm khác nhau và có bài tập phù hợp. Giáo viên hướng dẫn cách làm, nhà trường sẽ giúp về mặt giấy tờ nếu các em cần trong quá trình làm bài” - bà Hương cho biết.

Hay nhưng quá sức?

Ngay tại buổi học sáng hôm qua (8-10), nhiều học sinh chạy lên “than”: “Chúng em đã tìm được người bị bệnh Down nhưng cha mất rồi. Cô giáo nói phỏng vấn bà mẹ cũng được nhưng phải chụp lại được ảnh người cha và giấy chứng nhận thương binh. Nhưng khi quay trở lại thì gia đình bác ấy không tiếp vì mặc cảm, chúng em liên hệ ủy ban phường giúp đỡ mà cũng không được”.

Một học sinh phân trần: “Chúng em tính qua Sở LĐ-TB&XH nhưng sợ các chú không tiếp, vì không có giấy tờ gì để giới thiệu. Mà nếu các cô chú đó tiếp và giới thiệu nhân vật để “quay phim” thì chắc gì nhân vật đã cho quay. Vì đó là nỗi đau của bệnh nhân và gia đình, quay phim chỉ để phục vụ cho một bài tập ở lớp là không nên”.

Một học sinh khác nói: “Mấy ngày không tìm được nhân vật, nhóm em chuyển hướng sang tìm bác sĩ khoa sản. Một số nhóm có người thân làm bác sĩ thì không sao, nhóm em không có ai nên quyết định vô BV Từ Dũ để hỏi. Bốn bạn nam, nữ mặc đồng phục học sinh vô bệnh viện, ai cũng nhìn ngó, chỉ trỏ, cuối cùng cũng không gặp được bác sĩ vì các cô chú bận quá!”.

Cô Phương Nam cho biết trong quá trình làm, nếu các em gặp khó khăn trong tìm nhân vật, phỏng vấn…, giáo viên sẽ giúp đỡ để các em không quá bị áp lực. Nếu vẫn không làm được các em có thể xin đổi đề tài cho phù hợp với khả năng hơn hoặc lên mạng tìm kiếm những clip hay tài liệu sẵn có để bổ sung cho bài làm.

HÀN GIANG - PHẠM ANH


Video đang được xem nhiều