Để trẻ không chán học sau Tết

GiadinhNet - Sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, trẻ thường uể oải, mệt mỏi bắt tay vào việc học. Theo một số chuyên gia tâm lý, cha mẹ nên áp dụng thời gian biểu hợp lý cho con.

15.5887

Theo một số chuyên gia tâm lý, cha mẹ không nên ép con học với cường độ cao sau Tết (Ảnh minh họa).

Phá nếp

Những ngày nghỉ Tết Nguyên đán đã kết thúc nhưng hễ nhắc đến việc đi học là bé Hương Giang (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) lại quắp lấy cổ mẹ chặt cứng. Lúc đầu, mẹ dụ bé bằng bóng bay, kẹo mút… nhưng không ăn thua. Cuối cùng, mẹ bé nghĩ ra một cách: Sáng sáng, bật đĩa nhạc có bài hát “Vui đến trường”. Hai mẹ con vừa sửa soạn cặp sách, vừa hát theo để kéo tinh thần vui tới lớp.

TS Tâm lý Nguyễn Kim Quý - nguyên giảng viên khoa Tâm lý Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cố vấn đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 (Cục Bảo vệ trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, bình thường trẻ em đã vào nếp nhưng do nghỉ quá dài nên nếp cũ bị phá, tất cả những nỗi lo thường ngày của trẻ được nhường chỗ cho thời gian vui chơi. Trẻ thức khuya, dậy muộn, chán học. Trẻ được chơi đùa cùng gia đình, cùng bạn bè, được xem phim, chơi game… không phải lo làm bài tập, không phải lo bị cô giáo quở trách, không bị mẹ bắt ép học bài vào mỗi buổi tối. Vì vậy, để lặp lại được tính kỉ luật trước đây rất khó.

Theo TS Lê Văn Hảo (Viện Tâm lý học Việt Nam), nghỉ Tết dài ngày, trẻ rất cần sự giám sát và tổ chức của gia đình. Nhiều bậc cha mẹ vì bận bịu hay nhiều lý do khác ít để ý đến điều này. Kết quả là trẻ được nghỉ theo cách hoàn toàn tự do. Kỳ nghỉ như vậy thường thiếu cấu trúc, giờ giấc ăn ngủ, sinh hoạt đảo lộn. Đặc biệt, trong bối cảnh giáo dục Việt Nam hiện nay, nhiều người cho là có phần quá tải. Vì thế cần phải cải thiện phương pháp giảng dạy thì cả học sinh và thầy cô giáo mới mong muốn có cơ hội được nghỉ những dịp như Tết và nhiều ngày lễ khác.

Tuy nhiên, ông Hảo cho rằng, dù sao kỳ nghỉ Tết cũng là cơ hội rất tốt để trẻ học thêm nhiều kỹ năng sống, cách thức ứng xử trong gia đình, bạn bè, hàng xóm... và có thêm các trải nghiệm quý báu trong cuộc sống.

Không nên bắt trẻ học cường độ cao

Cũng theo TS Lê Văn Hảo, chẳng cứ riêng dịp Tết, nói chung khi được nghỉ dài, trẻ thường phải mất một ít thời gian mới lấy lại "phong độ" và "phong cách" cũng như hiệu quả học tập trước đây. Điều này cũng có thể đúng với cả người lớn. Tuy nhiên, với một số trẻ, nếu nghỉ ngơi lành mạnh, trẻ lại nhớ trường, nhớ bạn và muốn đến trường. Như thế nghỉ dài chưa chắc đã làm trẻ chán học mà có khi là ngược lại.

Để lấy lại “phong độ”, dù có thể bận, cha mẹ hay ông bà có thể cùng với con hay cháu lập kế hoạch, thống nhất một số qui ước về việc ngày lễ, Tết nên/cần được sử dụng ra sao, theo cách nào cho vui vẻ, thoải mái, hữu ích và mang tính giáo dục. Trong đó có thể đan xen ít nhiều thời gian, cơ hội ôn luyện chút ít các kiến thức, đặc biệt là kiến thức, kinh nghiệm xã hội theo một cách thức mới mẻ, vui thú mà chỉ ngày Tết mới có.

Có thể để trẻ tự chọn môn học bé ưa thích và cho con làm những bài tập dễ, sau đó mới đến các lĩnh vực khác. Nếu thấy trẻ không hào hứng lắm khi học ở nhà, các bậc phụ huynh có thể bắt đầu với trẻ bằng một cuốn truyện tranh, mở những bản nhạc mà trẻ thích hay gợi lại những niềm vui của trẻ trong dịp Tết vừa qua để lấy lại hứng thú.

Nhiều người cho rằng, sau khi nghỉ Tết, nên cho trẻ học thật căng để các cháu quen với cường độ. Tuy nhiên, ông Hảo cho rằng, đấy không phải là một ý tưởng tốt, dễ làm cho trẻ chán học. Có thể đan xen việc nghỉ ngơi, vui chơi với việc học để chuẩn bị cho trẻ trước khi nhập học trở lại, lý tưởng nhất là học theo một cách thức nhẹ nhàng, vui vẻ, học mà chơi, chơi mà học.
 

Theo TS Tâm lý Nguyễn Kim Quý, không nên ép trẻ đột ngột trở lại việc học với cường độ cao sau kỳ nghỉ dài. Tốt nhất, nên cho trẻ vừa học vừa chơi, dần ổn định lại giờ giấc ăn ngủ của trẻ. Cha mẹ cần nhắc nhở nghiêm khắc để trẻ quay lại thời gian biểu học tập như trước, duy trì thời gian học lại bài cũ khoảng 2 tiếng/ngày. Khuyến khích trẻ không nên lười biếng, nếu không sẽ xúi quẩy cả năm nếu không học thuộc bài. Không nên chơi hoặc ngủ quá nhiều nếu không sẽ bị béo, xấu. Nên khuyên trẻ một cách nhẹ nhàng, không đánh, quát mắng thì trẻ sẽ không bị sốc tâm lý.

Lương Mỹ

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]