Đoán bệnh theo… vị trí mụn

PN - Mụn trứng cá là một hiện tượng sinh lý thường gặp ở tuổi thanh thiếu niên, có nguyên nhân từ nội tiết tố.

15.6046

Một số yếu tố có thể tạo thuận lợi cho sự phát sinh mụn trứng cá: yếu tố di truyền; các kích thích tố nam trong cơ thể (androgens); tẩy rửa da mặt làm cho da bị chà xát nhiều; da phải tiếp xúc nhiều với chất dầu hoặc mỡ; dùng những loại mỹ phẩm hoặc dùng các thuốc uống dễ gây mụn. Nếu bị căng thẳng tâm lý, hoặc u buồn lo âu, tình trạng mụn càng nặng hơn. Đôi khi ở phụ nữ, mụn trứng cá cũng liên quan với chu kỳ kinh nguyệt.

Nếu biết giữ gìn vệ sinh da mặt đúng cách, không tạo điều kiện cho những chỗ mụn bị nhiễm trùng, tinh thần thoải mái vui tươi, rèn luyện cơ thể, ăn uống hợp lý để tăng cường sức đề kháng, thì mụn sẽ dần biến mất.  Để phòng ngừa mụn trứng cá, có thể làm mặt nạ cho loại da nhiều nhờn bằng các loại trái cây như: khế ngọt chín, cam quít ngọt, yaourt ít chua, men bia, giá đậu, dâu tây, cà chua, dưa hấu

Tuy nhiên, trên da mặt thường có một loại vi trùng tên là Propionibacterium acnes (P.Acnes), xâm nhập vào các lỗ chân lông, biến dưỡng chất nhờn thành những chất acid đặc biệt, gây ra phản ứng viêm sưng, làm xuất hiện những mụn sưng tấy đỏ và những mụn mủ, mụn bọc. Nếu không chữa trị đúng cách và kịp thời, loại mụn này sẽ gây ra trên da mặt những chỗ lõm, vết sẹo.

Theo Đông y, mụn trứng cá được gọi là phấn thích, là một chứng bệnh ở ngoài da, nhưng có liên quan mật thiết tới tạng phủ. Bệnh tuy không nặng, ít ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm lý. Cách điều trị chủ yếu là thanh nhiệt tiêu độc, trừ thấp.

Đông y quan niệm rằng, vùng đầu mặt là nơi hội tụ của các kinh dương, nên khi các lỗ chân lông bị bế tắc, nhiệt khí không bài xuất được, lại nhiễm thêm khí thấp tạo thành viêm nhiễm sưng đau. Tùy theo những triệu chứng toàn thân đi kèm mà phân bệnh thành những thể khác nhau (thể phế kinh - hệ hô hấp bị phong nhiệt; thể trường vị - hệ tiêu hóa bị thấp nhiệt…) mà có những cách trị liệu khác nhau.

Tùy theo chỗ xuất hiện của mụn trên khuôn mặt mà người ta suy đoán được phần nào các bệnh lý của tạng phủ tương ứng.

- Vùng trán thuộc tâm và tiểu trường.

- Vùng cằm thuộc thận và bàng quang.

- Vùng má bên trái thuộc can và đởm.

- Vùng má bên phải thuộc phế và đại trường.

- Vùng mũi thuộc tỳ và vị.

Khi nhìn thấy mụn ở vùng trán, có thể suy đoán tạng tâm hoặc tiểu trường đang bị ảnh hưởng của khí nhiệt và khí thấp. Khi thấy mụn ở vùng cằm có thể nghĩ đến bệnh lý ở thận, hoặc vùng mũi có mụn sẽ cảnh báo có rối loạn ở hệ tiêu hóa…

Khi bị mụn trứng cá, bạn không nên sờ nặn các mụn ở mặt, lưng, ngực vì có thể làm mụn bị nhiễm trùng. Ngoài ra, trong việc ăn uống và sinh hoạt, cần chú ý đến một số điều sau:

- Cần khắc phục chứng táo bón hoặc mất ngủ kéo dài để hạn chế mụn nhọt các loại phát sinh.

- Nên ăn các loại thực phẩm: bí đao, bí đỏ, củ sen, cà rốt, rau bồ ngót, bông cải xanh, rau đắng, khổ qua, diếp cá, mồng tơi, rau nhút, đậu bắp, rau má, cải bó xôi, cà chua, đậu cô ve, bông atisô, rau khoai lang, đu đủ, chuối, nho, táo, thanh long, dưa hấu, cam quýt, dâu tây, sơ ri… Các loại thực phẩm này có nhiều vitamin, chất khoáng, chất xơ, giúp cơ thể giải độc thường xuyên, dễ ngủ và phòng ngừa táo bón.

- Uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, sống vui vẻ, lạc quan, không để tinh thần căng thẳng, tập luyện thể dục thể thao vừa sức.

- Khi bị mụn, không nên ăn các thức ăn ngọt, thức ăn cay nóng và các món ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, khó tiêu.

- Kịp thời đi khám bệnh để được thầy thuốc tư vấn và chữa trị đúng cách.

Lương y Đinh Công Bảy
(Tổng thư ký Hội Dược liệu TP.HCM)

Theo PhuNuOnline

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]