Độc đáo đi lễ hội sớm ở Đền Trần và Phủ Dầy

0
Đi lễ đầu năm cầu an lành, tài lộc, thành công và hạnh phúc là việc người người đều muốn làm nhưng để có những ngày đi lễ xuân thật vui  và ý nghĩa lại là việc không đơn giản. Và lời đáp nằm ở điểm đến là những đền, chùa, phủ nổi tiếng nhưng có nét độc đáo, hấp dẫn riêng.

Đền Trần và Phủ Dầy là những nơi mà mỗi khi nhắc đến nhiều người e ngại vì cảnh đông đúc, quá tải mỗi dịp chính hội. Thế nhưng nếu đến sớm, khách hành hương sẽ có được cảm giác du xuân thú vị và cuộc về với thành Nam trở nên linh diệu, đáng nhớ hơn!

Xin ấn sớm, vui trọn vẹn

Ai cũng biết cảnh chen lấn ở đền Trần vào ngày chính hội, thế nên không ít người chọn cách xin ấn sớm để có được niềm vui trọn vẹn. Trước ngày khai ấn mấy hôm, đền Trần đã khá đông người về xin dấu đóng từ Quốc ấn để lấy may.  Cái đông đủ đem đến cảm giác vui chứ chưa đến mức "thấy sợ" như đêm chính lễ.

Ủy ban nhân dân thành phố, tỉnh Nam Định và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nam Định đã họp trù bị kế hoạch tổ chức lễ khai ấn, phát ấn đền Trần vào đêm 14 tháng Giêng (16/2/2011). Theo Ông Đỗ Thanh Xuân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định: “Lễ khai ấn và phát ấn ở đền Trần là nét đẹp văn hóa cổ truyền, sản phẩm văn hóa tâm linh, không hề mang màu sắc mê tín dị đoan. Số lượng ấn phát ra năm nay có thể bằng năm 2010, khoảng 15 nghìn ấn.”

Cùng tham gia với những người trẩy hội sớm, phóng viên Vietnam+ đã khởi hành về thành Nam trong niềm hứng khởi. Tại đền Bảo Lộc thuộc cụm di tích đền Trần, chúng tôi đã rất thú vị được trải nghiệm cuộc xin ấn trước chính hội. Những người dân gần đền Bảo Lộc cho biết: "Trước và sau lễ khai ấn đêm 14 tháng Giêng hàng năm thì ấn được bảo quản, gìn giữ tại nội cung của đền Bảo Lộc. Chưa vào lễ khai ấn nên có thể ấn xin ấn tại đền Bảo Lộc."

Trong hàng trăm di tích thờ Quốc Công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn - vị thánh nhân trong lòng dân, đền Bảo Lộc là di tích đặc biệt có ý nghĩa vì mảnh đất này đã gắn với tuổi thơ của ông. Bởi vậy, dân gian có câu “Sinh Kiếp Bạc, thác Trần Thương, quê hương Bảo Lộc."

Việc xin ấn sớm tại đền cung đền Bảo Lộc diễn ra rất đặc biệt. Lần lượt từng tốp khoảng 4 người được chui vào cửa cung. Cánh cửa nhỏ mở sát thềm, người chui qua phải khom rất thấp. Sau đó,  người chui vào xếp hàng đợi đến lượt được xin ấn trực tiếp. Ở giữa  gian thờ là tượng Trần Hưng Đạo, ở bên trái là ban thờ thầy giáo dạy văn, bên phải là thầy giáo dạy võ.

Ai cũng muốn tự mình được cầm ấn đóng dấu đỏ lên vuông vải màu vàng nhưng khi đông quá thì người của nhà đền đóng cho mau lẹ, tránh ùn tắc. Nhân viên ở đây cho biết: "Nếu xin một ấn thì 50.000 đồng, nếu xin cả bộ bao gồm cả trấn trạch, cả cầu thăng quan tiến chức thì 100.000 đồng."

Sau khi xin đóng ấn xong, người cầu lễ phải chui qua gầm ban thờ tối như khoang hầm, chui lên gặp một "vườn"…chân người san sát. Nhưng ra gian ngoài, ai ai cũng cầm được mấy vuông vải nhỏ có hình Quốc ấn trong niềm hể hả và chưa hết bất ngờ về việc chui cúi, chen xếp, thỏa lòng cầu lễ thiêng liêng…

Ra ngoài, ngay tại bàn ghi công đức, chúng tôi hỏi nhân viên tại đây thì được biết nếu xin ấn đóng sẵn cả bộ là 50.000 đồng. Ấn này được đóng trước nên thu mức như vậy.Theo quan sát của chúng tôi, ai ai có mặt cũng muốn chui chen, cúi bò và cúng tiến cả 100.000 đồng hơn là được nhận ấn thật, sẵn, nhàn hạ với mức chi bằng một nửa.

Hứng thú xếp hàng xin lộc Mẫu ở Phủ Dầy

Hội Phủ Dầy được tổ chức hàng năm vào tháng Ba âm lịch. Lễ hội nhằm tổ chức nghi lễ dâng hương biết ơn Chúa Liễu Hạnh. Nhưng từ sau Tết người ta đã nô nức về với Mẫu. "Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ" - câu ca đã thấm sâu vào tâm thức dân gian. Cha là Trần Hưng Đạo, còn Mẹ chính là Chúa Liễu Hạnh. Với nhiều người đi lễ, trong cùng một chuyến “về nguồn” được xin ấn Cha và đón lộc từ Mẹ thì không còn gì hơn!

Cho đến trước Rằm tháng Giêng Tân Mão, ở Phủ Dầy rất trật tự. Khách thập phương nối nhau hàng trăm người lần lượt vào cung Mẫu. Có cửa vào, lối ra rõ ràng từng tốp người một. Ai cũng muốn trực tiếp vào khấn trước tượng Mẫu nghi thiên hạ để mong người được chở che, được ban cho tài lộc.

Một cành lộc nhỏ bằng giấy trang kim, một miếng giấy vuông đỏ khoảng 3cm được nhận từ cửa Mẫu mà ai cũng hí hửng. Tại đây xin một cành “nộp” 10.000 đồng, xin một bộ ba cành  cần "dâng" 50.000 đồng. Tại cửa Phủ, các cành lộc được bán với giá 10.000 một bộ, khách thập phương có thể mua bày lên ban thờ ở gian thờ ngoài “tự xin lộc” sẽ rẻ hơn nhiều mà lại không phải xếp hàng. Song ai cũng muốn "tự ép mình" chờ đến lượt để vào hậu cung xin Mẫu.

Cũng là xin lộc, cũng là cầu may, nhưng việc ngăn rào sắt chắn, tách cửa làm cho việc cầu lễ bớt hẳn chen lấn, không còn xô bồ. Nét độc đáo riêng là du khách được xếp hàng chờ ban lộc trong sự công bằng, thứ tự. Nếu ai lười, ngại xếp hàng thì dường như chưa thành tâm. Giống như quan niệm người hành hương phải trèo núi, lội suối mới thành tâm.

Nhà nghiên cứu văn hóa Lại Nguyên Ân đã từng khuyên: "Việc giãn và tránh những lúc lễ hội quá tải người là rất cần thiết. Người tham gia định đến những lễ hội lớn thì phải tính lại vì không có khuôn viên nào chứa được sự dồn tụ quá đông. Nhu cầu về tâm linh là nhu cầu cần trọn vẹn. Nếu quá đông thì không ai được mỹ mãn, thế nên mất mát trở thành mất mát chung."

Như vậy, đi lễ sớm, tránh tập trung vào ngày chính hội cũng là cách giữ gìn để lễ hội ngày càng thiêng liêng và tâm linh ngày càng trong sáng, trọn vẹn./.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]