Độc đáo làng nghề làm trống bí truyền 16 đời

GiadinhNet - Tại xứ Nghệ có một làng nghề bí truyền độc đáo chỉ duy nhất dòng họ Nguyễn sở hữu, tồn tại đến nay đã lưu truyền qua 16 đời.

15.6
Đó là nghề làm trống nổi tiếng tại làng Hoàng Hà (xã Diễn Hoàng, Diễn Châu, Nghệ An). Đã trải qua nhiều đời, con cháu dòng họ Nguyễn vẫn lưu truyềnphát triển nghề này như một "bảo vật" của dòng họ.
 
Ông Nguyễn Đình Thanh đang giới thiệu những nguyên liệu để
làm trống. Ảnh: X.L
 
Nghề bí truyền của dòng họ Nguyễn 

Theo gia phả của dòng họ Nguyễn Đình tại xã Diễn Hoàng, ông tổ của làng trống Hoàng Hà là Nguyễn Phúc Giang và Nguyễn Phúc Đạt, dòng dõi họ Nguyễn Đình, hậu duệ của Cương quốc Công Nguyễn Xí. Đến nay, nghề làm trống phát triển rất thịnh vượng. Nét độc đáo của làng nghề làm trống khác hẳn với các làng nghề khác ở chỗ, đây là nghề bí truyền của dòng họ, không truyền cho người ngoài và cả con gái. 

Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Đình Thanh (56 tuổi) lúc cả gia đình đang nhộn nhịp vào mùa làm trống. Hòa trong tiếng cưa máy, tiếng đục cọc cạch, ngoài sân dựng đầy trống với đủ loại kích cỡ, chủng loại. Ông Thanh kể, tính đến nay nghề làm trống đã trải qua 16 đời bảo tồn và phát triển. Khi ông Thanh lớn lên đã thấy trong nhà mình bày la liệt đủ các loại trống từ kích cỡ đến chủng loại. Tuy nhiên, nghề này cũng chỉ duy nhất ở dòng họ Nguyễn mà thôi. Con trai trong làng khoảng 12 - 13 tuổi được dạy làm các loại trống nhỏ. Đến 16 - 17 tuổi thì theo cha, anh đi làm trống lớn. Khi đủ tuổi lấy vợ lập gia đình thì tự tách ra làm một hộ.

Ở cái tuổi để tóc chỏm đào, ông Thanh đã được người cha của mình dạy cho cách làm trống. Đến năm 13 -14 tuổi, ông đã bắt đầu phụ giúp cho cha. Ông Thanh cho biết, để tồn tại và phát triển bền vững cho đến hôm nay thì phải có bí quyết riêng. Làm được một chiếc trống phải rất kỳ công, khéo léo và kiên trì. Việc làm trống trải qua nhiều bước, nhưng có 3 bước quan trọng nhất: Làm da, làm tang và bưng trống. Loại gỗ để làm trống thì duy nhất chỉ là gỗ mít. Đây là loại gỗ mềm, không bị cong vênh, nứt vỡ, không thay đổi trước thời tiết bất thường. Gỗ mít chỉ cần ghép mà không cần dán bất cứ một loại keo nào cả. Để có được gỗ này, ông Thanh phải lên đặt hàng ở tận các huyện vùng núi của Nghệ An như: Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp... Thân cây mít càng to, lâu năm thì chất lượng của trống mới đảm bảo. Đặc biệt, da làm trống phải là da bò còn tươi, không được ướp muối hay bất kỳ loại hóa chất nào. Như thế trống mới bền, tiếng trống mới đảm bảo âm vực chuẩn.

Ông Thanh tiết lộ, da bò được đem bào hết lớp màng bên trong, đem phơi khô 3 nắng rồi lại ngâm nước cho mềm ra. Sau đó lại phơi nắng cho đến lúc thật khô. Khi bào da cũng phải chú ý không để da quá dày hoặc quá mỏng, bởi da dày thì tiếng trống sẽ bị bì, còn da mỏng thì trống sẽ mau thủng. Lớp da ngoài được dùng làm da trống. Ông Thanh nói thêm, đó chỉ là bước đơn giản thôi, chứ để làm được một chiếc trống thì phức tạp và đòi hỏi sự khéo léo, độ tỉ mỉ và chính xác nữa.  Để làm loại trống có kích cỡ lớn vô cùng phức tạp, người không có kinh nghiệm thì không thể làm được. Giá loại trống này lên đến 5 - 10 triệu đồng, loại này thường được đặt ở đình, chùa.

Cụ Nguyễn Đường (78 tuổi), một trong những người được truyền nghề giỏi nổi tiếng của dòng họ Nguyễn  Đình cho biết, trước đây làm trống chủ yếu là làm thủ công, hoàn thành một chiếc trống (loại trung bình) một người làm cũng mất 5 - 6 ngày mới xong. Bây giờ có sự trợ giúp của máy móc hiện đại, chỉ mất 1 - 2 ngày là hoàn thành một chiếc trống. 

 Để có một chiếc trống hoàn thiện đòi hỏi người làm trống phải có đủ kinh nghiệm để chỉ dạy, đồng thời phải tự tìm tòi học hỏi qua một thời gian dài thì mới tự tay làm hoàn thiện một chiếc trống đúng chất lượng, đúng tiêu chuẩn. Việc bưng trống là giai đoạn cuối cùng và cũng là quan trọng nhất quyết định chất lượng của trống. Da bò được quây tròn căng hết cỡ trên mặt trống, rồi đóng cố định vào thân trống bằng đinh chốt. Đinh chốt được làm từ vầu hoặc tre già. Giờ có thêm đinh inox nên rất chắc chắn. Việc bưng trống, điều chỉnh được âm thanh như: âm vực cao, âm vực thấp... đó là một kỹ thuật mà chỉ có người làm trống lâu năm mới làm được. Còn việc điều chỉnh âm thanh của trống tùy thuộc vào khách hàng đặt là âm "chói cương" hay âm "rền" mà điều chỉnh cho phù hợp.
 

Anh Nguyễn Đình Cát bên những sản phẩm vừa hoàn thành.

Nghề làm trống làm "thay da, đổi thịt" cho nhiều hộ gia đình
 dòng họ Nguyễn.

Ông Hồ Sỹ Quyền - xóm trưởng xóm Hoàng Hà.

 Gỗ mít và da bò là nguyên liệu chính để làm nên chiếc trống
nhà Nguyễn.

Giàu nhờ làm trống

Nghề làm trống của họ Nguyễn đang từng ngày từng giờ phát triển mạnh. Trống họ Nguyễn không chỉ có mặt khắp cả nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài ở một số nước khu vực Đông Nam Á. Nghề làm trống đã đưa lại một nguồn lợi kinh tế cho nhiều con cháu dòng họ Nguyễn. Nhiều hộ gia đình đã "thay da, đổi thịt" nhờ nghề làm trống gia truyền.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà hai tầng khang trang, anh Nguyễn Đình Chiểu (40 tuổi) chia sẻ: "Trước đây nghề trống của dòng họ Nguyễn còn nghèo, do làm thủ công nên số lượng ít, tiền bán trống không đủ tiền công. Với lại thị trường tiêu thụ còn nhỏ hẹp, chủ yếu là ở các vùng lân cận mà thôi. Bây giờ đã khác, nhờ có máy móc hiện đại nên làm rất nhanh và làm ra mẻ hàng nào là hết luôn mẻ đó. Có khi làm không kịp cho khách hàng, làm cả đêm nhưng vẫn không  kịp. Tiêu thụ nhiều nhất là vào các dịp lễ hội, Trung thu... rồi các ki-ốt đặt hàng hàng loạt nên không khi nào hết việc. Nhờ vào nghề làm trống, nhiều hộ gia đình làm ruộng ít hơn hoặc là trả ruộng hết để chú tâm vào nghề này. Lợi nhuận kinh tế mang lại cao họ không ngần ngại bỏ việc khác để đầu tư công sức, thời gian cho nghề. Bởi thế mà họ Nguyễn tại làng Hoàng Hà có đến 26 hộ làm nghề trống, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, tránh được các tệ nạn xã hội, mang lại nguồn thu nhập cao".

Gia đình anh Nguyễn Đình Cát (38 tuổi) rất có kinh nhiệm trong nghề cho biết: "Khi còn học cấp 2, tôi đã biết làm trống. Đến 18 tuổi thì thành thạo, tự làm được trống mà không cần ai chỉ dạy nữa. Nghề này thu nhập cũng được nên cả gia đình không làm nghề phụ gì mà quanh năm chỉ chú trọng vào mỗi nghề này. Các anh xem, nếu cái nghề này không phát triển được thì làm gì có ngôi nhà khang trang thế này". 

Theo ông Hồ Sỹ Quyền - xóm trưởng xóm Hoàng Hà: "Nghề làm trống của dòng họ Nguyễn ở xã chúng tôi đã chính thức được công nhận làng nghề truyền thống vào tháng 7/2010. Đây là điều kiện tốt để cho nghề trống có cơ hội phát triển hơn nữa. Trước đây, có khoảng 30 hộ làm nghề này, một số hộ vì không có nhân lực nữa nên đã nghỉ. Hiện còn lại 26 hộ, nhưng làm ăn rất phát triển và mang ai thu nhập cao cho nhiều gia đình như gia đình anh Trung, anh Chiểu, ông Thanh, ông Đường... Thương hiệu của nghề trống ở Diễn Hoàng, Diễn Châu không chỉ cả nước biết đến mà còn vươn ra các nước trong khu vực. Tuy nhiên, đây là nghề gia truyền, không truyền cho người ngoài nên để phát triển và nhân rộng mô hình làng nghề làm trống là rất khó".    
 
Xuân Lê

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]