Độc tố từ thảo dược... vỉa hè

Nhiều người tin vào những lời giới thiệu công dụng thần kỳ của các loại thảo dược rồi mua, sử dụng mà không quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng cùng những nguy cơ tiềm ẩn.

0

Tràn lan cửa hàng “thảo dược” di động

Qua giới thiệu của một người bạn, chị Hương (Q.1, TP.HCM) mua 2kg nấm linh chi, được giới thiệu là nấm linh chi rừng thu hái từ Tây Nguyên với giá 600.000đ/kg. Bề ngoài của loại nấm này giống… gỗ. Nhiều tai nấm còn có các vệt loang lổ, được người bán giới thiệu đó là dấu vết của nấm khai thác từ thiên nhiên.

Theo một số đầu mối kinh doanh nấm linh chi, hiện nay phần lớn nấm linh chi trên thị trường là nấm Trung Quốc, bán với giá 150.000 - 200.000đ/kg. Trong khi nấm trồng trong nước giá mỗi kg khoảng một triệu đồng; linh chi Hàn Quốc giá ở mức 1,8 - 2 triệu đồng/kg, có gắn mã số, nhãn mác trên sản phẩm.

Thời gian gần đây, nhiều người còn tìm mua khổ qua (mướp đắng) rừng để chữa tiểu đường, tê thấp, giải nhiệt… Tại một số góc đường ở TP.HCM: Pasteur - Võ Thị Sáu, Lê Hồng Phong - 3/2… thường xuyên xuất hiện những điểm bán khổ qua rừng tươi với giá từ 70.000 - 90.000đ/kg. Hỏi về nguồn gốc của loại trái cây này, chúng tôi được người bán cho biết là từ Bình Phước.

Tại một số tuyến đường như Cộng Hòa, Trường Chinh… (Q.Tân Bình), nhiều loại thảo dược như rễ cây mật nhân, chuối hột rừng… được quảng cáo chữa nhiều thứ bệnh (đau lưng, khớp, gút, nhức mỏi…) xếp đống, mức giá cũng hết sức bình dân: 70.000 - 80.000đ/kg với rễ mật nhân và 120.000đ với chuối hột rừng.

Rễ mật nhân được bán như củi trên đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình, TP.HCM)

Nhiễm vi sinh lẫn thuốc trừ sâu

ThS Cổ Đức Trọng, nguyên cán bộ Trung tâm Nghiên cứu linh chi và nấm dược liệu (TP.HCM) cho biết, nấm linh chi rừng được khai thác hàng chục năm nay nên không dễ gì mặt hàng này lại có thể được bán tràn lan. Linh chi rừng được các đầu mối có đăng ký kinh doanh chào bán với giá 3-4 triệu đồng/kg.

ThS Cổ Đức Trọng cảnh báo, trong tự nhiên có rất nhiều loại nấm có hình dạng bề ngoài giống nhau nhưng tác dụng có thể đối ngược nhau hoàn toàn. Ngay cả nấm linh chi sinh trưởng trong rừng cũng có rất nhiều loại, không phải chủng loại nào đều có thể dùng được.

Ngay cả các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về nấm cũng phải mang mẫu vật về phòng thí nghiệm kiểm tra mới kết luận chính xác chủng loại. Nếu chỉ nhìn hình dáng, màu sắc thì rất dễ nhầm lẫn. “Linh chi sinh trưởng trong môi trường tự nhiên, độ ẩm cao nên có rất nhiều vi sinh vật, nấm mốc ký sinh gây độc tố", ông Trọng cho hay.

Anh Ngọc, ngụ tại đường Phạm Văn Chiêu (Q.Gò Vấp) - từng nhiều lần nhận chuyển khổ qua rừng từ Bù Đăng (Bình Phước) về TP.HCM cho biết, khổ qua rừng được bày bán ở TP.HCM có hai loại: loại thu hái tự nhiên và loại do người dân lấy giống về trồng, bón phân, phun thuốc. Vào mùa khô, loại trái này gần như không có trong tự nhiên, mối hàng khi cần còn khuyến khích các hộ trồng dùng thuốc kích thích cây sinh trưởng, trái lớn nhanh.

Khổ qua có thuốc chỉ có thể dễ nhận biết khi mới thu hái nhờ lớp vỏ mọng, bóng… nhưng khi về tới điểm giao loại trái cây này bị héo đi ít nhiều, vỏ trái săn lại giống hệt khổ qua rừng tự nhiên. Loại trái này không gọt vỏ khi sử dụng nên người dùng “lãnh đủ” dư lượng thuốc trong trái…”, anh Ngọc nói.

Anh Nguyễn Văn Chinh, người có kinh nghiệm thu hái khổ qua rừng tại huyện Lộc Ninh (Bình Phước) hướng dẫn đặc điểm nhận biết trái khổ qua rừng: trái khổ qua rừng mọc tự nhiên thường bằng ngón tay cái, trái lớn cũng chỉ bằng ngón chân cái, có nhiều gai nhọn xung quanh trái, trái nhỏ nhưng khi bổ ra thì phần hạt trong trái đã rất cứng…

Nhiều người bán đã dùng loại khổ qua trái “đèo” (nhỏ, co quắp giống khổ qua rừng) để lừa khách hàng, tuy vậy, loại này thường không có gai nhọn nhỏ như khổ qua rừng.

Lương y Đinh Công Bảy (Hội Dược liệu TP.HCM) cho rằng, khổ qua rừng, rễ cây mật nhân, chuối hột rừng… đều có thể dùng làm thuốc. Tuy nhiên, nếu không rõ về nguồn gốc thu hái hay trồng trọt thì không nên sử dụng, nhất là mua từ người không có chuyên môn.

Hầu hết các loại cây dùng làm dược liệu đều có những chủng loại khác nhau, tính năng khác nhau dễ gây nhầm lẫn và mất an toàn cho người sử dụng. “Dược liệu quý ở chỗ tính tự nhiên của nó, nếu dùng hóa chất, chất bảo quản thì tác dụng chưa thấy, chất độc đã gây hại cơ thể “, ông Bảy cảnh báo.

AloBacsi.vn
Theo Thư Hùng - Phụ Nữ TPHCM
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]