Đôi điều cần biết về chăm sóc sức khỏe trong mùa thu

Nội kinh là bộ sách kinh điển của Đông y nói rằng: “Thu đông dưỡng âm”; có nghĩa là yêu cầu mọi người chúng ta trong mùa thu đông cần phải thuận theo quy luật tự nhiên, vì mùa thu chủ về thu lại (bởi sau lập thu,

15.5841

Nội kinh là bộ sách kinh điển của Đông y nói rằng: “Thu đông dưỡng âm”; có nghĩa là yêu cầu mọi người chúng ta trong mùa thu đông cần phải thuận theo quy luật tự nhiên, vì mùa thu chủ về thu lại (bởi sau  lập thu, thời tiết mát mẻ dần, mọi người cảm thấy tinh thần sảng khoái nên ăn uống cũng bắt đầu tốt hơn. Mặt khác mùa thu âm tinh tích vào trong, dương khí cũng thu vào, bởi vậy là dịp thuận lợi để bồi bổ cơ thể). Còn mùa đông chủ về tàng trữ nên coi trọng việc tích trữ âm tinh. Như chúng ta đều hiểu, âm tinh tức là âm dịch trong cơ thể gọi chung là: các loại dịch thể dinh dưỡng trong cơ thể người, mà trong đó bào gồm cả tinh trong sinh sản, huyết và tân dịch...

Củ cải.

Y học phương Đông cho rằng: âm tinh là chất quan trọng để cấu thành cơ thể người đồng thời duy trì mọi hoạt động sống của cơ thể. Bởi vậy, khi chúng ta biết chú ý tích dưỡng âm tinh vào mùa thu đông thì sẽ ít bị nhiễm bệnh cảm cúm... Như vậy việc thu đông dưỡng âm là vấn đề cốt yếu cần làm đối với tất cả mọi người nhằm bảo vệ cơ thể luôn được khỏe mạnh.

Song Đông y cũng dựa vào quy luật: Đó là sự tác động thay đổi của mùa đã làm ảnh hưởng đến cơ thể. Từ đó nhận thấy mùa thu dễ gây tổn thương phế khí, nên có lời khuyên mùa thu phải dưỡng phế. Nghĩa là về mặt sinh hoạt cần ngủ sớm, dậy sớm, áo quần phải mặc hợp lý với nhiệt độ thời tiết từng ngày để cơ thể dần quen với sự thay đổi của khí hậu. Đối với ăn uống cũng cần ăn nhiều thức ăn ôn hòa bổ nhuận như phổi lợn, lê, đường phèn, bách hợp, ngó sen, gà non, vịt già, thịt nạc..., ít ăn các thức cay nóng. Những người biết khí công hay có điều kiện nên luyện tập một vài công pháp bổ dưỡng phế khí. Với người thể chất yếu có thể dùng thuốc bổ dưỡng Đông y.

Một số thực phẩm nên dùng trong mùa thu:

Như đã nói ở trên, ta thấy mùa thu khí hậu khô hanh đã làm cho con người dễ xuất hiện hiện tượng khô nẻ như: miệng, môi khô nẻ, chảy  máu cam... Để phòng chống  những hiện tượng trên, Đông y nhận thấy rằng vào mùa thu trong ăn uống cần chọn lựa những thực phẩm thích hợp có tác dụng phòng chống những hiện tượng ấy như: Về thức ăn cần chọn dùng hạt sen, mộc nhĩ trắng, vừng, rau chân vịt, ngó sen, hạt sen, khoai tây, rau hẹ, củ ấu, đậu phụ, mía, lê, chuối tiêu, mật ong, ba ba, gà xương đen, thịt vịt trắng, móng giò lợn, các loại cá, hến, sò, yến sào, sữa bò, quýt, cam và hoa quả tươi, rau tươi các loại... đều là những thực phẩm có tác dụng bổ âm, nhuận táo. Cũng có thể chọn thịt cừu, thịt dê để ăn, tuy chúng thuộc loại nhiệt ăn ít ở mùa hè nhưng sang thu có thể ăn được vì hợp với thời tiết của mùa thu... Tuy nhiên cũng cần ăn ít hoặc không ăn các thức ăn nóng để tránh làm tổn thương đến tân dịch, vì thế nên sử dụng các thức ăn nhuận và thanh đạm là chính.

Dưới đây xin giới thiệu các món ăn thuốc sử dụng trong bồi bổ thích hợp vào mùa thu:

Trà hạnh nhân, mạch môn đông: Dùng hạnh nhân, mạch môn đông, cam thảo mỗi thứ một ít hãm nước uống thay trà hằng ngày.

Dùng ngũ trấp ẩm: Gồm lê xanh 1 quả, mã thầy 10 củ, lô căn tươi một nhánh dài 33cm, mạch môn đông tươi 10g, ngó sen tươi 30g. Cả 5 thứ này ép lấy nước cốt uống thay trà trong ngày.

                              Hải sâm.

Canh đậu phụ cá trích: Canh này tác dụng thanh nhiệt, sinh tân, bổ âm, lại nhuận phế, dứt ho, bổ hư.

Cách làm: Đun nước đến sôi, thả cá trích tươi và đậu phụ vào (lượng đủ ăn 1 lần), để sôi tiếp cho ít rượu, mỡ lợn, muối, gừng, hành, gia vị. Ăn cái uống nước canh.

Vịt con hầm hồng lăng: Món này giàu dinh dưỡng, tác dụng dưỡng âm, bổ hư. Vịt con làm thịt, bỏ mỏ, ruột, chặt miếng hầm. Hồng lăng phục 100g cho vào chảo dầu rán qua, xong cho vào nồi hầm cùng thịt vịt, nêm gia vị vừa miệng, ăn cả cái lẫn nước. Tuần ăn 1-2 lần.

Món canh hến, bách hợp: Món này thích hợp cho những người âm hư, thấp nhiệt, hay bứt rứt khó ngủ, ho khan, chảy máu cam. Thành phần gồm: Thịt hến hay sò tươi 200g đem ướp rượu, giấm, sau cho cùng với 100g bách hợp vào nồi đã bỏ dầu sẵn, xào lửa to, rồi đổ nước, nêm gia vị, nấu thành canh ăn cái và nước. Có thể ăn thường xuyên hoặc tuần 1-2 lần.

Canh bí xanh, hải sâm: Món này giúp bồi bổ âm dương, làm cho cơ thể cường tráng, thích hợp dùng cho người già suy nhược, cần ăn thường xuyên. Hải sâm 50g, cắt mổ theo cách thông thường, thịt lợn nạc 100g, thái nhỏ, bí xanh già thái vuông. Tất cả cho vào nấu, nêm gia vị vừa miệng, ăn cái, uống nước. Tuần ăn vài lần.

Món móng giò, hạt sen: Món này bổ ích khí huyết, bổ âm dưỡng dịch, lại có hạt sen nên tác dụng kiện tỳ, bổ thận, dưỡng tâm, an thần. Thích hợp sử dụng bồi bổ cho những người hư lao, mỏi lưng, tiểu nhiều, mất ngủ...

Lấy 2 chiếc móng giò chặt khúc, cho vào hầm lửa nhỏ. Sau cho hạt sen 100g hầm cùng. Để nhừ cho gia vị, ăn cả cái lẫn nước. Tuần ăn 1-2 lần.

Thịt bò nấu củ cải: Món này có tác dụng bổ hư, thanh hỏa. Thịt bò 1.000g, rửa sạch, thái miếng, cà rốt, củ cải mỗi loại 200g, thái miếng. Cho thịt bò vào nồi hầm trước chừng 2-3 giờ. Sau cho cà rốt và củ cải vào hầm cùng thịt bò cho chín, nêm gia vị vừa miệng,  ăn cái uống nước. Có thể ăn thường xuyên.

Theo Suckhoedoisong

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]