Đưa nghiên cứu khoa học vào trường phổ thông

Dân trí Nghiên cứu khoa học (NCKH) chính là hoạt động sáng tạo nhưng lại chưa có vị trí trong các trường phổ thông, ngay cả ở các thầy, chứ chưa nói đến học trò.

0
Bởi lẽ, người ta cho rằng NCKH là loại lao động cao cấp, chỉ có thể có ở các trường đại học và các viện nghiên cứu.
 
Người ta cho rằng cái "khó" ở NCKH là phải tìm ra được cái "mới" trước đó chưa từng có ở đâu cả trên hành tinh này và cái "mới" đó phải tiến bộ hơn cái "cũ", nghĩa là nó phải thoả mãn được một nhu cầu nào đó mà cái "cũ" không thoả mãn được hoặc thoả mãn rất kém.

Nhưng dần dần, người ta thấy rằng hoạt động NCKH còn có tác dụng giáo dục nên những phẩm chất, năng lực theo hướng "năng động sáng tạo". Vì vậy, cần làm sao cho càng nhiều người càng tốt được hưởng sự giáo dục đó. Muốn vậy, cần hạ thấp yêu cầu "mới đối với nhân loại" xuống yêu cầu "mới đối với người nghiên cứu". Dù cho, nhân loại không được gì "mới" nhưng người nghiên cứu trưởng thành lên về phẩm chất và năng lực nhờ nghiên cứu, hy vọng sẽ có ngày anh ta tìm ra các "mới" cho nhân loại. Mặt khác, cũng  có cái "khó" tâm lý, thấy "khó" rồi ngại "tiếp cận", cứ định kiến "khó quá". Có lần, tôi hỏi các giáo viên là học viên cao học: "Có bao giờ các anh, các chị dạy cho học sinh rằng một tam giác đồng thời là một tứ giác hay không?". Tất cả lớp đều lắc đầu. Một người đứng lên hỏi: "Nhưng như vậy thì được ích gì?". Tôi giải thích: Một tam giác ABC đồng thời là một tứ giác ABCÁ, trong đó đỉnh Á trùng với đỉnh A, tức cạnh AÁ = 0.

Để cho rõ, ta cho Á dời khỏi A; điều gì còn "lờ mờ" trở nên sáng tỏ và ta có ngay trước mắt một bài toán trong tứ giác ABCÁ bình thường.

Từ 1970, ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội có chủ trương sử dụng học sinh phổ thông làm cộng tác viên ở những khâu thích hợp cho các đề tài nghiên cứu khoa học của trường. Chủ trương này được thực hiện tốt đẹp cho đến khoảng 1985 thì tiêu tan bởi một thứ cỏ dại, đó là tệ nạn "luyện thi, dạy thêm, học thêm tràn lan".

Qua 15 năm thực hiện chủ trương trên ta thấy:

- Học sinh tham gia làm cộng tác viên một cách tự nguyện, hứng thú và thực sự đã trở thành một lực lượng chuyển giao công nghệ từ trường đại học vào cuộc sống. Lao động NCKH sẽ rèn tư duy sáng tạo và tác phong công nghiệp cho học sinh: nghiêm túc, khách quan, chính xác.

- Trường Đại học rất có lợi ở chỗ được nối thêm..., thêm óc, thêm tay, chân nhờ NCKH của đông đảo học sinh.

- Các địa phương (huyện, xã) có thể hy vọng tìm thấy ở đây một lực lượng các nhà khoa học tương lai.

Vào năm 1983, khi có chủ trương bồi dưỡng giáo viên  để thay sách cải cách giáo dục. Chủ trương mới của Bộ hồi đó là: Giao cho trường trung học sư phạm mỗi tỉnh nghiên cứu làm chương trình, sách giáo khoa phù hợp với các đặc điểm tự nhiên và xã hội của địa phương. Nhiều ý kiến phản đối cho rằng trung học sư phạm thì nghiên cứu sao được, đại học sư phạm còn chưa ăn ai nữa là. Nhưng thực tiễn đã không ủng hộ những người phản đối. Chủ trương đã đánh đúng tâm lý "thích sáng tạo và chán nếp cũ đường mòn kéo dài" của con người, và cũng do chỉ đạo đã đề ra phương hướng nghiên cứu sát đúng và phù hợp với trình độ của các thầy trung học sư phạm. Tâm lý sáng tạo đã có ngay với các cháu ở vườn trẻ. Các đồ chơi dù có đẹp, có hay, các cháu chơi mãi cũng chán, các cháu sẽ tự tìm lấy cái mới bằng cách thêm những chi tiết  vào đồ chơi hay cách chơi đã có, thậm chí sáng tạo ra đồ chơi mới, cách chơi mới. Ngày nay, người ta cho trẻ mẫu giáo vẽ những bức tranh không theo mẫu, mà chỉ theo vài nét mở đầu của cô rồi để trẻ tự hoàn thành bức tranh theo trí tưởng tượng của mình; ví dụ, cô vẽ một vòng và yêu cầu từng cháu vẽ tiếp để hoàn thành một bức tranh theo hứng thú của các cháu: Có cháu xem vòng tròn là ông mặt trời thì vẽ thêm các tia sáng, có cháu lại cho vòng tròn là quả bóng thì vẽ thêm các khung thành v.v...

Hiểu như trên thì sáng tạo có rất nhiều thang bậc thích hợp với rất nhiều trình độ khác nhau, từ trình độ các cháu vườn trẻ đến trình độ các  nhà bác học lớn. Người tham gia sáng tạo cũng ở những trình độ khác nhau. Ngày nay, với sáng tạo học, học sinh phổ thông có thể làm những việc như phát minh ra một định lý, một định luật mới (đối với bản thân). Nói rộng và xa là như vậy, nhưng rồi cũng phải từ từ đi từng bước.
 
Chẳng hạn, bước đầu tiên là hãy đưa nghiên cứu khoa học vào cho học sinh trung học phổ thông. Kinh nghiệm của Đại học Sư phạm Hà Nội là điều đó. Không khó nếu có liên kết đại học- phổ thông: Chọn các đề tài của đại học có thể và cần triển khai thực nghiệm ở địa phương trường phổ thông đó. Chỉ cần nhà trường phổ thông đồng ý để cho một bộ phận học sinh nào đó được dùng các giờ ngoại khoá và lao động sản xuất để tham gia theo hướng dẫn của trường đại học. Để có thể bắt đầu sớm và nhanh phải có liên kết "dạy nghề phổ thông". Hiện nay, một số trường đại học đã chuyển mình tìm cách liên kết với các doanh nghiệp  nhưng chưa có trường nào nghĩ đến việc liên kết với giáo dục phổ thông để đào tạo.
 
GS.VS Nguyễn Cảnh Toàn
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]