Giá thuốc đội lên vài lần khi đến tay người bệnh

Một số loại thuốc trên thị trường khi đến tay người tiêu dùng đã tăng giá gấp đôi, gấp ba lần so với giá nhập khẩu. Với các mặt hàng độc quyền, chênh lệch mua vào, bán ra có khi lên đến gần 280%.

15.5944

Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng.

Trong một tháng qua, các đoàn thanh tra giá thuốc đã làm việc với 54 cơ sở dược, gồm các công ty nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh dược phẩm trung gian, nhà thuốc công ty, khoa dược, nhà thuốc bệnh viện, nhà thuốc tư nhân. Bộ Y tế đã phát hiện 6 cơ sở có vi phạm như giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hết hạn, kinh doanh thuốc không được phép lưu hành, bán thuốc cao hơn giá niêm yết, niêm yết giá không đầy đủ…

Phần lớn các nhà thuốc chưa lưu hóa đơn mua hàng theo quy định; có dấu hiệu mua bán lòng vòng khiến giá bán cao hơn giá đã kê khai trong hồ sơ xin cấp đăng ký lưu hành. Điển hình là thuốc Difosfen 30 viên/hộp do công ty cổ phần Thiết bị y tế Hà Nội nhập khẩu. Mặt hàng này được mua bán qua 5 cơ sở, nâng giá bán lên gấp 3 so với kê khai.

Tuy nhiên, giá kê khai thường cao hơn nhiều so với giá nhập khẩu, có loại cao gấp đôi. So sánh giá nhập một số mặt hàng với giá bán tại nhà thuốc bệnh viện, nhà thuốc công ty, sự chênh lệch có khi lên đến 300%. Đối với các mặt hàng do công ty độc quyền phân phối thuốc thì tỷ lệ chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra thường là 20-60%, có loại tới 279%.

Đoàn thanh tra nhận định, giá thuốc 4 tháng đầu năm nay có tăng nhẹ ở cả khâu nhập khẩu, sản xuất và bán buôn, bán lẻ, cung ứng vào bệnh viện. Trong hơn 1.400 loại thuốc được kiểm tra có 55 loại tăng giá nhập khẩu với mức tăng trung bình 9,5%. Tỷ lệ mặt hàng có tăng giá ở thuốc nội là 2,9%, thuốc ngoại là 5,2%. Nguyên nhân là tỷ giá hối đoái EU tăng, chi phí sản xuất (gas, điện, khí ôxy...) và nguyên liệu tăng. Tuy nhiên, việc tăng giá của một số nhà cung cấp nước ngoài chưa phù hợp, các doanh nghiệp này đã phải điều chỉnh lại giá bán khi bị Bộ Y tế “sờ gáy”.

Từ thực tế đó, Thanh tra Bộ Y tế kiến nghị một số giải pháp quản lý giá thuốc như quy định cụ thể các yếu tố cấu thành giá khi các doanh nghiệp kê khai, xây dựng khung giá bán buôn, giá bán lẻ để tránh hiện tượng buôn bán lòng vòng đẩy giá thuốc lên cao...

Theo ông Trần Quang Trung, Chánh thanh tra Bộ Y tế, trong thời gian tới các sở y tế sẽ vẫn tiếp tục kiểm tra về giá thuốc. Kết quả thu được sẽ là căn cứ quan trọng để cơ quan chức năng quyết định sẽ quản lý giá thuốc theo phương thức thặng số hay giá trần.

(Theo Sài Gòn Giải Phóng)

 

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]