Hành xử của mẹ, nhân cách của con

Cách hành xử của cha mẹ là bài học thực tế và ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của trẻ khi trưởng thành.

15.6032
 
Có một câu chuyện như sau: Buổi sáng, tại một quán cà phê có bán thức ăn sáng. Một người mẹ đi cùng một cậu con trai khoảng 15 tuổi vào quán. Hai mẹ con kêu một tô phở và một chai nước ngọt. Có vẻ như cậu con trai đã ăn rồi nên thấy cậu uống nước ngọt. Chỉ mình người mẹ ăn tô phở. Hai mẹ con vừa ăn uống vừa nói chuyện. Câu chuyện xoay quanh ngày thi gần kề của cậu con. Người mẹ nhắc nhở con những nguyên tắc khi làm bài thi, kiểu như câu dễ làm trước, câu khó làm sau. Lỡ viết sai, lấy thước gạch ngang, không nên bôi xóa làm bẩn bài thi, cố gắng viết chữ nắn nót một chút, láu quá người chấm bài sẽ mất cảm tình…. Không hiểu cậu con trai có thấm lời mẹ dặn dò hay không, nhưng trông cách cậu gật gù, thấy hai mẹ con có vẻ thân thiết.
 
Ăn xong, người mẹ gọi tính tiền. Tổng số tiền là 36 ngàn đồng. Người mẹ đưa cho chủ quán tờ giấy bạc 100 ngàn đồng và chờ thối lại. Chợt nhớ mình còn mấy ngàn lẻ, người mẹ móc túi lấy thêm 6 ngàn ra đặt trên bàn, nói với chủ quán khỏi tìm tiền lẻ để thối. Chủ quán tay cầm một xấp tiền nhưng tìm tiền thối có vẻ hơi lâu, cuối cùng cũng đưa cho người mẹ 70 ngàn đồng và nói rằng người mẹ chưa đưa 100 ngàn đồng. Người mẹ hơi sững chút xíu nhưng rồi chị trấn tĩnh được nhanh. Chị nói đã đưa chủ quán tờ 100 ngàn đồng rồi. Người chủ quán khăng khăng là chị chưa đưa tiền. Cuối cùng, người mẹ (có vẻ hơi) bực dọc đứng lên lấy trong túi ra 100 ngàn đồng nữa đưa cho chủ quán và nói: “Anh kiểm tiền lại đi, chắc chắn sẽ dư 100 ngàn. Tôi đem theo bao nhiêu tiền tôi nhớ chính xác. Cá có con, tiền có đồng. Không nhầm lẫn được”. Nói xong, hai mẹ con chị đứng lên  bước nhanh ra khỏi quán!

Có ba người ngồi bàn bên cạnh theo dõi diễn biến câu chuyện, chủ đề bây giờ xoay quanh cái cách của người mẹ. Một người cho rằng, đáng lý người mẹ không nên đưa tờ 100 ngàn đồng nếu đúng là chị đã đưa cho chủ quán rồi. Tuy nhiên, một người bảo, cách xử sự của người mẹ là đúng vì chủ quán khăng khăng là chưa đưa tiền, nếu chị không đưa, người chủ quán không thấy thỏa đáng. Điều quan trọng hơn nữa là đó là cách hành xử của một người mẹ. Tất nhiên không một người phụ nữ nào lại đi gian dối người khác trước mặt con mình, nhất là một đứa trẻ đang lớn. Người mẹ chấp nhận thua thiệt để dạy cho con bài học về việc biết chấp nhận. Cãi nhau hơn thua 100 ngàn đồng trong tình huống này là không nên, không đáng xảy ra trước mặt con cái. Và điều cuối cùng, chính người chủ quán đã sai, anh ta đã vi phạm nghiêm trọng quy tắc vàng trong kinh doanh: “Điều 1: Khách hàng luôn luôn đúng. Điều 2:Nếu khách hàng sai hãy xem lại Điều 1”. Chắc chắn anh ta sẽ mất đi một người khách và sẽ còn kéo theo nhiều người khách nữa qua câu chuyện kể của người mẹ kia với bạn bè.

Mới thấy, cái cách của người mẹ (người phụ nữ) rất quan trọng. Cách ở đây là việc hành xử hay thể hiện. Người mẹ ở câu chuyện trên chấp nhận mất đi 100 ngàn đồng nhưng cái chị được lớn hơn nhiều. Đứa con thấy rõ ràng mẹ nó đã đưa tiền, thế nhưng, không thể tranh cãi lớn tiếng chỉ vì một số tiền không đáng tranh chấp hơn thua. Ở đây cần nói lên một bài học về lòng tham của con người. Trong tình huống này, người mẹ cũng lo sợ rằng con mình học được bài học hồ đồ của người chủ quán; tuy nhiên, chị sẽ biết cách phân tích thiệt hơn cho con thấy rằng đó là một điều đáng chê trách.

Từ đây, mở rộng vấn đề, nhiều người mẹ có những cách ủng hộ con cái mình rất sai trái. Tỉ như, vào siêu thị chẳng hạn, con cái hay người mẹ (cố tình) “chôm” một món đồ nào đó mà thoát được vòng kiểm soát của camera, về nhà họ lại khoe ầm ĩ như một chiến tích! Thậm chí, người bán hàng có thối tiền nhầm, người mẹ được một món tiền hời lại đem khoe với con cái… Suy rộng ra, có rất nhiều người làm gương cho con từ những hành động không tốt. Người ta nhớ lại chuyện ăn cắp hoa tại một Lễ hội, chắc chắn những người mẹ, ông bố hay đứa con khi ôm được chậu hoa về nhà sẽ lấy làm hỉ hả vì mình đã làm được việc … ăn cắp!
 
Cái cách của một người mẹ còn thể hiện ở chỗ từ những hành động rất nhỏ trong cuộc sống như chê người này, người khác trước mặt con cái; nói xấu thầy cô giáo của con, nói xấu bạn bè của cha mẹ cho con cái nghe… Thậm chí, một việc tế nhị nhất như là bỏ phong bì cho thầy cô giáo chẳng hạn, nếu người mẹ ý tứ, kín đáo hơn thì con cái sẽ không có cái nhìn ít thiện cảm về thầy cô giáo của chúng. Lại có những gia đình mà bà mẹ có quyền thế hay người chồng có chức vụ cao được nhiều người nhờ vả. Cái cách của người mẹ đôi khi coi thường người khác, mang đồng tiền người ta biếu xén ra khoe với con cái hay chê người này biếu ít, người kia không có gì… Những điều đó, hình thành nên một lớp trẻ coi thường người khác, không muốn bỏ sức ra làm việc mà chỉ sống dựa dẫm, khinh người nghèo, người cô thế…
 
Mới thấy, cái cách của người mẹ là quan trọng. Hành xử thế nào để làm gương cho con cái là bài học thực tế hình thành nhân cách và giúp trẻ có kỹ năng sống tốt. Nếu mẹ tế nhị, có cách cư xử khéo léo thì chắc chắn con cái sẽ biết thế nào tốt, xấu, cái nào cần phải tránh xa...
 
Theo PNO
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]