Hậu vận nặng nề của một “thiên tài lười”

SKĐS - Nhà văn cổ điển Pháp Guy de Maupassant (1850-1893) được coi là một trong những tác giả lãng mạn nhất trong lịch sử văn học thế giới.

15.5995

Nhà văn cổ điển Pháp Guy de Maupassant (1850-1893) được coi là một trong những tác giả lãng mạn nhất trong lịch sử văn học thế giới. Ông bạn điển trai, Một kiếp người, Pierre et Jean, Chuỗi hạt và nhiều cuốn sách khác của ông hiện nay vẫn tiếp tục được xuất bản trên thế giới với số lượng rất lớn.

Những thử thách đầu tiên

Guy de Maupassant sinh ngày 5/8/1850 tại ngoại ô thành phố Diepp, Pháp. Bố ông xuất thân từ dòng dõi quý tộc sa sút, mẹ sinh ra trong một gia đình tư sản. Năm 11 tuổi, bố mẹ ly hôn, Guy cùng với em trai Herve sống với mẹ.

Còn một thử thách nữa đối với Maupassant là thông tin về việc ông bị bệnh giang mai. Mặc dù Maupassant khẳng định rằng hồi nhỏ ông đã hoàn toàn thoát khỏi căn bệnh di truyền từ bố mẹ, nhưng về sau nó đã tái phát. Y học thời bấy giờ vẫn còn bó tay trước căn bệnh nan y này. Ngoài Maupassant, nhiều nghệ sĩ vĩ đại cũng bị giang mai: Gauguin, Nerval, Baudelaire, Van Gogh, Nietzsche, Manet.

Bài thơ đổi đời

Năm 13 tuổi, Maupassant vào học tại chủng viện, nhưng vì quá hiếu động, ông không chịu được kỷ luật khắt khe. Nhiều lần, ông bỏ về nhà, thường xuyên nổi loạn và nghịch ngợm. Cuối cùng, Maupassant đạt được nguyện vọng của mình: Ông bị đuổi khỏi chủng viện. Sau này, trong một bài thơ, ông ví chủng viện là “nấm mồ chung thân”.

Sau đó, Maupassant vào học Trường trung học Rouen, ở đây ông được tự do hơn và không ai cấm làm thơ. Hơn nữa, trong số các thầy giáo của Maupassant có nhà thơ, nhà viết kịch Louis Bouilhet, người đầu tiên phát hiện tài năng văn học của ông.

Nhà văn Guy de Maupassant.

Từ “nấm mồ” sang “nhà tù”

Năm 19 tuổi, Maupassant tốt nghiệp Trường trung học Rouen và vào học Khoa Luật. Nhưng cuộc chiến tranh Pháp - Phổ đã phá vỡ kế hoạch của nhà văn tương lai, ông bị gọi nhập ngũ. Sau chiến tranh, Maupassant cũng không tiếp tục học đại học. Cuộc khủng hoảng kinh tế khiến hoàn cảnh gia đình ông ngày càng trở nên khó khăn. Maupassant buộc phải đi làm ở Bộ Hải quân mà sau này ông gọi là “nhà tù”. Lương tháng của ông thấp đến mức ông phải xin thêm tài trợ của bố mới đủ sống qua ngày.

Ở Bộ này, ông bị mọi người miệt thị. Không một đồng nghiệp nào chia sẻ những say mê văn chương và thông cảm với khao khát trở thành nhà văn của ông. Mãi đến năm 30 tuổi, Maupassant mới thoát khỏi cái “nhà tù” bất hạnh này. Sau khi công bố truyện ngắn và vở kịch đầu tay, ông được mời làm phóng viên tờ báo Pháp Gaulois.

Thiên tài lười

Trong thời gian làm việc ở Bộ Hải quân, Maupassant được Gustav Flober (bạn của mẹ Maupassant) dạy viết văn. Nhà văn bắt chàng trai trẻ tài năng sáng tác hàng ngày, từ 5 giờ chiều đến 10 giờ sáng. “Đối với người nghệ sĩ chỉ tồn tại một nguyên tắc - hy sinh tất cả vì nghệ thuật” - Gustav Flober căn dặn. Những lời khuyên của nhà văn Pháp nổi tiếng không phải vô ích, trong những năm này, Maupassant sáng tác văn học hết sức tích cực. Ông làm thơ, viết truyện vừa, truyện ngắn, kịch. Tuy nhiên, đôi khi thầy giáo khắt khe cũng buộc phải viết thư phàn nàn với mẹ Maupassant: “Tôi cảm thấy chàng trai của chúng ta hơi chểnh mảng và không chăm chỉ làm việc lắm. Tôi muốn cậu viết một tác phẩm dài hơi, thậm chí chẳng để làm gì...”.

Tuy nhiên, đến thời gian này, Maupassant đã thu được thành công lớn về văn học không chỉ ở Pháp mà cả ở nước ngoài. Truyện ngắn đầu tay của Maupassant được xuất bản năm 1880 cùng với các truyện vừa của Emile Zola, Huysmans... trong tuyển tập Những buổi chiều của Médan. Cũng trong năm này, Maupassant xuất bản tập thơ Những bài thơ.

Sau 11 năm hoạt động văn học, Maupassant đã xuất bản hàng loạt tuyển tập truyện ngắn và các cuốn tiểu thuyết lớn như: Một kiếp người (1883), Ông bạn điển trai, Pierre et Jean (1888), Mạnh như cái chết (1889) và Trái tim của chúng ta (1890)... Các tác phẩm này đã cho phép Maupassant chiếm một trong những vị trí hàng đầu trong nền văn chương Pháp thời bấy giờ. Các nhà phê bình văn học Pháp không tiếc lời ca ngợi ông, gọi ông là nhà văn cổ điển.

Mặc dù khởi đầu hoạt động văn học của mình, Maupassant được mệnh danh là người kế tục của Emile Zola, nhưng ông hoàn toàn không ủng hộ trường phái “tự nhiên” của nhà văn này, vì coi nó hạn hẹp và đơn điệu. Trong lời tựa cho tiểu thuyết Pierre et Jean, Maupasaant phê phán chủ nghĩa hiện thực mang tính chất giáo điều và lấy việc tái hiện những quan điểm chủ quan của tác giả về các hiện tượng của đời sống hiện thực làm nguyên lý thẩm mỹ chính của mình.

Nhờ những bài học của người thầy tuyệt vời, Maupassant nhanh chóng trở thành một trong những nhà văn Pháp được dịch nhiều nhất. Thu nhập của ông đã lên tới 60.000 quan mỗi năm. Với số tiền đó, Maupassant đã chu cấp cho mẹ, gia đình người em trai bệnh tật, mua nhà và sắm thuyền buồm.

Tác phẩm Pierre et Jean của Guy de Maupassant.

Hậu vận nặng nề

Năm 1889, Maupassant bị sốc khi nghe tin người em trai Herve qua đời. Nhà văn nổi tiếng đã linh cảm được một kết cục như vậy. Căn bệnh giang mai cũng ngày càng tiến triển. Vốn là người có bút lực sung mãn, nhà văn rất phiền muộn vì đánh mất khả năng làm việc trước đây.

Trong những năm 1890, các báo Pháp bàn tán rất nhiều về tình trạng sức khỏe của Maupassant. Báo chí lá cải không thương xót nhà văn, đã viết: “Sức khỏe của ông Maupassant trở nên tồi tệ; bệnh viện tâm thần đang chờ đợi ông”. Ít lâu sau, ông bị mất trí và thậm chí có ý định tự tử. Nhà viết tiểu sử Maupasant đầu tiên Albert Lumbroso vẫn lưu giữ câu chuyện đầy xúc động về hy vọng của bạn bè phục hồi trí nhớ cho nhà văn: “Họ nghĩ rằng  hình ảnh chiếc thuyền buồm yêu thích có thể đánh thức trong ông ký ức đang lụi tàn, kích hoạt ý thức của ông từng một thời hết sức sáng suốt, nay đang biến mất. Họ dẫn nhà văn tội nghiệp bị bó chặt hai cánh tay trong áo sơ mi tới bờ biển. “Ông bạn điển trai” từ từ trôi trên biển... Bầu trời xanh, không khí trong lành, hình dáng đẹp đẽ của chiếc thuyền buồm, tất cả khung cảnh đó, hình như, có làm cho ông tĩnh tâm hơn... Ánh mắt ông trở nên dịu dàng.Ông nhìn chiếc thuyền của mình một cách sầu muộn. Môi ông khẽ mấp máy, nhưng không thốt lên một lời nào. Rồi họ đưa ông về. Nhà văn nhiều lần ngoái lại nhìn “Ông bạn điển trai” của mình. Tất cả mọi người lúc bấy giờ ở bên ông không ai cầm được nước mắt”.

Nhưng không gì có thể cứu được nhà văn. Năm 1892, Maupassant vào nhà thương điên và một năm sau ông qua đời.

(Theo AIF)

Trần Hậu

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]