Hề "nhựa" Thanh Hoài đem "thuốc bổ" đến cho khán giả

Từng nổi tiếng trên sân khấu hài Sài Gòn trước 1975, gần đây, Thanh Hoài trở lại sân khấu với vai cụ cố Hồng trong vở "Số đỏ". Ông tự sự: “Nhà tôi anh em ai cũng ăn học đàng hoàng, còn tôi khi không lại vướng vào nghiệp này. Mẹ tôi cười bảo: Tao sinh ra mày có nghĩ mày đi làm hề đâu...”

15.579

Diễn viên hài Thanh Hoài.

- Biệt danh hề "nhựa" gắn với cuộc đời ông từ khi nào?

- Hồi đó, ai cũng có ngón riêng. Khả Năng là hề mập, Thanh Việt là hề râu, chỉ mới máy máy cái râu, chưa diễn thiên hạ đã cười. Bạn tôi là anh Nguyễn Đức khuyên tôi nên có độc chiêu. Chưa nghĩ ra thì hôm ấy có người chọc giận, tôi la hét mà cái giọng Bắc cứ nhừa nhựa. Anh Đức gật đấu cái cụp: “Chọn cái này”.

- Bằng chất nhựa Bắc này mà ông diễn hài, đóng phim, lồng tiếng và còn dám ca cải lương nữa?

- Phim nổi tiếng của tôi là Năm vua hề về làng. Phim có 5 cốt truyện cho 5 vua hài, mỗi người một đạo diễn. Chuyện của tôi là Anh hùng sợ nước của đạo diễn Lê Mộng Hoàng, đóng chung với ông Năm Châu, Lý Lệ Hoa và Lý Huỳnh. Khi phim chiếu thì tôi dẫn đầu danh sách khán giả bình chọn vua hề hay nhất.

Còn cải lương, tôi đâu có ca được. Lúc đầu phải nhờ anh Tùng Lâm ca giúp, rồi dần dần tập ca những đoạn ngắn. Hồi còn ở gánh của anh bầu Xuân với Văn Chung, Thanh Việt, buồn cười lắm. Mỗi lần tôi chuẩn bị ca là Thanh Nga, Út Bạch Lan ở hai bên cánh gà bắt nhịp giùm, còn nhạc công thì đệm guitar "từng từng" cho tôi vào. Vậy mà cũng ăn khách.

- Hồi đó, nhắc đến làng hài là người ta nhớ đến Khả Năng - Phi Thoản, Tùng Lâm - Xuân Phát, Thanh Hoài - Thanh Việt... Ông có thể cho biết vì sao ra đời những cặp diễn như vậy?

- Ngày xưa diễn hài đâu có kịch bản gì. Bình thường là bạn của nhau, gặp nhau tếu táo giỡn chơi rồi thành kịch bản, đến trước khi diễn thì dặn anh nói thế này, tôi thế kia mà kẻ tung người hứng. Người diễn hài cũng chẳng qua trường lớp gì, chỉ nhờ vào khả năng thiên phú và sáng tạo, diễn một thời gian rồi thành danh...

- Có một giai đoạn ông không diễn nữa mà đi làm công chức. Lúc ấy, phải chăng sân khấu không còn sức hút với ông?

- Sau giải phóng, thấy mấy người trẻ múa may khiếp quá, nên tôi nghĩ mình không hợp nữa, định ở ẩn. Nói vậy chứ hồi ở Vũng Tàu, mỗi lần có đoàn về diễn, ngồi dưới làm khán giả mà tôi cứ sôi máu, muốn nhảy lên. Nhớ sân khấu lắm.

- Vậy, tổng kết một đời hơn nữa thế kỷ làm nghề, cuối cùng ông đã đúc kết chất hài trên sân khấu là gì?

- Cái cười đúng như dân gian nói là mười thang thuốc bổ, hề có nhiệm vụ phải mang lại cho khán giả thuốc bổ chứ không phải thuốc độc.

(Theo Thanh Niên)

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]