Hiểm họa khôn lường từ việc học sinh bị tẩy chay ở lớp

GiadinhNet - Có muôn vàn lý do khiến mỗi ngày đi học, nhiều học sinh bị các bạn trong lớp bắt nạt, tẩy chay... Chuyện tưởng như rất nhỏ, song lại khiến nhiều học sinh rơi vào trạng thái trầm cảm, học hành sa sút, thậm chí có những hành động bồng bột, nghĩ tới chuyện quyên sinh.

15.6004

 

Ảnh cắt từ clíp một nữ sinh trường THCS Uy Nỗ (Đông Anh, Hà Nội) bị các bạn đánh. Ảnh: T.L

 

Bị tẩy chay vì lý do lãng xẹt

Trong suốt quãng thời gian cắp sách đến trường, hầu như không có một học sinh nào lại không một lần bị bạn tẩy chay, hay tham gia tẩy chay bạn. Có muôn vàn lý do để các em dẫn tới tẩy chay bạn hay bị bạn tẩy chay, từ những lý do nhỏ nhặt: Người mập quá, không tham gia vui chơi cùng các bạn; khi uống nước, xem phim, đá bóng, mua sắm, bạn mượn tiền mà không cho; hay bị cho là liếc nhìn bạn, mặc áo giống kiểu... Có cả lý do đầy ghen tị: học giỏi, được thầy cô ưu ái.

Thậm chí, ở thành phố nhiều học sinh còn chia nhóm con nhà giàu sẵn sàng tẩy chay, cô lập các bạn nhà nghèo, dân tỉnh lẻ... Các hình thức tẩy chay thường là: Nói xấu, đánh nhau, chửi bới, chọc phá, không nói chuyện, không chơi chung. Nhưng mức độ không dừng lại đó, các em còn đi xa hơn: Giấu tập vở của bạn để thầy cô cho điểm kém vì không có tập ghi bài, học bài; vứt cặp sách của bạn vào thùng rác công cộng...

Không chỉ dừng lại ở việc tẩy chay, nhiều học sinh đã trở thành nạn nhân của những màn đánh “hội đồng” không thương tiếc. Điển hình là mới đây, ngày 22/5 đoạn video clip nhóm nữ sinh Trường THCS Uy Nỗ (Đông Anh, Hà Nội) khiến người xem không khỏi bàng hoàng trước việc một . Trong clip, các nữ sinh không chỉ đánh bạn cật lực mà còn buông lời đe dọa, quay clip tung lên mạng. Nguyên nhân của sự việc cũng chỉ bắt nguồn từ việc nữ sinh bị đánh có bố mẹ bị bệnh thần kinh, nhưng vẫn học giỏi, được cô giáo ưu ái nên bị một số bạn trong lớp ghen ghét, tẩy chay và xúm vào đánh.

Hay trước đó, vào đầu tháng 3, chỉ vì bị coi là “chảnh” nên một nữ sinh lớp 7 Trường THCS Lý Tự Trọng (tỉnh Trà Vinh) đã bị nhóm 9 học sinh trong lớp lao vào đấm, đá, giựt tóc, ném cả chồng ghế vào đầu. Đoạn clip ghi lại màn “hội đồng” với những chiếc ghế bay tới tấp vào đầu nạn nhân khiến người xem không khỏi đau xót. Trước đó, nhóm tham gia đánh bạn cũng đã nhiều lần nạt nộ, sai vặt và tẩy chay nữ sinh này trong lớp. Hậu quả của sự việc khiến nhóm học sinh đánh bạn bị kỷ luật, còn nữ sinh bị đánh phải chuyển trường để tránh rắc rối sau này.

Trầm cảm vì bị tẩy chay?

Điều dễ nhận thấy đó là cảm giác của người tham gia tẩy chay là hả hê, phấn khích. Trong khi đó người bị tẩy chay đều cảm thấy buồn chán, cô đơn, lạc lõng, rơi vào trạng thái tinh thần suy sụp, hoảng loạn. Có những em bị stress, mất ngủ cả tháng để rồi dẫn đến bị tai nạn giao thông. Có em sau lần bị tẩy chay trở nên trầm cảm, không muốn tiếp xúc với bất kỳ bạn nào. Không ít em học hành sa sút, một số em không chịu nổi phải xin chuyển trường. Đau lòng hơn, nhiều em đã có những hành động dại dột như bỏ nhà, nghĩ đến ý định tự tử.

Nhiều năm làm thầy giáo và ở cương vị hiệu trưởng, NGƯT Đặng Đình Đại - Hiệu trưởng Trường THPT Wellspring Mùa Xuân (Hà Nội) cho rằng, chuyện học sinh bị cô lập, tẩy chay đã có từ lâu, nó xảy ra trong bất kỳ một tập thể lớp, trong nhóm nào đó. Hiện tượng bè - phái trong lớp học dễ dẫn đến một người nào đó bị cô lập trong phạm vi lớp, tổ, giữa nhóm học sinh nam, nữ với nhau và mức độ cũng khác nhau. Nguyên nhân chủ yếu là từ việc không ưa của một bạn “thủ lĩnh” nào đó dẫn đến kéo theo cả nhóm. Bị tẩy chay ở chỗ hơn mình ở mặt nào đó: Xinh hơn, giỏi hơn, điều kiện gia đình hơn... và cũng có thể là từ những hiểu lầm.

Cũng theo thầy Đại, chúng ta nên coi đây là một thực tế, trong việc này vai trò của giáo viên là hết sức quan trọng. Giáo viên chủ nhiệm cần tìm hiểu học sinh, nắm bắt được thực tế đang diễn ra trong lớp học mình quản lý, là chỗ dựa tin cậy để học sinh tâm sự. Giáo viên cần có những giải pháp làm thế nào để những học sinh hiểu nhau, giải tỏa những “điểm nóng” trong lớp, đặc biệt là không được thiên vị, hay vì thể hiện quyền lực của mình mà quát mắng, dọa nạt, kiểm điểm học sinh... dẫn đến sự việc thêm trầm trọng giữa các nhóm học sinh.

“Với các em học sinh, trong trường hợp bị tẩy chay, cô lập trước hết cần phải bình tĩnh, luôn nghĩ mình là một thành viên trong tập thể. Hãy tìm hiểu nguyên nhân vì sao mình bị cô lập, có thể trao đổi với bố mẹ, anh chị hoặc bạn bè thân thiết của mình để được giải tỏa những áp lực, được nói ra những ấm ức của hiện tại để đón nhận lời động viên, khuyên nhủ. Chỉ có những người thực sự tin tưởng thì các em mới tâm sự. Phụ huynh hãy quan tâm, chia sẻ để giúp con vượt qua những khó khăn nhất định trong chuyện ứng xử với bạn học, thầy cô”, NGƯT Đặng Đình Đại đưa ra lời khuyên.

 

“Học sinh thường không có nhiều biểu hiện khi đi học về, nên phụ huynh hãy chú ý quan sát con cái, nếu thấy tâm trạng con không vui thì hãy tìm hiểu, hỏi han con. Nhiều em lảng tránh vấn đề bị tẩy chay, cô lập ở trường, vì khi trở về nhà các em đã hoàn toàn tách rời với những chuyện xảy ra ở trường. Nhưng thực ra, những ám ảnh ở trường vẫn theo các em về tận nhà. Do đó dẫn đến những hành động không kiểm soát được như bị rơi vào cảm giác thất vọng với bản thân, cảm thấy mình yếu kém, bị hắt hủi... Gia đình cần quan tâm đến sự thay đổi của các em để tìm hiểu kỹ những nguyên nhân và có giải pháp hữu hiệu, kịp thời phối hợp với nhà trường để giúp đỡ các em”.

(NGƯT Đặng Đình Đại - Hiệu trưởng Trường THPT Wellspring Mùa Xuân, Hà Nội)

Quang Anh/Báo Gia đình & Xã hội

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]