Hồ sơ sức khỏe học sinh: Làm… cho có

Học sinh có tiền sử tim mạch, động kinh, máu khó đông… về lý thuyết tất cả các giáo viên trong trường đều phải nắm được, nhưng thực tế chỉ có giáo viên chủ nhiệm may ra mới biết.

15.6051
Công tác khám sức khỏe học sinh tại nhà trường còn rất sơ sài

Từ năm 2011 – 2012, Bộ GDĐT và Bộ Y tế đã ban hành Thông tư liên tịch quy định các nội dung đánh giá công tác y tế tại các trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Về công tác y tế trong trường học, thông tư nêu rõ, các trường cần tổ chức khám sức khỏe định kỳ và phân loại sức khỏe học sinh. Có sổ khám bệnh, hồ sơ quản lý, theo dõi tình hình sức khỏe học sinh cho cả cấp học. 

Bên cạnh đó, y tế trường học phải có thông báo cho cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ của học sinh về tình hình sức khỏe học sinh, có kế hoạch chăm sóc và điều trị cho học sinh có vấn đề sức khỏe.

Thế nhưng thực tế, công tác này được các trường thực hiện rất qua quýt, sơ sài. Sau khi nữ sinh lớp 6 Trường THCS Phan Bội Châu (quân Tân Phú) tử vong, Phòng GDĐT quận đã họp khẩn cấp, rà soát lại công tác quản lý, theo dõi sức khỏe của học sinh và thấy có lỗ hổng rất lớn. 

Bà Chung Bích Phương, Phó trưởng phòng GDĐT quận Tân Phú cho biết, trường học chưa quan tâm đến tiểu sử bệnh lý của học sinh. Trong hồ sơ quản lý sức khỏe, mỗi em học sinh đều có một phiếu theo dõi quản lý sức khỏe thực hiện theo chỉ đạo của Sở. 

Tuy nhiên, qua khảo sát sơ bộ thì các trường không quan tâm đến tiểu sử sức khỏe của học sinh. Trường chỉ ghi tên trường, lớp, tên học sinh, quận là xong, các mục còn lại về tiểu sử đều bị bỏ trống.

Trong các cấp học, duy nhất có bậc mầm non có bộ theo dõi sức khỏe của các bé rất rõ và thực hiện xuyên suốt, còn khối tiểu học và THCS dường như không có.

Bà Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Chánh Hưng cho biết, hàng năm trường vẫn tiến hành khám sức khỏe đầu năm cho học sinh, thế nhưng hiệu trưởng này cũng thừa nhận, việc khám sức khỏe này chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”, chủ yếu theo dõi cân nặng, thị lực, răng miệng… của học sinh là hết. Các bệnh khác đều do phụ huynh thông báo và tự theo dõi là chính.

Về nguyên tắc, 100% giáo viên phải nắm hồ sơ bệnh án của học sinh nhưng thực tế chỉ các giáo viên chủ nhiệm nắm được, các giáo viên bộ môn hầu như không biết gì về tiểu sử bệnh của học sinh. Mặc dù nhà trường đều có phổ biến yêu cầu các giáo viên phải nắm tình hình của học sinh nhưng thực tế chỉ dừng ở mức độ nhắc nhở chứ không thể biết được các giáo viên có nắm được hay không.

Chị Phùng Thị Thảo (quận 7) cho biết: “Con tôi bị huyết áp thấp, cháu rất dễ xỉu nếu phải đứng lâu một chỗ hoặc đứng dưới trời nắng, vì thế năm học nào cũng vậy, tôi đều phải nói rất cụ thể bệnh tình của cháu cho cô giáo, nhờ cô để ý giúp”.

Các trường viện lý do vì phải lo rất nhiều việc liên quan đến y tế, từ các dịch bệnh, bệnh học đường (mắt, răng…) nên không có nhiều thời gian, công sức để theo dõi sức khỏe của từng học sinh. Thêm vào đó, việc học sinh chuyển lớp qua mỗi năm và chuyển trường qua mỗi cấp khiến giáo viên và nhà trường khó lòng nắm rõ hết thông tin về học sinh.

Vì thế, để tránh những trường hợp đau lòng có thể xảy ra do phản ứng không kịp thời với các biểu hiện bệnh lý của học sinh đã có tiền sử bệnh trước đó, phụ huynh nên chủ động phối hợp với nhà trường bằng cách gửi bệnh án, mô tả các triệu chứng bệnh, cách phản ứng khi nguy cấp, gửi thuốc đặc trị cho phòng y tế trường...

Bạch Dương

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]