Phim là “người em sinh đôi” của bộ phim Thái Lan “My name is love” (ra đời năm 2012, là một trong những bộ phim tình cảm hài ăn khách nhất của điện ảnh Thái Lan trong 5 năm trở lại đây). Đạo diễn Trần Việt Anh đã rất cố gắng Việt hóa hoàn toàn các nhân vật, từ tên gọi đến tính cách cũng như lời thoại, tuy nhiên vẫn giữ được “chất” của phiên bản gốc. Nhà sản xuất cũng bày tỏ hy vọng, “nếu như phiên bản gốc của Thái Lan mang màu sắc vui tươi, ngọt ngào, ý nghĩa, thì “người em song sinh” Việt Nam cũng sẽ cho khán giả những cảm giác ấy, nhưng gần gũi và hài hước hơn…”.

Theo SMM, “Không nói được” là dự án thể nghiệm đầu tiên cho kế hoạch hợp tác làm phim theo lối Việt hóa những bộ phim hay của xứ chùa Vàng và ngược lại, Thái Lan hóa những bộ phim Việt của hãng sản xuất và phát hành phim M.Pictures Entertainment, cùng hai nhà sản xuất Metal Film và Avatar Entertainment (Thái Lan).

Như vậy, hợp tác phim ảnh Việt - Thái đang manh nha xuất hiện. Chưa rõ, kết quả của sự hợp tác này liệu có “cơm lành canh ngọt” để có thể tiến tới những bước xa hơn và có kết quả tử tế hay chăng, dù gì, nếu nhìn dưới con mắt cầu thị học hỏi, thì ít nhiều, việc hợp tác làm phim cũng mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Song, nếu nhìn rộng hơn một chút trong lĩnh vực phim ảnh hiện nay, mối quan hệ từ chiều Thái sang Việt vẫn mạnh mẽ hơn rất nhiều; điển hình từ việc nhiều kênh truyền hình Việt chiếu phim Thái, năm 2013, cho tới giữa năm 2014, một số phim Thái Lan, đặc biệt là phim kinh dị thu hút nhiều khán giả Việt ra rạp…

Việc Việt hóa một phim được gọi là phim nhựa theo phiên bản nước ngoài, cho đến lúc này, “Không nói được” có lẽ là trường hợp đầu tiên. Nếu những người làm phim Việt không đủ sự hiểu biết, kiến thức, thì cái được gọi là hợp tác điện ảnh chỉ theo lối Việt hóa phim sẽ không mang tới những bộ phim chất lượng, mà chỉ cho ra loại phim được gọi bằng từ thông tục là “phim nhái”.