Trở về - Bài học làm người, làm phim

Trở về không chỉ là nấc thang mới của Việt Trinh trong vai trò đạo diễn mà còn là bước tiến ấn tượng cho những gương mặt trên phim; mang lại kỳ vọng về chất lượng cho mùa phim mới trên màn ảnh nhỏ

15.6019

Từ câu chuyện có thật về cuộc đời của anh Lê Thừa Dương Hùng (pháp danh Tịnh Tín, nhân vật trong bài phóng sự Từ giã giang hồ từng được đăng trên Báo Người Lao Động số ra ngày 13-6-2010), kịch bản phim Trở về được biên kịch Châu Thổ phát triển thêm bằng đoạn đời sau cho nhân vật để có câu chuyện phim mang ý nghĩa giáo dục và triết lý nhân quả, tính nhân văn sâu sắc.

Giá trị từ chân thật

Bằng cách đan lồng giữa hiện tại và quá khứ, cuộc đời của nhân vật Hân (diễn viên Đức Tiến) được tái hiện trong chuỗi ngày còn là kẻ đòi nợ thuê, lang bạt nghiện hút và bị truy nã cho đến khi có một mái ấm gia đình với tình yêu tận tụy của Nhi (Văn Phượng). Nhưng không phải Hân, mà chính những người thân yêu phải trả giá cho những lầm lạc của ông trong quá khứ: Đứa con gái duy nhất sinh ra ăn chơi lêu lổng bị cuốn vào chất chết trắng, nỗi đau khổ giằng xé dồn lên vai người vợ mà ông yêu thương hết mực; sự bất lực của một người cha không thể dùng yêu thương để cảm hóa đứa con bất trị…

Bi kịch gia đình, lối sống hưởng thụ sai lệch của giới trẻ không phải là đề tài quá mới mẻ nhưng khi phim được thể hiện: bằng một kịch bản chặt chẽ, chỉn chu, đặc biệt là cách diễn xuất chân thật, sâu sắc của các diễn viên đã khiến cho Trở về có thể chinh phục được khán giả truyền hình ngay từ những tập đầu tiên.

Đức Tiến và Văn Phượng trong phim Trở về. Ảnh: SENAFILM CUNG CẤP
Cũng không dồn mọi tâm điểm vào nhân vật chính như thường thấy trong nhiều phim truyền hình khác, nhân vật phụ cũng được chăm chút và để lại dấu ấn riêng. Ngoài “bộ ba trọng tâm” Hân – Nhi - Bảo Ngọc thì phim cũng dành “đất” ấn tượng cho câu chuyện của cha con nhân vật Khuyên, cách dạy dỗ con trẻ của gia đình Nam Tồ, mở ra một phần góc tối của showbiz – ca sĩ và người hâm mộ… Bên cạnh đó, sự xuất hiện của nhân vật bà Tám - người giúp việc nhà - được xây dựng hài hước qua cách thể hiện của diễn viên Phi Phụng cũng là một cách cân bằng trọn vẹn đan lẫn vào những chuỗi bi kịch gia đình.

Ở Trở về, không phải chỉ có câu chuyện về quy luật nhân quả được chắt lọc mà lời thoại mang nhiều thông điệp ý nghĩa cũng chính là những tinh túy khiến cho rất nhiều phân cảnh trên phim có sức thẩm thấu sâu. “Thật sự phim đã có sẵn cái nền kịch bản khá tốt, nhiều phân đoạn khiến tôi vô cùng xúc động như tình cảm dồn nén trong tim mà nhân vật người cha của Khuyên đã dành cho con dù bên ngoài ông như một kẻ nát rượu, cũng như những cuộc trò chuyện của cha con Nam. Tôi muốn đưa lên phim tất cả những giá trị chân thật và đầy ý nghĩa ấy” – Việt Trinh bộc bạch.

Nấc thang “trở về

Với bộ phim truyền hình đầu tay được nhiều người trong giới đánh giá cao, Việt Trinh đã đánh dấu cho sự trở lại của chị bằng những giá trị thật, dù “từng có người hỏi thẳng rằng làm phim thật không, hay chỉ đăng tên cho dễ tìm tài trợ, rồi ra trường quay ngồi chơi “cho có tụ”, như chị chia sẻ. Cũng chính vì gánh thêm trên vai áp lực ấy mà Việt Trinh và ê kíp thực hiện đã dốc toàn tâm sức chăm chút cho bộ phim đến từng chi tiết.

“Tôi cho định trang từng nhân vật kỹ lưỡng, trang phục đều phải may mới và phù hợp với từng giai đoạn, từng hoàn cảnh. Thậm chí ánh sáng cũng phải xử lý cho phù hợp với tâm trạng nhân vật. Tôi yêu cầu các diễn viên phải cố hết sức biểu đạt cảm xúc bằng ánh mắt và cho lấy cận cảnh rất chặt vào khuôn mặt, điều đó mới thật sự để các diễn viên phát huy hết khả năng diễn xuất. Nếu chỉ khoa chân múa tay, thoại nhiều thì chỉ có thể là cảm xúc phô trương, minh họa” – Việt Trinh bảo chị đã mang tất cả kinh nghiệm, kỹ thuật diễn xuất trong suốt mấy mươi năm làm diễn viên để truyền đạt diễn xuất cho các gương mặt trong phim.

Diễn viên Văn Phượng bảo cái khó của vai diễn không phải là “lên rừng xuống biển” mà yêu cầu luôn phải diễn được bằng mắt để thể hiện nội tâm sâu của nhân vật mới là một thách thức. “Có những phân cảnh cảm xúc diễn tới diễn lui đến mệt nhoài vẫn chưa làm hài lòng đạo diễn. Không phải chỉ theo kịch bản thể hiện như nhiều phim khác mà chị Việt Trinh còn vận dụng tối đa kinh nghiệm của bản thân, sáng tạo thêm cho diễn viên để ra đúng chất nhân vật nhất, ấn tượng nhất” – Văn Phượng nói.

Còn gương mặt trẻ Hoàng Mỹ Dung, cho đến bây giờ vẫn rất nhớ câu nói của đạo diễn Việt Trinh dành cho mình: “Nếu nhân vật thất bại thì cả hai chị em mình nắm tay nhau đi xuống”. Chính điều đó đã khiến cho Mỹ Dung phải nỗ lực hết mình cho vai chính đầu tiên, sống trọn vẹn là Bảo Ngọc – trong sự uốn nắn quyết liệt của đạo diễn.

“Quyết định chọn Mỹ Dung là một mạo hiểm, nhưng biết đâu cũng có thể tạo cơ hội cho tài năng tỏa sáng. Mấy mươi năm trước nếu không có đạo diễn Trần Cảnh Đôn phát hiện và tin tưởng giao cho vai Oanh trong phim Ngọc trong đá thì tôi cũng đâu có cơ hội khẳng định mình” – Việt Trinh chia sẻ khi quyết định đặt niềm tin và trách nhiệm vào gương mặt mới cho một vai diễn quyết định thành bại của bộ phim.

Sự nghiêm khắc của đạo diễn trên trường quay đã cho các diễn viên có được cơ hội khai phá đến cùng khả năng thể hiện của mình. Đức Tiến gần như lột xác, hoàn toàn thoát khỏi dạng vai diễn đẹp trai, lịch thiệp khi “bị ép” phải mặc những trang phục “làm già đi và không lẫn vào đầu được” của nhân vật Hân. Diễn viên trẻ Văn Phượng cũng vụt sáng với vai Nhi, nhân vật đi từ mốc thời gian lúc còn trẻ cho đến khi về già đã cho gương mặt còn rất trẻ này thử thách và cơ hội hoàn hảo để khẳng định mình.

Không chỉ chiêu đãi khán giả bằng những thước phim “vấp té cũng thấy đẹp” theo cách nói vui của đạo diễn hình ảnh (D.O.P) Phạm Văn Khuê, phim còn để lại dấu ấn bằng những khung hình đậm chất điện ảnh, thể hiện được chiều sâu cho những phân cảnh cảm xúc nội tâm của các nhân vật. Có thể nói Trở về không chỉ là nấc thang riêng cho Việt Trinh trong vai trò mới mà còn là bước tiến ấn tượng cho những gương mặt trên phim.

TIỀU QUYÊN
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]