Ðiều trị huyết áp thấp, thuốc gì?

Hiện nay, huyết áp thấp là một chứng bệnh khá phổ biến và tỷ lệ người mắc bệnh đang ngày càng gia tăng.

0

Hiện nay, huyết áp thấp là một chứng bệnh khá phổ biến và tỷ lệ người mắc bệnh đang ngày càng gia tăng. Trong khi nhiều người lo sợ vì huyết áp cao thì ngược lại, rất ít người quan tâm tới huyết áp thấp và chứng huyết áp thấp cũng gây những nguy cơ cao cho sức khỏe.

Người bị huyết áp thấp có trị số huyết áp tâm thu dưới 90mmHg và huyết áp tâm trương dưới 60mmHg, hoặc giảm hơn 20mmHg so với trị số huyết áp bình thường trước đó.

​Người huyết áp thấp cần bổ sung thịt nạc, thịt bò, rau quả có màu đỏ

Có hai loại huyết áp thấp: huyết áp thấp tiên phát và huyết áp thấp thứ phát.

Huyết áp thấp tiên phát: là những người có thể trạng đặc biệt từ nhỏ đến lớn huyết áp vẫn thấp mà không hề có triệu chứng hoặc biến chứng ở bộ phận nào trong cơ thể, chỉ khi gắng sức thì thấy chóng mệt.

Huyết áp thấp thứ phát: là huyết áp bình thường nhưng sau đó bị tụt dần xuống tới mức được coi là huyết áp thấp. Thường gặp ở những người suy nhược kéo dài, mắc các bệnh thiểu năng tuần hoàn não, lao, nhiễm khuẩn, nhiễm độc kéo dài, thiếu máu kéo dài, bệnh nội tiết suy tuyến thượng thận, suy tuyến giáp mạn tính.

Huyết áp thấp thường gặp ở những người quá lao lực, thể trạng yếu, suy dinh dưỡng, phụ nữ… Đặc biệt, huyết áp thấp dễ xảy ra ở người bệnh tim mạch, béo phì, tiểu đường… Nguyên nhân gây chứng bệnh này còn có các yếu tố như cuộc sống căng thẳng, môi trường ô nhiễm, lạm dụng độc chất…

Chính vì thế, huyết áp thấp đã trở thành một trong những căn bệnh thời đại mà nhiều người mắc phải với những triệu chứng: mệt mỏi, lả người, choáng váng, xây xẩm mặt mày, hoa mắt chóng mặt, khó tập trung và dễ nổi cáu, có cảm giác buồn nôn, nặng hơn là có thể ngất xỉu…

Huyết áp thấp dễ gây biến chứng nặng

Huyết áp càng thấp thì khả năng bị mất trí nhớ càng cao, nó gắn liền với bệnh mất trí do Alzheimer gây ra. Những người có mức huyết áp thấp kéo dài liên tục trong 2 năm có khả năng bị mất trí nhớ cao gấp 2 lần.

Huyết áp hạ quá thấp cũng có thể làm nhịp tim nhanh, gây choáng, ngất. Huyết áp thấp cũng là nguyên nhân gây tai biến mạch máu não. 30% số người nhồi máu não và 25% số người nhồi máu cơ tim là do huyết áp thấp.

Thuốc điều trị bệnh huyết áp thấp

Mục đích điều trị bệnh huyết áp thấp là phải nhanh chóng đưa huyết áp trở về trạng thái bình thường, sau đó duy trì để tránh tái phát. Về phương pháp điều trị, hiện nay chưa có một loại thuốc nào có hiệu quả lâu dài đối với căn bệnh này.

Hay nói cách khác, thuốc dùng để điều trị hạ huyết áp hiện nay chỉ điều trị triệu chứng. Trong những trường hợp cấp thiết, bác sĩ sẽ kê đơn cho người bệnh một số loại thuốc có tác dụng nâng huyết áp tạm thời như:

Ephedrin: là thuốc giống thần kinh giao cảm có tác dụng trực tiếp và gián tiếp lên các thụ thể adrenergic. Thuốc có tác dụng co mạch, tăng huyết áp do tăng lưu lượng tim và co mạch ngoại vi.

Tuy nhiên, khi dùng thuốc cần thận trọng vì thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương, gây khó ngủ hoặc mất ngủ. Không dùng thuốc quá 7 ngày liên tục, không nên dùng ephedrin cho trẻ dưới 3 tuổi. Người bệnh suy tim, đau thắt ngực, đái tháo đường, cường giáp và người bệnh đang dùng digitalis, người cao tuổi lại càng phải thận trọng hơn khi cần sử dụng ephedrin để tăng huyết áp.

Dùng ephedrin kéo dài có thể gây quen thuốc và phụ thuộc vào thuốc, nghiện thuốc. Khi dùng có tác dụng co mạch, tăng huyết áp, tăng nhịp tim nên không dùng với các thuốc chống tăng huyết áp. Không nên dùng trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Đánh trống ngực là tác dụng phụ thường gặp khi dùng ephedrin.

Ở người bệnh nhạy cảm, ngay cả với liều thấp, ephedrin cũng có thể gây mất ngủ, lo lắng và lú lẫn, đặc biệt khi dùng đồng thời với cafein. Ephedrin có thể làm tăng đái khó ở người bệnh có phì đại tuyến tiền liệt.

Heptamyl: là thuốc trợ tim mạch, tăng sức bóp của tim, được sử dụng điều trị triệu chứng trong hạ huyết áp tư thế, đặc biệt trong trường hợp do dùng thuốc hướng tâm thần. Thuốc không được dùng cho các trường hợp cường giáp, tăng huyết áp mạn tính. Với các vận động viên, cần hạn chế dùng heptamyl do thuốc có chứa hoạt chất gây kết quả dương tính trong các xét nghiệm kiểm tra sử dụng chất kích thích.

Pantocrin: cồn nước chế từ nhung hươu do Liên Xô trước đây và ngày nay là Nga sản xuất, tác dụng bồi bổ cơ thể, kích thích tim mạch, ống tiêm 1ml tiêm dưới da hoặc tiêm bắp. Hiện nay đã có dung dịch pantocrin dạng uống.

Bioton: Chống suy nhược cơ thể, tăng trí lực, thể lực...

Lưu ý: Khi bị huyết áp thấp, bệnh nhân thường được tư vấn chế độ ăn mặn hơn bình thường và bổ sung thêm các đồ uống có chất kích thích như chè, cafein…

Để hạn chế hạ huyết áp tư thế, bệnh nhân không nên thay đổi tư thế một cách đột ngột từ tư thế thấp sang tư thế cao. Khi có dấu hiệu hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, cần nằm nghỉ ngơi ở tư thế đầu thấp để tăng lượng máu lên não.

Luyện tập thể dục đều đặn, phù hợp với sức khỏe và độ tuổi hàng ngày giúp duy trì lưu thông máu trong cơ thể nên giảm chứng huyết áp thấp. Tăng cường dinh dưỡng, ăn uống đủ chất để cung cấp năng lượng cho cơ thể, phòng chống bệnh tật...

Theo DS Hà Minh - Sức khỏe và Đời sống
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]