Kể chuyện làng nghề bằng du lịch - Tại sao không?

(HNM) - Với gần 300 làng nghề truyền thống có bề dày hàng trăm năm tuổi, Hà Nội có những thế mạnh riêng để thúc đẩy du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế, cũng như giới thiệu những giá trị văn hóa đặc trưng nhất tới bạn bè trong và ngoài nước.

0
Du khách quốc tế tham quan làng nghề Vạn Phúc (quận Hà Đông). Ảnh: Thái Hiền

Tuy nhiên, lâu nay sản phẩm du lịch làng nghề (DLLN) của Hà Nội vẫn bị đánh giá là còn nghèo nàn, chưa tương xứng với tiềm năng... Thực trạng này có hy vọng được cải thiện mạnh mẽ khi mới đây lãnh đạo thành phố chủ trương xây dựng hai làng nghề gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm) và lụa Vạn Phúc (Hà Đông) thành địa chỉ du lịch tầm cỡ quốc tế?

"Đệ nhất làng nghề" gặp khó

Không khó để nhận ra những đặc điểm nổi bật khiến Hà Nội chọn Bát Tràng và Vạn Phúc làm điểm khuếch trương DLLN một cách quy mô, bài bản. Với những lợi thế về giao thông cùng bề dày truyền thống, Bát Tràng và Vạn Phúc còn có những cái nhất khiến nhiều làng nghề phải mơ ước. Đó là sức sáng tạo, tình yêu nghề sâu sắc giúp người thợ làng nghề, dù trải qua bao biến cố, thăng trầm, vẫn quyết tâm bám trụ, không để di sản của cha ông mai một; sự nhanh nhạy với thời cuộc để đưa ra những sản phẩm thủ công, phù hợp với thị hiếu, bảo đảm đời sống kinh tế cùng danh tiếng cho nghề truyền thống...

Mới đây nhất là cuộc chuyển mình từ người thợ thuần túy thành hướng dẫn viên du lịch, đưa du khách vào không gian văn hóa làng nghề, bằng chính sự tận tâm và niềm tự hào sâu kín của mình. Dẫu còn mới mẻ và nhiều bỡ ngỡ, người làng nghề đã chứng tỏ, họ đang đi đúng hướng cho mục tiêu chung nhất là giữ và truyền lửa yêu nghề cho các thế hệ tiếp sau.

Chính những nỗ lực ấy, cuối cùng lại là điểm hấp dẫn, kéo du khách đến với làng nghề, nơi người ta không chỉ xem, mua hàng mà còn được chứng kiến quy trình sản xuất, lắng nghe hơi thở lịch sử, được giải đáp cặn kẽ những thắc mắc…; hay trực tiếp tham gia vào một số công đoạn sản xuất (nhuộm, dệt lụa; vuốt, nặn, vẽ gốm…). Lòng hiếu khách, thái độ thân thiện của người dân bản địa cũng là một thuận lợi trong việc thu hút khách du lịch. Ở đây, dẫu hàng quán san sát, không khí bán buôn nhộn nhịp, nhưng tuyệt nhiên không có hiện tượng chèo kéo, gây khó chịu cho khách. Với không ít tiềm năng, thế mạnh như vậy, song người làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc còn quá nhiều trăn trở.

Anh Đặng Đình Hải, chủ cơ sở sản xuất gốm nghệ thuật Hải Hảo, người tiên phong đưa dịch vụ cho khách thử sức làm gốm về địa phương, sôi nổi: "Tôi còn nhiều ý tưởng để sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn nhưng ngặt nỗi đụng đâu khó đó. Vốn, mặt bằng, kết nối với các đơn vị lữ hành… chính là điểm nghẽn hiện nay. Một mình xoay, khó thành mà cứ dậm chân mãi thì sốt ruột. Thế nên tôi thực sự kỳ vọng vào chủ trương mới của thành phố sẽ tạo cuộc đổi đời thực sự cho địa phương". Những kì vọng của anh Hải cũng chính là mong mỏi của rất nhiều người làng nghề thuộc diện đầu tư của thành phố, bởi là người trong cuộc, họ hiểu hơn ai hết những tiềm năng, hạn chế của địa phương trước cơ hội chuyển mình đầy hấp dẫn này.

Lắng nghe tâm sự từ những người thợ xởi lởi và mặn chuyện, tôi còn biết thêm nhiều điều mới mẻ. Bởi dẫu được đánh giá là một trong những làng nghề làm du lịch tốt bậc nhất ở Thủ đô song đến giờ Bát Tràng vẫn thiếu những yếu tố căn bản để… làm du lịch. Ngoài việc sản phẩm du lịch còn chưa phong phú, thiếu điểm nhấn (chỉ quẩn quanh với dịch vụ vuốt, nặn, vẽ và thăm lò gốm, nhà cổ…), Bát Tràng thiếu những thứ tưởng chừng rất đơn giản như: Bãi dừng đỗ xe, khu vệ sinh, bảng chỉ dẫn, sơ đồ làng nghề bằng 2 thứ tiếng, nơi nghỉ chân cho du khách… và ẩm thực.

Tương tự Bát Tràng, Vạn Phúc cũng đang lúng túng trong việc xây dựng tuyến đường ẩm thực cũng như hình thành thêm sản phẩm du lịch để níu chân du khách. Làng lụa cũng nhiều năm phải đối mặt với tình trạng thiếu vùng sản xuất nguyên liệu tơ tằm ổn định, ảnh hưởng không nhỏ đến ổn định nguồn hàng và giá thành sản phẩm. Bát Tràng, dẫu la liệt hàng hóa, song sản phẩm lưu niệm vẫn còn đơn điệu, trùng lặp và cồng kềnh, không tiện cho khách mang vác, di chuyển. Một số mô hình du lịch tự phát như "đi tour bằng xe trâu", dẫu hấp dẫn du khách, nhưng thiếu định hướng, hỗ trợ từ chính quyền nên không trụ được bao lâu. Kết nối lỏng lẻo với các công ty lữ hành cũng là một thiệt thòi cho không chỉ người làng nghề, khách du lịch mà còn gây nên bao hệ lụy khác.

Kế hoạch "cất cánh" cho du lịch làng nghề

Đường đi thuận lợi, cơ sở hạ tầng khá tốt, sản phẩm làng nghề thấm đẫm văn hóa, lịch sử đất nước… là những tiền đề cơ bản để Bát Tràng và Vạn Phúc từng bước đẩy mạnh mảng DLLN. Đón đầu chủ trương "phát triển kinh tế du lịch, kinh tế làng nghề" của thành phố, làng gốm Bát Tràng và lụa thủ công Vạn Phúc đang ấp ủ những kế hoạch giúp du lịch làng nghề "cất cánh".

Đó là tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kết hợp đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng; xây dựng các chuỗi tham quan quy trình sản xuất, sinh hoạt của người dân làng nghề; tham quan điểm di tích nhà cổ, di tích cách mạng (Bát Tràng có Nhà in Báo Độc lập; đền thờ tổ nghề…, Vạn Phúc có Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nơi Bác viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến; nhà nuôi giấu cán bộ cách mạng…); hướng dẫn du khách trực tiếp tham gia sản xuất, hoàn thiện sản phẩm thủ công; hình thành nơi ăn, chốn nghỉ; tổ chức các trò chơi dân gian… để khách du lịch thêm hiểu và yêu con người, mảnh đất quê mình… Những việc làm trên không đơn thuần chỉ là làm du lịch mà còn mang ý nghĩa hội tụ, kết nối những giá trị đặc trưng nhất để "kể chuyện" làng nghề bằng du lịch.

Nhắm vào tất cả những gì được gọi là "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" cho DLLN phát triển theo hướng tốt đẹp nhất, những ngày này, người Bát Tràng, Vạn Phúc và chắc còn nhiều làng nghề truyền thống khác ở Hà Nội đang hồi hộp, kỳ vọng vào một bước tiến thật sự thông qua chủ trương của thành phố, điều hứa hẹn sẽ không chỉ mang đến những lợi ích về kinh tế, xã hội mà còn góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa ẩn chứa trong mỗi làng nghề. Tuy nhiên, cơ hội lớn này cũng sẽ qua đi nếu chỉ trông mong vào Nhà nước mà không tự vận động, học hỏi, tìm tòi hơn nữa.

Nghệ nhân làng lụa Vạn Phúc, ông Phạm Khắc Hà, đau đáu: "Nhiều lần chứng kiến công ty du lịch chở khách đến, cho ngó nghiêng quáng quàng, rồi lại vội vàng hối lên xe, di chuyển đến điểm khác, tôi buồn lắm. Giá như địa phương có những kế hoạch bài bản, lôi cuốn hơn để níu chân du khách, người ta sẽ không đến làng mình theo kiểu "cho có" như thế nữa". Đó là những điều đáng phải suy ngẫm.
(Còn nữa)
Thanh Thủy
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]