Gắn kết du lịch và làng nghề: Câu chuyện còn dài

Mục tiêu lớn nhất của Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội 2014 là gắn kết du lịch với làng nghề, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề thủ đô, một tiềm năng chưa được khai thác tốt trong thời gian qua. Tuy nhiên, thực tế, sự tham gia của doanh nghiệp du lịch và các làng nghề tại Liên hoan vẫn theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, chưa có sự gắn kết.

15.5841

Không khí nhộn nhịp tại các gian hàng trưng bày giới thiệu các sản phẩm làng nghề

CôngThương - Đặc sản làng nghề hút khách, du lịch đìu hiu

Đây đã là lần thứ hai Hà Nội tổ chức Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống nhằm tạo ra cơ hội tốt để doanh nghiệp du lịch tìm hiểu về sản phẩm nghề và các làng nghề có dịp quảng bá sản phẩm, tên tuổi và gắn kết với các doanh nghiệp du lịch, từ đó tăng cường mối liên kết giữa hai lĩnh vực du lịch và làng nghề Hà Nội. Năm nay, Liên hoan thu hút sự tham gia của 366 gian hàng, 194 đơn vị, trong đó có 42 làng nghề truyền thống Hà Nội tiêu biểu, 54 gian hàng đại diện của 22 tỉnh, thành phố trên cả nước, 14 doanh nghiệp và tổ chức du lịch, 15 đơn vị ẩm thực. Nét đặc biệt của Liên hoan năm nay là có sự tham gia của hai nước bạn Hàn Quốc và Malaysia với 15 gian hàng ẩm thực của Hàn Quốc và 4 gian hàng của Cục xúc tiến Du lịch Malaysia với nhiều hoạt động thao diễn nghề và trò chơi dân gian hấp dẫn.

Theo ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội, so với năm ngoái, Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội 2014 sẽ thúc đẩy mạnh hơn các hoạt động du lịch. Trong đó, các doanh nghiệp du lịch tham gia Liên hoan đều có chương trình kích cầu du lịch, giảm giá, khuyến mại tour dành cho khách hàng. Đặc biệt, trong khuôn khổ Liên hoan, sẽ có Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về Xúc tiến Du lịch Làng nghề giữa Sở VHTTDL Hà Nội với Sở Công thương Hà Nội. Đây quả thật là những điểm mới đáng khích lệ so với Liên hoan Du lịch làng nghề lần thứ nhất khi mà lĩnh vực Du lịch còn quá mờ nhạt so với các làng nghề.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc, buổi đầu tiên của Liên hoan thu hút sự quan tâm của khá đông công chúng. Tuy nhiên, điều đáng nói là hầu hết sự quan tâm của công chúng là dành cho các gian hàng đặc sản của các làng nghề, đặc biệt là các sản vật ẩm thực nhiều vùng miền và ẩm thực nước bạn Hàn Quốc. Trong khi đó, các gian hàng của các doanh nghiệp du lịch thì khá đìu hiu, buồn tẻ. Gian hàng duy nhất thu hút đông đảo người xem là của Cục xúc tiến Malaysia bởi sự quảng bá chuyên nghiệp, các trò chơi trúng thưởng hấp dẫn, vui nhộn và sự bài trí đẹp mắt. 



Đối lập là không khí đìu hiu tại các gian hàng du lịch

Khảo sát qua một số doanh nghiệp du lịch tham gia Liên hoan, hầu hết đều cho biết lượng khách quan tâm tìm hiểu về sản phẩm tour tuyến không nhiều, lượt khách đặt mua sản phẩm trực tiếp tại Liên hoan còn quá ít ỏi so với mong đợi. Tuy nhiên, đại diện một doanh nghiệp cho biết, thực tế mục đích lớn nhất của doanh nghiệp du lịch đến với liên hoan không phải là bán sản phẩm, mà là quảng bá tên tuổi, sản phẩm đến với du khách, đồng thời tìm kiếm đối tác nếu có. Vậy nên, việc du khách ít quan tâm và chưa đặt tour nhiều tại Liên hoan cũng nằm trong dự liệu của doanh nghiệp.

Du lịch và làng nghề: Cái "bắt tay" còn lỏng lẻo

Hầu hết các đơn vị làng nghề và các doanh nghiệp du lịch tham gia Liên hoan đều chia sẻ mong muốn có sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa du lịch và làng nghề để thúc đẩy quảng bá thương hiệu tên tuổi, sản phẩm làng nghề, xây dựng tour tuyến mới thu hút khách. Tuy nhiên, thực tế là sự gắn kết ngay tại Liên hoan vẫn còn lỏng lẻo. Nếu như Liên hoan năm ngoái, Ban tổ chức đã có một Hội thảo rất có ý nghĩa về du lịch làng nghề để các bên liên quan bàn thảo về thực trạng, những vấn đề bất cập cũng như đề ra giải pháp phát triển, thúc đẩy du lịch làng nghề thì năm nay, hoạt động này đã bị bỏ qua. Trong khi đó, tại Liên hoan năm nay, doanh nghiệp du lịch và làng nghề vẫn chưa chủ động tìm đến nhau mà vẫn tham gia theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Điều này khiến những người quan tâm đến du lịch làng nghề lo ngại rằng, sau liên hoan, câu chuyện gắn kết du lịch và làng nghề vẫn không có kết quả nào rõ rệt.



Gian hàng Du lịch đông khách nhất là của Cục xúc tiến Malaysia kết hợp với một số doanh nghiệp nhờ sức hút của các trò chơi có thưởng

Anh Lê Thành Thái, chủ một doanh nghiệp Sơn Mài Hạ Thái có gian hàng tham gia Liên hoan cho biết, làng nghề sơn mài Hạ Thái đã nổi tiếng từ lâu đời và là một trong 5 làng nghề tiêu biểu nhất của thủ đô Hà Nội. Thông thường, làng nghề cũng thu hút khá nhiều du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, song chưa hề có sự gắn kết nào giữa các cơ sở làm nghề với doanh nghiệp du lịch nên lượng khách đến không ổn định. Anh Thái cũng chia sẻ mong muốn từ Liên hoan Du lịch làng nghề này sẽ có sự gắn kết du lịch với làng nghề Sơn mài Hạ Thái để quảng bá hình ảnh làng nghề và tăng doanh thu. Tuy nhiên, khi được hỏi làm thế nào để gắn kết với các doanh nghiệp du lịch đến với làng nghề thì anh cho rằng, điều đó đòi hỏi rất nhiều vấn đề, trong đó cần có sự quan tâm, giúp đỡ của phía doanh nghiệp lữ hành và sự kết nối của các cơ quan chức năng… Tâm lý các làng nghề chờ đợi sự chủ động từ doanh nghiệp lữ hành và giúp đỡ từ phía cơ quan chức năng để gắn kết phát triển du lịch làng nghề không phải là hiếm tại Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống.

Đánh giá về Liên hoan, anh Đoàn Ngọc Tùng – Giám đốc MTVVietnam Travel cho biết, điều đáng ghi nhận nhất mà Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống đã làm được là quảng bá nhiều đặc sản làng nghề của thủ đô và một số vùng miền khác. Tuy nhiên, anh cũng thừa nhận rằng, chiến dịch quảng bá và các phương án kinh doanh để kết nối du lịch và làng nghề chưa đạt như mong muốn và mục tiêu đề ra.

“Doanh nghiệp du lịch và các làng nghề vốn có đặc thù kinh doanh khác nhau, nên để có thể liên kết, hòa nhập ngay tại Liên hoan này là điều không hề dễ dàng. Nhưng điều đáng mừng là du khách tham gia Liên hoan, không phải chỉ đến để tham quan gian hàng du lịch hay chỉ vào gian hàng giới thiệu sản phẩm làng nghề, mà có sự quan tâm đến cả hai. Bản thân chúng tôi vẫn bán được tour, còn các làng nghề vẫn bán được sản phẩm, đó là thành công của Liên hoan. Tôi cho rằng, để có sự gắn kết hơn, trong những Liên hoan tiếp theo, Ban tổ chức cân nhắc xem có thể sắp xếp xen kẽ những gian hàng của làng nghề với gian hàng của du lịch để tạo điều kiện cho khách hàng quan tâm chú ý hơn đến cả sản phẩm của cả hai bên, đồng thời các doanh nghiệp du lịch và làng nghề sẽ có sự giao lưu gần gũi hơn. Lợi nhuận là của cả đôi bên nên doanh nghiệp và làng nghề cần có sự chủ động đi tìm nhau” – anh Tùng bày tỏ.

Đồng quan điểm này, chị Mỹ Nghệ - Phó Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế ITC nhận định rằng: “Liên hoan Du lịch làng nghề nhằm mục đích tôn vinh giá trị làng nghề truyền thống, chứ không phải đơn thuần là hội chợ để lữ hành bán sản phẩm của mình. Việc gắn kết, thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề truyền thống của thủ đô đã được kỳ vọng nhiều năm, song chưa được như mong muốn.  Tuy nhiên, sau mỗi cuộc Liên hoan như thế này, mỗi doanh nghiệp và làng nghề sẽ rút ra những kinh nghiệm để gắn kết làng nghề với du lịch”.

Nhìn vào hoạt động thực tế của Liên hoan năm nay và tâm lý “không kỳ vọng quá nhiều” của các doanh nghiệp khi tham gia Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội lần thứ hai này, có lẽ bất kỳ ai cũng hiểu rằng, việc gắn kết du lịch với làng nghề chắc chắn sẽ là câu chuyện dài, chứ không thể giải quyết trong một sớm một chiều./.

Theo Báo điện tử Tổ quốc

baocongthuong.com.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]