Thậm chí, tỉ lệ này còn có xu hướng ngày càng giảm tiếp. Ở các tỉnh miền núi, việc nuôi được con bằng sữa mẹ với các bà mẹ còn khó khăn hơn.

Ngay khi còn trên bàn đẻ, chị Trần Thị Duyên đã được bác sĩ hướng dẫn cho con bú ngay theo phương pháp “da kề da”. Ảnh: Dương Ngọc

“Da kề da”

Ngày 4.1, chị Trần Thị Duyên (24 tuổi, người dân tộc Dao ở thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang) sinh thường bé thứ hai tại BV đa khoa tỉnh. Khi nữ hộ sinh Vũ Bích Ngọc đỡ còn làm xử trí lấy nhau cho bà mẹ thì BS Trịnh Thị Thanh Hương - Phó trưởng khoa Sản - đã nhanh chóng ẵm và làm vệ sinh cho em bé. Tay kia chị nặn sữa non cho người mẹ còn nằm trên bàn đẻ và kề miệng em bé vào bầu vú đang căng mọng theo phương pháp da kề da. Vẫn còn đau sau cuộc chuyển dạ, nhưng nhìn con hồng hào, chúm miệng bú những giọt sữa non đầu tiên, chị Duyên mỉm cười hạnh phúc. Các BS cũng thở phào nhẹ nhõm với cuộc đỡ đẻ thành công và em bé cũng có phản xạ bú mút ngay.

Theo BS Thanh Hương, em bé bắt vú ngay được như thế là tín hiệu một sinh linh mạnh khỏe. Trừ khi bé có các bệnh lý thì phải tiếp tục theo dõi và mẹ bị một trong các bệnh HIV, tim mạch, gan... thì mới không nên cho bé bú. Còn bé được bú ngay trong 30 phút sau sinh với đẻ thường và khoảng 2 giờ nếu đẻ  mổ, nguồn sữa non ấy sẽ giúp bé tránh được các bệnh tiêu chảy và các bệnh đường ruột, viêm phổi... sau này. Với mẹ, cho con bú sớm cũng  giúp cho tránh nguy cơ áp xe vú, thậm chí cơ thể còn tiết ra chất giảm đau cho bà mẹ, tống dịch sản nhanh giúp mẹ phục hồi sớm. Từ năm 1996, BV Đa khoa Tuyên Quang đã đăng ký là BV bạn hữu trẻ em. Vì thế, mỗi năm có hơn 3.000 ca đẻ tại đây, khoảng 70% số bà mẹ đều được hướng dẫn cho con bú theo phương pháp da kề da như thế. Sau đó, các sản phụ tiếp tục được hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng.

Tuy nhiên, khi rời BV, các bà mẹ có tuân thủ được hướng dẫn hay không là vấn đề khác. BS Nguyễn Văn Điền - GĐ Trung tâm Sức khỏe sinh sản (SKSS) Tuyên Quang  - cho hay: “Chưa có thống kê nào trên toàn tỉnh về số lượng các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng, nhưng có thể nói rằng con số đó không nhiều. Họ ít bị ảnh hưởng bởi các quảng cáo sữa như các bà mẹ ở TP, nhưng họ cũng phải đi làm sau 4 tháng nếu là công chức. Bà con dân tộc thiểu số khi đi làm nương thường địu con đi theo, các cháu có thể được bú liên tục, nhưng cũng thường chỉ sang tháng thứ 4 – 5 là đã cho con ăn sam”.

Ăn bột từ thuở 2 tháng

BS Bùi Thị Hoàn - Trạm trưởng Trạm y tế Năng Khả (huyện Na Hang) - cho biết: “Khoảng 3 – 5 năm trước, các bà mẹ còn vắt bỏ sữa non vì sợ sữa hoi trẻ chậm lớn. Giờ thì không thế, nhưng tỉ lệ các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ ở Năng Khả trong 4 tháng đã đạt được khoảng 60%, nhưng được 6 tháng thì rất ít”. Những ngày rét này, chị Bế Thị Khuya (39 tuổi, dân tộc Tày, ở xã Năng Khả) một mình bế con lên BV huyện Ha Nang chữa viêm phổi. Giờ đã 6 tháng nhưng bé chỉ nặng 7,5kg. Chị Khuya cho biết: Lúc sinh, bé được 2,9kg; khi 2 tháng đã được 4kg nhưng từ đó chị đã phải đi làm nương nên phải cho con ăn thêm bột, từ lúc ấy, bé không bụ bẫm nữa và cũng hay ốm. Nhưng biết làm sao, khi mà nhà khó khăn. Chị cũng cho hay: Biết là cho con bú sẽ không tốn kém, nhưng phần lớn các mẹ được nghỉ hậu sản khoảng 1 – 1,5 tháng, rồi ai cũng đi làm cả. Thế nên ở đây, thường chỉ đến tháng thứ 4 - 5, các bà mẹ đã cho con ăn thêm rồi. 

Theo Trung tâm SKSS Tuyên Quang, năm 2011, tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi cân nặng ở đây là 20,4%; tính theo thể thấp còi thì còn cao hơn là 29,8%. Trong khi đó, chung trên toàn quốc theo điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỉ lệ tương ứng suy dinh dưỡng cân nặng là 16%, thể thấp còi là 27,5%. Dù rằng, so với năm 2009 và 2010, suy dinh dưỡng ở Tuyên Quang đã giảm trung bình 1,2% - 1,9%/năm, nhưng so sánh như vậy, tỉ lệ suy dinh dưỡng ở Tuyên Quang vẫn cao hơn mặt bằng toàn quốc.

Theo BS Nguyễn Văn Điền, điều này có một phần nguyên nhân là do tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ đầy đủ ở đây còn quá thấp. Vì thế, theo BS, ngoài việc tăng cường tuyên truyền ở các thôn, bản để các bà mẹ có ý thức hơn thì việc cho phép bà mẹ được nghỉ thai sản 6 tháng sẽ là tiên quyết để trẻ em không bị đói... sữa mẹ nhiều như hiện nay.

Quang Duy