Khoảng cách giàu nghèo ở Indonesia ngày một lớn

15.601

Những phụ nữ người giàu nhất Indonesia sẵn sàng chi tới 50.000 USD để sở hữu một chiếc túi xách hàng hiệu, trong khi đa phần dân số nước này đang sống dưới mức 2 USD một ngày.

Một buổi từ thiện vừa diễn ra ở khu ngoại ô hào nhoáng của Jakarta cho hàng trăm trẻ mồ côi. Những người tổ chức cười nói, vỗ tay ủng hộ các vũ công trong tiếng nhạc rầm rĩ. Vây xung quanh lũ trẻ là những gian hàng tràn ngập đồ ăn cùng một chiếc bàn dài phủ đầy túi kẹo.

Sự kiện này được đặt tên là “Tình yêu từ Jakarta” do phu nhân và bạn gái của những người giàu có nhất Indonesia thực hiện. “Chúng tôi quyên góp khoảng 360 triệu rupiah (tương đương 30.000 USD) và muốn trao tặng niềm vui cho những đứa trẻ này”, Heidi – một phụ nữ xinh đẹp và có địa vị trong xã hội chia sẻ.

Hoạt động trên chỉ là một trong những sự kiện do câu lạc quý bà tại Indonesia tổ chức. Đây là nơi hội tụ các bà vợ hay bạn gái những người giàu nhất quốc gia với tên gọi “Arisan”.

Các bà vợ hay bạn gái của những người giàu nhất Indonesia tập trung thành những câu lạc bộ với tên gọi "Arisan". Ảnh: BBC

Wulan – một thành viên cho biết tổ chức này hoạt động giống như một hội chơi “họ”. “Chúng tôi thu tiền từ các thành viên hàng tháng. Sau đó rút thăm. Ai mà thắng, người đó sẽ có tất cả. Chuyện này giống như việc bạn đem tiền vào ngân hàng gửi. Nhưng đây không phải ngân hàng. Đây là một câu lạc bộ của các quý bà”, Wulan giải thích.

Hoạt động này đang được xem như một phần đặc biệt trong văn hóa của người Indonesia, nhất là đối với những người thuộc tầng lớp siêu giàu. Wulan và một số bạn bè cô đều là thành viên của ít nhất bốn câu lạc bộ dạng này. Thành viên mới có thể sẽ phải đóng khoản tiền rất lớn mới được gia nhập.

“Mỗi tháng bạn đóng bao nhiêu tiền cũng được, từ một triệu đến khoảng 100 triệu rupiah. Nghĩ mà xem, người nào thắng cuộc thì nhận được tới 100.000 USD mỗi tháng”, Wulan nở nụ cười xinh đẹp.

Số tiền trên có thể xem là cả một tài sản lớn ở Indonesia bởi mức lương tối thiểu hiện thời người dân ở đây chỉ khoảng 250 USD mỗi tháng. Xuất thân từ tầng lớp giàu có, việc tiêu tiền như vậy đối với nhóm phụ nữ này không phải là xa xỉ mà xem như điều hiển nhiên.

Trong buổi từ thiện, họ dùng điện thoại tự chụp ảnh với nhau. Một vài người khác trang điểm trong khi đám trẻ mồ côi ngơ ngác nhìn. Tất cả bọn họ đều có chung một điểm là ăn mặc rất đẹp, đi giày cao gót và đeo những chiếc túi hàng hiệu.

Những người có nhiều mối quan hệ trong xã hội thường dùng các loại túi hợp mốt với giá trị lên tới hàng chục ngàn đôla. Niềm đam mê dành cho các loại hàng hiệu này đang là yếu tố để hỗ trợ phát triển kinh tế Indonesia.

Dini Indra – Giám đốc điều hành Butterfly Republic, một đơn vị chuyên mua, bán và cho thuê hàng hiệu tại Jakarta cho biết mỗi chiếc túi cô bán có giá dao động 1.000-50.000 USD. Các quý bà, quý cô luôn sẵn lòng chi trả để sở hữu chiếc túi Hermes, Chanel hay Louis Vuittons.

Dini Indra bên những chiếc túi hàng hiệu. Ảnh: BBC

“Điều này nghe thật lố bịch nhưng sự lãng phí như vậy đang tồn tại ở Indonesia. Một chiếc túi xách hàng hiệu không chỉ đơn thuần là phụ kiện sang trọng, nó còn là biểu tượng của địa vị xã hội”, Dini đánh giá.

Mức giá này hoàn toàn có thể giúp mua một chiếc ôtô hoặc ngôi nhà tươm tất ở thủ đô. “Nghe thì thật phi lý, nhất là về lý do tại sao họ lại muốn dùng tiền như thế. Dẫu vậy, nó cũng tốt cho chuyện kinh doanh của tôi”, Dini nói thêm.

Tầng lớp giàu có mới xuất hiện ở Indonesia đang là nhân tố tích cực cho nhiều lĩnh vực kinh doanh, trong đó có cả hãng xe thể thao nổi tiếng Lamborghini.

Mở cửa tại Indonesia từ năm 2009, hiện quốc gia này là thị trường lớn thứ ba trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương của hãng. Johnson Yatonaga – chủ một showroom Lamborghini nhận định việc duy trì phong cách sành điệu là điều giới trẻ rất chú trọng.

“Và việc sở hữu chiếc xe hơi đắt tiền đã trở thành xu thế cho nhóm người này. Một khi đã tham gia, bạn sẽ luôn phải đi theo xu thế”, Johnson Yatonaga nhấn mạnh.

Đối lập với cuộc sống xa hoa, Indonesia vẫn tồn tại rất nhiều hoàn cảnh khó khăn trong những khu nhà ổ chuột gần đường tàu và chỉ cách cửa hàng đồ hiệu của Dini Indra vài km. Một trong số này có gia đình của Rohma. Hiện cô sống cùng chồng và 7 đứa con. Trị giá chiếc túi rẻ nhất trong cửa hàng của Dini có thể giúp gia đình Rohma thanh toán tiền thuê nhà tới một năm.

Gia đình Rohma là bức tranh đối lập với sự xa hoa của giới siêu giàu Indonesia. Ảnh: BBC

Từ khu nhà ổ chuột, Rohma có thể nhìn thấy những chiếc xe hơi sang trọng hay ngôi nhà lộng lẫy. Mỗi lần như vậy, cô nghĩ họ đang ở một hành tinh khác còn mình ngồi giữa thực tại với bảy miệng ăn trong gia đình.

“Chồng tôi từng là tài xế taxi nhưng bây giờ anh ấy chỉ làm phụ hồ”, Rohma nói trong lúc đưa nôi cho đứa cháu gái mới một tháng tuổi. Cô bày tỏ sự mệt mỏi khi làm phụ nữ và phải chăm nuôi quá nhiều người.

“Tôi không thể thấy tương lai tốt đẹp nào đang chờ đợi phía trước khi chồng chỉ kiếm được ít tiền, công việc lại không ổn định. Gia đình cứ phải lo chạy bữa ăn từng ngày. Tôi thực sự rất mệt mỏi”, Rohma bày tỏ.

Cuộc sống bên đường tàu như gia đình Rohma không phải hiếm ở Indonesia. Khoảng hai phần ba dân số quốc gia này đang sống với mức 2 USD mỗi ngày. Thứ hạng giới siêu giàu Indonesia được nâng lên bao nhiêu, khoảng cách giàu nghèo trong nước lại tăng lên bấy nhiêu.

Tường Vi (theo BBC)

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]