Kiểm soát an toàn thực phẩm cho rau

Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm đang góp phần giúp rau Lâm Đồng được kiểm soát chặt chẽ hơn ngay từ nơi sản xuất.

15.592
Kiểm tra lấy mẫu nông sản tại Hợp tác xã Anh Đào

Với sản lượng 1,4 triệu tấn rau thu hoạch trên diện tích 45.000 ha tại Lâm Đồng mỗi năm, chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm của Canada đang góp phần đưa rau Lâm Đồng được kiểm soát chặt chẽ hơn ngay từ nơi sản xuất, kinh doanh để đảm bảo an toàn hơn trước khi đến với người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Văn Lục, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, chương trình thử nghiệm hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm do Canada tài trợ đang được thực hiện tại 2 địa phương trong toàn quốc, trong đó, đối với Lâm Đồng là ngành hàng rau. Mục tiêu của chương trình này nhằm đánh giá tồn dư hoá chất, kim loại nặng và ô nhiễm vi sinh trên rau tươi cũng như các điều kiện về an toàn thực phẩm đang áp dụng, từ đó cảnh báo và đề xuất các giải pháp để giảm nguy cơ ô nhiễm.

Những hoạt động chính của chương trình đó là giám sát, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành… được thực hiện quy củ. Từ đấy đã tập trung lấy mẫu tại 3 vùng rau trọng điểm là Đà Lạt, Đức Trọng và Đơn Dương với tổng số 305 mẫu, trong đó số mẫu tại vùng sản xuất rau lớn nhất là Đơn Dương với 140 mẫu. Các loại rau phổ biến như: bắp cải, cải thảo, đậu đỗ, hành lá, cà chua… được tập trung kiểm soát. Trong một buổi lấy mẫu mới đây tại Hợp tác xã Anh Đào (thành phố Đà Lạt), cán bộ và nhân viên đến từ nhiều đơn vị như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Nông nghiệp, Sở Y tế, Sở Công thương… đã lấy những mẫu cải thảo với sự hướng dẫn của nhiều chuyên gia Trung ương và địa phương. Sau khi thao tác lấy mẫu hoàn chỉnh, các mẫu sẽ được gửi đi phân tích tại Phòng Kiểm nghiệm Trung tâm kỹ thuật 3 (Quatest). Kết quả phân tích sẽ được cảnh báo tới các bên liên quan nhằm điều tra nguyên nhân và khắc phục. Nếu phát hiện lần đầu, cơ sở có mẫu không đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ bị cảnh cáo, yêu cầu phối hợp để truy xuất nguồn gốc, khắc phục và tiếp tục được lấy mẫu. Nếu tiếp tục tái phạm không đảm bảo, cơ quan thanh tra sẽ điều tra thực tế, lấy mẫu kiểm tra tăng cường và xử lý theo quy định nếu mẫu tăng cường có vi phạm.

Cùng với hoạt động lấy mẫu, hội thảo về rau an toàn đã được tổ chức tại Đà Lạt với sự tham gia của 50 cơ sở thu gom rau trên địa bàn Lâm Đồng. Ông Bùi Văn Minh, đại diện Ban Quản lý dự án xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm cho rằng việc tổ chức hội thảo góp phần củng cố ý thức và kỹ năng của các cơ sở thu gom nhằm đưa rau an toàn ra thị trường. Sau khi chương trình này kết thúc quá trình thử nghiệm vào tháng 3 năm 2013, những kinh nghiệm rút ra sẽ là cơ sở để chuyển giao lại cho tỉnh Lâm Đồng áp dụng. Nếu phù hợp, chương trình sẽ mở rộng chọn một số xã tại các địa phương khác thực hiện những nội dung này.

Trước đó, từ năm 2010, dự án xây dựng và kiểm soát nông sản thực phẩm đã tài trợ cho 3 mô hình, gồm: Hợp tác xã Anh Đào, Trang trại Phong Thuý, Doanh nghiệp Phú Sỹ Nông. Dự án hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp tốt VIETGAP; trực tiếp đi thực tế tại các cơ sở sản xuất ở Canada, tài trợ kinh phí để nâng cấp cơ sở sản xuất như: xây kho, cải tạo đồng ruộng, nơi chứa rác thải, nâng cấp xưởng sản xuất; đầu tư kệ kê hàng hoá, xe kéo hàng hoá; hỗ trợ lấy mẫu đất, nước để phân tích. Sau khi tỉnh Lâm Đồng thực hiện quy hoạch sản xuất rau an toàn, chè an toàn, những hoạt động thực tế để có sản phẩm an toàn đang được đẩy mạnh hướng đến mục tiêu sản xuất và kinh doanh nông sản sạch.

AloBacsi.vn
Theo báo Lâm Đồng

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]