Thực phẩm không an toàn: Khó kiểm soát

Gần đây, những cảnh báo về chất lượng hàng thực phẩm Trung Quốc liên tục được thông tin, nhưng tại thị trường Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác vẫn tràn ngập. Điều đáng lo ngại là những thực phẩm đó đều chưa được giám sát về chất lượng.

15.6238

Tràn lan thực phẩm không an toàn

CôngThương - Tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội), nhiều mặt hàng như: Bánh kẹo, nấm, măng khô, hạnh nhân, gia vị chỉ được đóng trong các bao tải, không nhãn mác và cứ thế, người bán xả ra cân ký, đóng bịch bán cho khách. Theo các chủ cửa hàng, phần lớn những thực phẩm khô này được nhập từ Trung Quốc dưới dạng đóng thùng carton hoặc bao tải nên không có bao bì, nhãn mác, hạn sử dụng…

Sức hấp dẫn của các loại hàng này là luôn dồi dào, mẫu mã đẹp (ví dụ nấm đông cô to đều, nấu nhanh chín, tai nấm mềm) và để bao lâu cũng được. Một trong những mặt hàng Trung Quốc đang “làm mưa làm gió” trên thị trường là các loại bánh kẹo giá bình dân, siêu rẻ, không nguồn gốc, xuất xứ. Trong đó, nhiều nhất là sô-côla, kẹo viên vitamin, kẹo dẻo màu sắc sặc sỡ đựng trong những thanh kiếm, đao, hộp quẹt gas… bằng nhựa để trẻ em sau khi ăn hết kẹo có thể sử dụng làm đồ chơi.

Không chỉ riêng ở chợ Đồng Xuân, mà ở những chợ khác trên địa bàn Hà Nội như Hà Đông, Cầu Mới, Long Biên, Đồng Xa, Nghĩa Tân… hoặc các chợ Bình Tây, Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh), thực phẩm khô cũng được bày bán tương tự, không đóng gói, không nhãn mác… và rất mất vệ sinh.

Mới đây, Phòng Kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu (Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia) xét nghiệm 3 mẫu thực phẩm Trung Quốc là que cay, mực ăn liền và thịt hổ nhưng không thể phát hiện 3 sản phẩm này được làm từ chất gì, chế biến từ nguyên liệu nào.

Theo ông Nguyễn Việt Cường - Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là công việc phức tạp, đòi hỏi sự tham gia của nhiều lực lượng chức năng, nòng cốt là ngành Y tế, Công Thương và chính quyền các địa phương. Về nguyên tắc, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác theo quy định không được phép lưu thông trên thị trường, buộc phải thu hồi để tiêu hủy. Các cơ sở buôn bán, sử dụng loại thực phẩm đó sẽ bị xử phạt vì vi phạm các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm theo Điều 15, Nghị định 45/NĐ-CP ngày 6/4/2005 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Ông Đặng Văn Đức - Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP.Hồ Chí Minh – chia sẻ, chi cục thường xuyên tổ chức kiểm tra, nhất là hàng thực phẩm chế biến có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, nhưng những mặt hàng thực phẩm Trung Quốc không phải là hàng cấm. Dù hàng bày bán tại các sạp không có bao bì hoặc nhãn phụ nhưng khi kiểm tra, người bán chứng minh được hàng chứa trong bao bì lớn đều có nhãn phụ cũng như có hóa đơn, chứng từ. Còn vấn đề chất lượng hàng hóa có bảo đảm an toàn cho người sử dụng hay không phải nhờ đến ngành Y tế. Nếu ngành Y tế nghi ngờ, lấy mẫu xét nghiệm và thông báo mặt hàng đó không bảo đảm an toàn thì cơ quan QLTT sẽ vào cuộc kiểm tra, xử lý ngay...

Bên cạnh đó, việc cơ quan chức năng chậm ban hành những quy định chặt chẽ về hành lang pháp lý, hàng rào kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm đối với hàng nhập khẩu (chủ yếu dựa vào công bố chất lượng và giấy tờ chứng nhận của phía bán hàng để chấp nhận cho lưu thông) cũng tạo điều kiện cho hàng lậu, hàng kém chất lượng tràn ngập thị trường.

Duy Anh

baocongthuong.com.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]