Làm sao để chọn ngành dự thi phù hợp?

Câu hỏi này gần đây được gặp thường xuyên, đặc biệt ở các kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ, bởi lý do quan trọng là hoạt động hướng nghiệp ở các trường chưa thật đồng bộ, chưa đáp ứng mong đợi của học sinh.

15.6014
  • 1
    Chọn ngành hay chọn nghề?
    Bắt đầu từ tìm hiểu về nghề nghiệp, cơ hội, thách thức cũng như yêu cầu của từng vị trí nghề nghiệp để từ đó học sinh xác định mình thích nghề nào, tính cách, giá trị và kỹ năng của mình có phù hợp với lĩnh vực nghề nghiệp đó hay không. Sau đó mới đến việc tìm xem để làm nghề đó thì nên học ngành nào và ngành đó có ở những trường nào, điều kiện tuyển sinh ra sao? Với cách định hướng như thế, học sinh sẽ có thời gian rất dài để được tiếp cận tìm hiểu kỹ về nghề nghiệp. Có yêu nghề, học sinh mới có quyết tâm phấn đấu, khả năng thích nghi cao với những yêu cầu ngày càng cao về nghề nghiệp.
    Và xin được dẫn câu nói của ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen về triết lý sử dụng nhân sự để minh chứng tầm quan trọng của việc xác định tính cách, giá trị, kỹ năng của từng cá nhân khi chọn nghề nghiệp: "Nhân sự được tuyển dụng phải có tính trung thực, có đạo đức, có tinh thần cống hiến và có tố chất lãnh đạo, khả năng sáng tạo, khả năng tạo được sự đồng thuận, khả năng chịu được áp lực; khả năng thích nghi nhanh với mọi thách thức và thay đổi, kế đó là các tiêu chí về kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp".
  • 2
    Tìm hiểu nơi đào tạo
    Ngoài ra, học sinh cần tìm hiểu về nơi đào tạo để xem nên học ngành nào có thể ra trường làm nghề mình thích và đào tạo ở trình độ nào? Điều kiện tuyển sinh và học phí ra sao? Hiện nay, với trên 300 trường ĐH-CĐ, học viện và trên 500 cơ sở đào tạo TCCN (bao gồm trường TCCN và các trường CĐ, ĐH có tham gia đào tạo TCCN) thì việc tìm hiểu về các cơ sở này đòi hỏi phải có công cụ công nghệ thông tin hỗ trợ.
    Việc này, học sinh có thể tìm hiểu tại cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT hoặc cổng thông tin đào tạo đại học của ĐH Quốc gia TP.HCM (aad.vnuhcm.edu.vn) để xác định tính cách, giá trị và kỹ năng của mình phù hợp với lĩnh vực nghề nghiệp nào, hoặc tìm hiểu các trang báo điện tử hoặc truy cập vào website của các trường ĐH-CĐ. Và bạn cũng đừng bỏ qua các buổi tư vấn tổ chức qua truyền hình, cộng đồng ví dụ như chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên sắp diễn ra.
  • 3
    Phải hiểu chính bản thân mình
    Hiểu chính bản thân mình, nghĩa là bạn cần biết bạn sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp THPT, bằng cách tự trả lời các câu hỏi như: Mình quan tâm đến nghề nào và tại sao? Bạn dự định sẽ làm gì để theo đuổi nghề mình yêu thích? Sở thích nghề nghiệp của mình phù hợp với những ngành nghề nào? Và năng lực học tập, hoàn cảnh cá nhân có phù hợp ngành nghề dự định hay không?
    Bạn có thể sử dụng những công cụ để tự khám phá sở thích nghề nghiệp, năng lực học tập để chọn ngành phù hợp với sở thích nghề nghiệp và sức học của mình, có thể tham khảo tại website: aad.vnuhcm.edu.vn. Nếu vẫn còn lưỡng lự thì bạn có thể gặp chuyên gia để được tư vấn chuyên sâu. Tuy nhiên, bạn đừng quên chuyên gia rất gần gũi với mình đó chính là gia đình, thầy cô, bạn bè.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]