Hình ảnh một chú trâu máu me đầm đìa bị những thanh niên trai tráng cầm búa đập vào đầu cho đến chết đã khiến một số người cho rằng những hình ảnh này không nên tồn tại ở một lễ hội văn hóa và cho rằng nên dẹp bỏ hoặc thay thế vật tế.
Tuy nhiên, trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Folklore châu Á cho biết: "Lễ hội tại Việt Nam là một lễ hội đậm nét văn hóa truyền thống, không có bất kỳ lễ hội nào bị coi là dã man hay ghê sợ cả. Vì người dân không hiểu ngọn ngành phong tục tập quán của từng vùng, từng nơi mới đưa ra những lời nhận xét như vậy".


Hình ảnh trong lễ Cầu Trâu tại xã Hương Nha, Tam Nông, Phú Thọ
Ở Việt Nam có rất nhiều các lễ hội hiến tế như lễ hội đâm trâu lễ hội cầu trâu, lễ hội chém lợn.... Những hình ảnh máu me của các con vật được cho là may mắn nhưng đối với những người khác thì lại cho rằng đó là những hình ảnh phản cảm và ghê sợ. Họ lên tiếng cho rằng những tục lệ hoặc những lễ hội này nên thay thế các con vật cúng thần linh bằng nhiều cách khác. Mặc dù đã có các ý kiến phản đối, nhưng các địa phương lại khẳng định đó là những bản sắc văn hóa, không thể xóa bỏ.
Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho biết, mới đây ông đã đọc được ý kiến của PGS. TS xã hội học Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học) cho rằng những hình ảnh trong lễ hội như đâm trâu, tế trâu hay chém lợn khá dã man và phản cảm, nếu những người chưa đủ trưởng thành chứng kiến sẽ bị tác động tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội.
Tuy nhiên, giáo sư Thịnh cũng khẳng định những người ngoài, những người dân đi xem hội từ các vùng miền khác cho rằng những hình ảnh đó rất ghê sợ, nhưng người dân và những người thực hiện nghi lễ đó không cho là vậy. Họ đang thực hiện những điều tốt đẹp để cầu mong một năm làm ăn thuận lợi, vụ mùa bội thu, họ coi những hình ảnh đó là sự may mắn đầu năm. Trước khi họ "giáng búa" xuống đầu con trâu trong lễ hội Cầu Trâu ở Phú Thọ, họ đã đưa con trâu đi tắm rửa, họ tế lễ và cầu khấn thành tâm. Đối với họ, về tín ngưỡng tâm linh đó đã làm an lòng, coi như sự chấp thuận của tâm linh ở mặt văn hóa là vô cùng tốt đẹp chứ không hề mang nét man rợ, cổ xưa.


Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Folklore châu Á
 "Lễ hội tại Việt Nam là một lễ hội đậm nét văn hóa truyền thống, không có bất kỳ lễ hội nào bị coi là dã man hay ghê sợ cả. Vì người dân không hiểu ngọn ngành phong tục tập quán của từng vùng, từng nơi mới đưa ra những lời nhận xét như vậy. Nếu mọi người khẳng định những hình ảnh này cho rằng đó là "dã man" hay "ghê sợ" thì đừng nhìn vào đó và tôi cũng chưa thấy có tài liệu nào khẳng định những hình ảnh tế trâu hay chém lợn đó ảnh hưởng đến nhân cách con người, làm gia tăng sự bạo lực của con người cả." - giáo sư Thịnh khẳng định.
Những lễ hội văn hóa mang tính chất dân gian phổ biến, thể hiện đúng bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt ở từng vùng, miền. Chính những lễ hội này đã đóng góp cho kho tàng văn hóa của Việt Nam và của cả nhân loại thêm phần phong phú và đặc sắc. Chính vì vậy, những hình ảnh đó đầu năm mang lại sự may mắn cho toàn dân trong vùng đó, chứ không thể hiện sự "dã man" như mọi người khẳng định. Hơn nữa, bản chất cụ thể của từng lễ hội đều mang tâm lý ổn định và bình an cho mọi người, chính vì thế những hình ảnh người ngoài cho là "ghê sợ" thì với bản thân người dân trong vùng thực hiện nghi thức lại coi đó là sự may mắn, bình an khi con vật bị tế lễ được sự chấp thuận của thần linh, mang lại điều may mắn.
"Đây là lễ hội truyền thống với nhiều nghi thức được gìn giữ. Việctổ chức lễ hội Cầu Trâu hàng nămkhông có gì là phản cảm bởi đó là một phần của truyền thống văn hóa được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Chúng tôi sẽ vẫn gìn giữ và tổ chức theo nghi lễ cổ xưa và tôi rất tự hào, háo hức khi được tham gia vào lễ hội của làng mình” - Ông Cao Xuân Trường, Cán bộ văn hóa xã Hương Nha, Tam Nông, Phú Thọ khẳng định.
Dạ Thảo