23 tháng chạp âm lịch hằng năm là ngày cúng Táo Quân, hay còn gọi là Táo Công (hai ông, một bà), vua Bếp. Ngày này, mọi gia đình đều sắm sửa một mâm cổ bên cạnh đó còn có cá chép để thần Táo cởi về trời báo cáo Ngọc Hoàng mọi sự tốt lành, hay dở... trong một năm qua.

Trong mỗi gia đình đều có vị thần bếp hay còn gọi là thần Táo Quân trông nom cuộc sống. Theo quan niệm, thần Táo Quân bao gồm ba vị định đoạt phước đức cho gia đình. Đó là hai Táo ông và một Táo bà. Theo đó, mọi phước đức dày hay mỏng mà gia chủ có được là do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà như thế nào.

Hình ảnh tam công (hai ông, một bà) - Ảnh Tư liệu

Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Hồng Kông nhưng được Việt hóa thành huyền tích “2 ông 1 bà” – vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc.

Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo do kết quả của thuyết tam vị nhất thể (thuyết Ba ngôi) khá phổ biến trong các tín ngưỡng, tôn giáo. Bếp là bản nguyên của nhà khi người nguyên thủy có lửa và đều dựa trên nền móng là đất. 

Bếp tạo thế từ kiềng ba chân đã đi vào ca dao "Dù ai nói ngả nói nghiêng. Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân". Trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung có ý lấy "kiềng ba chân" của chiếc bếp để làm thế "chân vạc" ba nước Ngụy, Thục, Ngô.

Sự tích Táo Quân

Theo truyền thuyết thì có người tên là Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con nên sinh ra buồn phiền hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá nên đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, chàng nghĩ lại thấy mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ.

Khi đi tìm, vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin. Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.


Bộ đồ cúng Táo quân - Ảnh tư liệu 

Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo. Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.

Ngọc Hoàng trên cao cảm động trước mối chân tình của cả ba người, (2 ông, 1 bà) và cũng cảm thương cái chết trong lửa nóng của họ, Ngài cho phép họ được ở bên nhau mãi mãi bèn cho ba người hóa thành chiếc kiềng ba chân ở nơi nhà bếp của người Việt ngày xưa.

Từ đó, ba người ấy được phong chức Táo Quân, trông coi và giữ lửa cho mọi gia đình. Đồng thời có nhiệm vụ trông nom mọi việc lành dữ, phẩm hạnh của con người. Táo Quân hay còn gọi là Táo Công là vị thần bảo vệ cho cuộc sống gia đình, thường được thờ ở nơi nhà bếp, cho nên còn được gọi là vua bếp.


Lễ cúng Táo quân - Ảnh tư liệu 

Ngày nay, bàn thờ của Táo Quân thường được đặt gần bếp, trên có bài vị thờ viết bằng chữ Hán. Bài vị thờ vua bếp thường được ghi vắn tắt là "Định phúc Táo Quân" nghĩa là thần định mọi sự hạnh phúc. Vào các ngày như rằm, mùng một hay các lễ Tết trong năm, các gia đình vẫn dâng lễ để cúng Táo Quân. Song dịp lễ long trọng nhất dành riêng cho Táo Quân chính là ngày 23 tháng chạp hàng năm.

Sau một tuần về báo cáo Ngọc Hoàng, ngày 30 Tết thần Táo trở lại trần gian để tiếp tục việc chăm nom hưng thịnh của mỗi gia đình.

Lễ vật và bài cúng

Lễ vật bao gồm: Một mâm cỗ mặn hoặc cỗ chay, bánh kẹo, trầu cau, rượu, hương thơm, hoa quả, ba bộ mũ áo, hia hài Táo Quân cùng vàng nén và ba con cá chép sống để Táo Quân cưỡi bay lên trời, sau đó phóng sinh.


Cá chép để ông Táo cởi về trời - Ảnh tư liệu 

Mâm cúng ông Táo nên được đặt ở trong bếp với các món cơ bản sau:

1 đĩa gạo;

1 đĩa muối;

5 lạng thịt vai luộc;

1 bát canh măng;

1 đĩa xào thập cẩm;

1 đĩa giò;

1 con cá chép rán (hoặc cá chép sống);

1 đĩa xôi gấc, 1 đĩa hoa quả;

3 chén rượu;

1 quả cau, lá trầu;

1 lọ hoa cúc;

1 tập giấy tiền, vàng mã.


Hình ảnh minh họa ông Táo cởi cá chép về trời 

Lễ cúng thường diễn ra trước 12h trưa, sau khi cúng xong, người ta sẽ hóa vàng (đốt) đồ lễ, nếu có cá sống thì sẽ đem thả xuống sông, hồ, biển hay giếng nước, tùy theo khu vực họ sinh sống.

Theo nhóm tác giả PGS Lê Trung Vũ, Lê Huỳnh Lý, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Dương, Lưu Kiếm Thanh, Hồ Tường trong Nghi lễ vòng đời người, viết: “Lễ Táo Quân, còn gọi chạp ông Công, mà người Việt có tên gọi là ông Táo, vua Bếp, ông Công, Đông thần, Đông tài v.v…vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm. Với ý nghĩa cúng tiễn ông Táo về Trời có thể nói đây là lễ nghi tống cựu. Người Trung Hoa gọi ngày này là “Tiểu Tết”… đây cũng là nghi thức tạm gọi là khai Tết đáng giữ gìn vì nó nhắc nhở cho mọi người nhiều điều là cả năm ăn ở sao cho có phúc đức để năm sau, đời sau có phúc lộc nhiều hơn. Ngoài ra, lễ tiết này có ý nghĩa là cần trân trọng cội nguồn cuộc sống là thần Lửa v.v…


Bàn thờ Táo quân luôn có bài vị, ba chai/lọ gạo, nước, muối

Sắm cho ông Táo lễ bộ đầy đủ: áo mão và đôi hia vàng mã, cùng con cá chép sống nguyên để trong bát nước bày lên bàn thờ, sau khi cúng xong thì vàng mã đốt đi, cá đem ra bỏ sông hồ… Có nơi cúng cả mật ong và bánh nếp hằng mong ngài sẽ “báo cáo” ngọt ngào hơn khi yết kiến Ngọc Hoàng.

Văn khấn ông Táo lên chầu trời

(23 tháng chạp)

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương

Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Tín chủ (chúng) con là: …

Ngụ tại: ...

Hôm nay ngày 23 tháng chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái. Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.

Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm. Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai giá, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.

Chúng con lễ bạn tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Chú ý: Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để cá trở ông Táo lên chầu trời.

(TheoVăn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin)


N.Tý (Tổng hợp)

Video đang được xem nhiều