Chuẩn bị đồ cúng ông Công ông Táo đúng cách

(VietQ.vn) - Theo phong tục cổ truyền Việt Nam, ngày 23 tháng Chạp, Táo Quân lên trời báo cáo Ngọc Hoàng những điều xảy ra trong gia đình năm qua, cho nên vào ngày này, mọi người đều thành tâm sắm sửa lễ để tiễn ông Công, ông Táo.

15.5981

Việc chuẩn bị đồ cúng ông Công ông Táo tùy thuộc vào phong tục của từng vùng miền, hoàn cảnh của từng gia đình. Mâm cỗ không cần cầu kỳ nhưng cần sự trang trọng, chu đáo, thể hiện tấm lòng thành của gia chủ trước bàn thờ vị thần cai quản đất đai và vị thần cai quản bếp núc.

Trao đổi với PV Kiến Thức, Đại đức Thích Giác Nguyện (Nam Định) cho biết: “Phương tiện để Táo Quân lên trời là cá chép vàng. Tết ông Công ông Táo làm to nhỏ, chay hay mặn tùy khả năng mỗi gia đình nhưng dứt khoát phải có bộ mã Táo Quân mới".

Vào 23 tháng Chạp hàng năm, người dân Việt Nam tất bật chuẩn bị đồ cúng ông Công, ông Táo

Về việc sắm lễ tại tư gia, theo Đại đức Thích Giác Nguyện, mỗi gia đình cần sắm lễ bao gồm: Một mâm cỗ mặn hoặc cỗ chay, bánh kẹo, trầu cau, rượu, hương thơm, hoa quả, ba bộ mũ áo, hia hài Táo Quân cùng vàng nén và ba con cá chép sống để Táo Quân cưỡi bay lên trời. Việc sắm lễ này phải đầy đủ và chu đáo, tuy nhiên phải tránh lãng phí tiền bạc và không nhất thiết phải mua sắm nhiều lễ, đặc biệt là mua vàng mã. Mọi việc là do thành tâm, chứ không phải do mâm cao cỗ đầy mới tỏ lòng thành của con cháu.

Ba bộ mũ áo, hia (hài) Táo Quân cùng một số thoi vàng bằng giấy. Người ta thường mua hai mũ Ông Táo có hai cánh chuồn và một mũ dành cho Táo Bà không có cánh chuồn. Để giản tiện, cũng có khi người ta chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) lại kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy... Những đồ "vàng mã" này sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ. Sau đó lập bài vị mới cho Táo Công.

Lễ cúng thường diễn ra trước 12h trưa, sau khi cúng xong, người ta sẽ hóa vàng đồ lễ

Cá chép sống, ngụ ý "cá hóa long" nghĩa là cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời. Theo tục xưa, những nhà có trẻ con còn cúng thêm một con gà luộc. Gà này phải là loại gà cồ mới tập gáy (gà chống choai) để ngụ ý nhờ Táo Quân xin với Ngọc Hoàng Thượng đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ vậy. Mâm cúng ông Táo thường được đặt ở trong bếp, khi cúng nên nổi lửa trên bếp.

Lễ cúng thường diễn ra trước 12h trưa, sau khi cúng xong, người ta sẽ hóa vàng đồ lễ, cá chép sẽ được "phóng sinh" thả ra ao hồ hay sông sau khi cúng. Vào các ngày như Rằm, mùng một hay các lễ Tết trong năm, các gia đình vẫn dâng lễ để cúng Táo Quân. Song dịp lễ long trọng nhất dành riêng cho Táo Quân chính là ngày 23 tháng Chạp hàng năm.

Hải Nguyễn

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]