Gần 20 em của lớp học này đều bị bệnh suy thận mạn, gia đình nghèo lại ở xa, phải chạy thận mỗi tuần từ 2 đến 3 lần, từ năm này qua năm khác. Bệnh viện Nhi đồng 2 mở lớp học này từ  năm 2009, để các em biết chữ và cũng là một liệu pháp chữa bệnh.
 Nguyễn Mai Thanh Tùng điều trị được 3 năm, nhà nghèo và xin đóng 20% viện phí. Ảnh: Vinh Ngô
 Tùng mắc cỡ khi chụp hình. Ảnh: Vinh Ngô

Một cơn đau đến với Tùng bất chợt. Ảnh: Vinh Ngô

 Và khi mệt thì học trò có thể nằm nghỉ. Tùng nằm nghỉ nhưng vẫn hướng về các bạn trong lớp. Ảnh: Vinh Ngô

Nguyễn Hoàng Bi, quê Kiên Giang, đã chạy thận và ở đây 6 năm, lớn nhất lớp. Vì tuần sau xuất viện do đã 16 tuổi, hết là nhi đồng, Bi đã biết viết và viết mấy trang nhật ký gởi lại các bác sĩ, gởi lại "ngôi nhà của mình". Ảnh: Vinh Ngô

Một em do chịu những cơn đau sau những lần chạy thận đã tự bứt tóc mình. Ảnh: Vinh Ngô

Gương mặt sần sùi của em Nguyễn Hoàng Thái, bạn mới tại lớp học, sau những lần chạy thận. Ảnh: Vinh Ngô

Những vết thương trên tay khiến các em rất ngứa, khó chịu. Ảnh: Vinh Ngô

"Con có thể viết cho ngoại"

Mỗi ngày lớp học 2 buổi, sáng và chiều. Dựa theo trình độ, các em được chia thành nhiều nhóm học.

Không khí của một buổi học rất nhộn nhịp, nhóm thì tập đồ, nhóm thì tập tô màu, nhóm thì tập làm toán, nhóm thì làm văn…

Cứ mỗi nhóm học, cô giáo ra bài, các nhóm tự làm, làm xong cô giáo sửa bài và gọi từng em lên bảng làm lại.

“Phần lớn các em đều bị suy thận mạn giai đoạn cuối, nhiều em đã biến chứng sang viêm gan, trí nhớ rất kém, có em bị đãng trí, đồ dùng học tập để một nơi đi tìm một ngả. Tôi chỉ cố gắng dạy đi dạy lại, các em nhớ được bao nhiêu thì mừng bấy nhiêu”, cô Phạm Thị Rành, giáo viên phụ trách lớp, nói.

Những lần viết sai lỗi chính tả, cô giáo Rành chỉ đề nghị các em chép đi chép lại nhiều lần để nhớ, chứ không cho các em điểm 0 hay điểm 1, vì theo cô làm như thế các em sẽ bị tổn thương và mất ý chí.

Cậu bé Nguyển Ngọc Hải, 9 tuổi, quê ở Cần Đước, Long An, chưa biết mặt cha, mẹ của mình, chỉ sống với bà ngoại rồi bị bệnh suy thận mạn, bà ngoại đưa em vào đây chạy thận và học chữ.

Hải khoe: “Con học chữ được 2 năm rồi đó, giờ con đã có thể viết thư cho ngoại kể về những gì con đã học ở lớp này”. 

 Hải có thể viết thư cho ngoại kể về lớp học này. Ảnh: Vinh Ngô
Nhưng Hải nhát lắm, Hải hay ngồi một mình. Ảnh: Vinh Ngô
 "Cô thương tụi con lắm"

Trên tay Nguyễn Anh Tuấn, 9 tuổi, quê Đắc Lắc, đầy những vết lồi lõm, sau 3 năm chạy thận, giờ sức khỏe yếu nhưng em vẫn muốn được đến lớp để không chỉ học chữ mà còn gặp gỡ bạn bè, cô giáo cho vơi đi nỗi buồn bệnh tật.

Tuấn nói: “Cô Rành thương tụi con lắm, tụi con học mà thèm ăn món gì là cô mua cho tụi con món đó. Ngày trước tụi con thích ăn cơm gà xối mỡ, trà sữa… thì cô mua những món ăn đó, còn giờ tụi con thích ăn bánh pizza, bánh mì sand wich… thì cô mua thức ăn này, cô hiểu tụi con lắm”.
Cô Rành chỉ cho các em học khoảng 1 giờ là để các em giải lao, nếu không các em dễ bị choáng.
Lớp học cũng được trang bị khá nhiều đồ chơi để trong 30 phút giải lao, các em có thể vẽ tranh, xếp hình, xem phim, nghe nhạc…

Cô trò cùng tạo dáng chụp hình. Ảnh: Vinh Ngô

 Cô trò cùng coi phim trên điện thoại. Ảnh: Vinh Ngô
Để mua sách, vở, bút và cả trò chơi để các em học tập và vui chơi, cô giáo vận động một số người thân quen, bác sĩ và tiền của chính mình.

Những ngày lễ trong năm, khi nhiều đứa trẻ khác được cha, mẹ dẫn đi chơi thì cô giáo Rành tổ chức cho các em một bữa tiệc.

“Có nhiều gì đâu, chỉ vài trăm nghìn đồng là đủ nấu cho các em món lẩu hay món gà nướng với ít trái cây, sữa để các em thưởng thức một bữa ăn ngon. Chỉ bấy nhiêu đó thôi mà các em vui lắm, tôi cũng cảm thấy vui lây”, cô Rành giải thích.

Đối với cô giáo Rành, các em là những trái tim bé nhỏ đang lạnh lẽo, rất cần một vòng tay để sưởi ấm, việc tạo cho các em được học tập, vui chơi cũng chính là sưởi ấm phần nào cái lạnh đó, giúp các em có niềm tin vào cuộc sống, lạc quan hơn với bệnh tật.

Cô giáo Rành là một tình nguyện viên, không lương.
 Các bạn nhỏ cùng lớp học và cô giáo, cùng cơn đau và thầy thuốc, chia sẻ cùng một sảnh lớn bệnh viện và một phần đời. Đó là "gia đình thận máu". Ảnh: Vinh Ngô
Hồ Quang

Ảnh bìa: Cô giáo Phạm Thị Rành tổ chức lớp học để các em vui chơi bên nhau, vơi bớt đau đớn và để biết chữ. Ảnh: Nghĩa Phạm.

Xem thêm: