Lý do bé quên ngồi bô

15.599

Cu Mốc (18 tháng tuổi) nhà Hương dạo này không chịu ngồi bô. Hương kể, chỉ mấy tháng trước kia, Mốc còn ngoan lắm, mỗi lần muốn ‘đi’ là được mẹ tháo bỉm, cho ngồi bô ngay ngắn.

Tuy nhiên, từ ngày bà nội lên trông cháu (do bác giúp việc nghỉ), cả ngày hai bà cháu ở trong điều hòa, cu Mốc có thói quen “tè” lắt nhắt nên bà đóng bỉm cho tiện. Mỗi khi thấy Mốc đứng nghệt một góc rồi căng mặt “rặn” là có dấu hiệu buồn “ị”, bà nội bảo luôn: “Ị luôn ra bỉm, bà thay bỉm luôn”. Thế là cu Mốc ngồi sụp xuống và ị đầy bỉm.

Cứ thế, bây giờ cu Mốc thành quen nếp. Kể cả khi ở nhà, Hương cởi quần, bắt con ngồi bô để tè hay ị là cu cậu nhanh chân chạy đi, chui vào góc để xe máy rồi ngồi xuống ị.

Chán quá, bắt con ngồi bô thì con chỉ chực đứng dậy, đạp đổ bô. Mình nhắc bà rèn cho cháu ngồi bô, đừng để cháu ‘ị’ tự do nữa nhưng bà lại bảo, nó chẳng thèm ngồi đâu. Bao nhiêu công đào tạo của mình lúc trước giờ thành ‘công toi’” – Hương chia sẻ.

Hương đã thử bế con và cho con vệ sinh trong bô nhưng cu Mốc ưỡn người, giãy giụa đòi “thoát” khỏi mẹ. Hương cởi quần, cởi bỉm thì cu con lăng xăng chạy khắp nhà, thích chỗ nào là ngồi ngay xuống chỗ, cho ra “sản phẩm” luôn.

“Bà nội có thói quen trải bỉm bẩn ra sàn rồi bảo cháu ngồi xổm, tè vào đó. Thế nên bây giờ cu con mình quen kiểu tè đó, nhất định không chịu ngồi bô hoặc đứng dậy, tè vào bô” – Hương giải thích.

Đào tạo lại

Với những bé đã quen ngồi bô nhưng vì lý do nào đó mà thói quen này bị đứt quãng thì việc đào tạo lại đòi hỏi cả mẹ bé và các thành viên trong nhà phải kiên trì. Những gợi ý dưới đây sẽ giúp ích cho mẹ:

– Có thể đưa con sang nhà một người bạn của bé rồi cho bé học tập cách ngồi bô của các bé khác. Tâm lý chung của các bé là thích bắt chước nên khi về nhà, có khi bé sẽ đòi được ngồi bô cho giống bạn đó.

– Tập cho bé chơi với một chiếc bô mới bằng cách để nguyên quần áo và cho bé ngồi trên bô. Khi bé đã quen, thử cởi quần của bé rồi hướng dẫn bé ngồi bô khi muốn “đi”. Nếu bé quấy khóc thì phụ huynh tránh tâm lý bắt ép, gây căng thẳng cho con. Nếu đang “giải quyết” giữa chừng mà bé khóc lóc, có thể chuyển qua bế con và “xi” như bình thường. Nhiều người mẹ kiên trì luyện cho bé ngồi bô trong nhiều tháng liên tục thì mới thành công.

– Đặt bô ở gần (trong) nhà vệ sinh, mẹ có thể giả vờ ngồi bô rồi “dụ” bé: “Con có làm được như mẹ không?”. Các bé thường thích được hơn mẹ và được khen ngợi nên những biện pháp kích thích tinh thần “tranh tài” cho con dễ thành công.

– Lên lịch theo dõi xem con hay đi tiêu, đi tiểu vào khoảng thời gian nào để chuẩn bị động viên bé ngồi bô. Nếu mẹ đi vắng, cần giao việc này cho ông bà (hoặc người giúp việc) – người trực tiếp chăm sóc bé. Chuyện đi vệ sinh của bé cũng tương tự chuyện ăn – uống, tắm rửa hàng ngày. Nếu được duy trì vào một khung thời gian cố định thì sẽ tạo cho bé thói quen tốt; đồng thời, còn phòng tránh được táo bón cho con.

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]