Món ăn hay thời khắc?

LTS: Trước nay, hai từ "canh gà" trong câu thơ "Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương" được hiểu một cách phổ cập là thời khắc tiếng gà gáy sang canh.

0
(SKDS) - LTS: Trước nay, hai từ "canh gà" trong câu thơ "Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương" được hiểu một cách phổ cập là thời khắc tiếng gà gáy sang canh. Gần đây, lại có ý kiến cho rằng "canh gà" là món ăn, là một thứ ẩm thực nổi tiếng ở Thọ Xương. Thế nhưng, vừa qua, việc cô giáo Hà Thị Thu Thủy – giáo viên dạy văn Trường THPT Lômônôxôp (Từ Liêm, Hà Nội) chấm điểm cao cho một học sinh lớp 7A10 trong câu "canh gà Thọ Xương" với cách giải thích là món ăn đã bị hàng trăm ý kiến phản hồi dữ dội, đăng trên báo viết và báo mạng khiến cô Thủy suy sụp tinh thần phải làm đơn xin nghỉ dạy. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng bài viết của nhà báo, nhà thơ Đặng Minh Phương.

Trong thơ văn Việt Nam, 4 câu:

Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/Mịt mùng khói tỏa ngàn sương/Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ phổ biến đến mức như là một tác phẩm "dân gian", "vô danh" và đông đảo người đọc đều hiểu "canh gà" là thời khắc. Nhưng vấn đề bỗng trở nên rất "thời sự" vì có nhà nghiên cứu, nhà giáo đã khẳng định "canh gà" ở đây đúng là món canh nấu thịt gà!

Cách giảng giải này bị phản đối mạnh mẽ và hệ lụy của nó đối với người giảng là không nhỏ.

Chúng tôi còn nhớ vào những năm 1960, có nhà trí thức ở miền Nam sang Mỹ thuyết trình về văn học Việt Nam nói "canh gà" là món canh gà đã không bị ít người cho là thiếu hiểu biết.

Kể ra, chữ "canh gà" trong khung cảnh bốn câu thơ trên mà nói là canh thịt gà thì quả là thô thiển. Vậy thực hư thế nào?

Truy tìm nguồn gốc câu thơ, có nhà nghiên cứu cho biết:

Nguyên bản cuốn Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư Tiên sinh Thi tập hiện đang lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A2185 có chép bài thơ có tên là Tối ức Thọ Xương thang (Nhớ nhất canh Thọ Xương) của Dương Khuê. Nguyên bản chữ Hán, đọc theo âm Hán Việt như sau:

Niễu niễu dao phong trúc

Thương thương Trấn Vũ chung

Thọ Xương đa cố cựu

Đồng mãi đốn Kê Khang

Yên tỏa Tây Hồ thủy

Chử kinh yên Thái hương

Hà thành tư mỹ cảnh

Tối nại khách tư hương

Dịch nghĩa:

Gió lay trúc phất phơ

Chuông Trấn Vũ xa thẳm

Quán Thọ Xương nhiều ông bạn cũ

đều đến mua canh gà hầm

Khói sương vây bủa mặt nước Hồ Tây

nhịp chày kinh động làng Yên Thái

Cảnh đẹp này của Hà thành

Khiến khách nhớ nhung nhất.

Phía dưới bài thơ có một dòng chữ nhỏ, chú rằng: "Sau khi bài này làm ra, sĩ phu tranh nhau ngâm tụng. Bà chủ quán Thọ Xương đích thân đến nhà ta xin chữ, song lại cầu ta diễn ra quốc âm ngõ hầu hiểu được trọn nghĩa: Ta liền bỏ hai câu cuối mà diễn lại rằng:

Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương

Mịt mùng khói tỏa ngàn sương

Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ

Xin lưu ý: Dương Khuê viết thơ bằng quốc ân (chữ Nôm), không phải bằng chữ quốc ngữ La tinh. Nguyên văn chữ của cụ là Canh (bát canh, món canh, món cháo nhừ), không phải là canh khuya, canh chầy.

Như vậy, canh gà Thọ Xương là món canh gà chứ không phải tiếng gà, lúc gà gáy.

Rất mong được biết các ý kiến khác làm sáng tỏ thêm.

Đặng Minh Phương

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]