Mua ôtô cho oách thì có làm sao?

(Kiến Thức) - Nếu người dân mua ôtô bằng tiền không phạm pháp thì dù để khoe giàu cũng chẳng sao cả, đó là cái oai, cái oách chính đáng và không ảnh hưởng đến ai.

0
Vừa mới đây, ông Phó Giám đốc Sở Giao thông Hà Nội đã nói trên báo chí rằng, nhiều gia đình không có nhu cầu sử dụng ôtô riêng nhưng vẫn mua gây tốn kém, lãng phí và góp phần làm ùn tắc giao thông.
“Nhiều người mua cho oách”, vị lãnh đạo ngành giao thông Hà Nội phát biểu chắc nịch.
Phát biểu của ông Phó Giám đốc đã ngay lập tức động chạm và nhận phản ứng từ nhiều người đang sở hữu, sử dụng ôtô tại Hà Nội, trong đó có người viết bài này.
Trước tiên, ông Phó Giám đốc dựa vào đâu để nói nhiều người mua ôtô cho oách và phê phán họ, thậm chí còn đòi “cần có chiến dịch tuyên truyền cho người dân hiểu” về vấn đề này?
Ông nói rằng hàng xóm nhà ông mua xe rất đẹp nhưng hai năm mới đi được 10.000km và cho đó là lãng phí. Xin thưa với ông rằng, hai năm đi được một vạn kilomet, tính ra trung bình mỗi ngày xe chạy hơn 13km – một quãng đường không phải quá ngắn. Nếu nói như ông thì chắc mỗi ngày phải chạy xe hàng trăm kilomet thì mới được gọi là có nhu cầu, thì mới được/nên mua ôtô?
Hơn nữa, dù người dân mua ôtô chỉ để phục vụ mỗi ngày chạy quãng đường ngắn đi ăn sáng, đi chợ, đi đón con… thì đó cũng là quyền và nhu cầu cá nhân của người mua xe. Hà cớ gì ông Phó Giám đốc phê phán là “lãng phí”?
 Nếu nhiều người mua ôtô cho oách thì họ đâu tham gia giao thông nhiều để gây tắc đường?! Ảnh: Zing.
Trên thực tế, đúng là có một số người mua ôtô để cho oai, cho oách (như nhận định của ông Phó Giám đốc). Nhưng kể cả trong trường hợp này, nếu người ta mua ôtô bằng tiền không phạm pháp thì dù để khoe giàu cũng chẳng sao cả, đó là cái oai, cái oách chính đáng và không ảnh hưởng đến ai. Với cương vị của mình, thiết nghĩ, vị lãnh đạo ngành giao thông không nên có những nhận định “ngoài chuyên môn” về những người mua xe “cho oách” như  vậy.
Nhiều người phản ứng với ông Phó Giám đốc còn bởi sự mâu thuẫn khôi hài trong lời phát biểu.
Trong khi đang đổ lỗi phương tiện cá nhân, trong đó có ôtô, là nguyên nhân gây tắc đường thì ông Phó Giám đốc lại muốn người dân đã mua xe về thì phải dùng nhiều, chạy nhiều ngoài đường. Nếu không chạy ôtô được hơn 10.000km trong hai năm thì đừng mua xe. Nhưng nếu không đi ôtô thì người dân biết di chuyển bằng xe gì tiện lợi nhất, ngoài xe máy? Mà xe máy cũng là phương tiện cá nhân như ôtô.
Ở đây, có lẽ nhiều người sẽ ngay lập tức gạch tên phương tiện công cộng như xe bus, bởi nó không phù hợp với tất cả người dân và đang trong tình trạng vừa thiếu vừa yếu. Như vậy, không ôtô thì chỉ còn cách đi xe máy.
Hơn nữa, nếu như ông Phó Giám đốc nói, nhiều người mua ôtô cho oách thì họ đâu tham gia lưu thông nhiều mà gây tắc đường.
Nhiều ý kiến thắc mắc, những vị lãnh đạo như ông Phó Giám đốc Sở Giao thông Hà Nội lên báo kêu gọi người dân dùng phương tiện công cộng, rồi “chê bai”, “muốn cấm” người dân mua ôtô, nhưng đã vị nào dám bỏ xe hơi để đi xe bus đến nơi làm việc?
Trong khi người dân nhiều nước trên thế giới đã sở hữu và sử dụng ôtô cá nhân từ nhiều thập kỉ trước, nhiều chỉ số đánh giá mức độ phát triển dựa vào số lượng xe ôtô… thì những phát biểu muốn hạn chế người dân mua sắm ôtô của ông Phó Giám đốc Sở Giao thông Hà Nội rõ ràng là ngược đời, đi ngược lại xu thế phát triển.
Mặc dù hệ thống giao thông nước ta còn nhiều hạn chế, chưa thể đáp ứng được nếu như tất cả người dân dùng ôtô riêng, nhưng đó không phải là lý do để yêu cầu người dân hạn chế mua xe. Giải quyết vấn đề này là trách nhiệm của những lãnh đạo ngành giao thông như ông Phó Giám đốc Sở.
Thiết nghĩ, thay vì phê phán người dân mua ôtô “cho oách” và đổ lỗi đó là nguyên nhân gây tắc đường để muốn hạn chế người dân mua sắm xe hơi – biểu hiện của cuộc sống tiện nghi, văn minh hơn – thì ông Phó Giám đốc nên tập trung vào việc cải thiện tình hình giao thông Thủ đô. Làm được như vậy, người dân có thể thoải mái lưu thông bằng ôtô một cách thuận tiện, và ông Phó Giám đốc có thể lên báo phát biểu “thật oách” về những thành tích mà ngành Giao thông của ông đã làm được. Vậy chẳng phải sẽ tốt hơn sao!

(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]