Muôn kiểu du lịch

Mùa du lịch ở Việt Nam được tính vào mùa hè và dịp sau Tết âm lịch. Lúc đó, mọi cơ quan đoàn thể, mọi gia đình khá giả đều cố “làm một tour”.

15.5902
Lịch "cưỡi ngựa xem hoa"
 
Đầu năm đi lễ, giữa năm đi nghỉ mát. Đó là “truyền thống” của người Việt Nam khi đi du lịch. Nói là đi du lịch, nhưng hầu như những chuyến đi như thế thương chỉ là đi “cưỡi ngựa xem hoa”. Đi để chụp những bức ảnh cá nhân ở nơi mình đến, chứng minh mình đã đến một nơi nào đó.
 
Đi để ở khách sạn và ăn đồ ăn đặt trước. Đi chỉ ngắm cảnh và… đi về. Các hoạt động du lịch như vậy mới giải quyết được một tiêu chí nghỉ dưỡng trong du lịch.
 

Đến khám phá một nông trại cũng là hoạt động du lịch hữu ích.

 
Theo anh Phạm Văn Vượng, quản lý đảo Nam Cát (Cát Bà, Hải Phòng) cho biết: “mùa hè, khách du lịch có nhu cầu đến đảo Nam Cát rất nhiều. Nhưng khách chỉ hỏi dịch vụ ăn nghỉ, xem còn phòng hay hết phòng. Chỉ có khách du lịch nước ngoài mới hỏi những hoạt động khám phá đảo. Hầu hết khách nội địa cũng không có nhu cầu khám phá đảo”.

Ban quản lý vườn quốc gia Cát Bà cũng cho biết: những hoạt động khám phá thiên thiên của vườn quốc gia Cát Bà hầu hết là các đoàn du lịch nước ngoài, rất hiếm khách du lịch nội địa đến vườn quốc gia Cát Bà. Các khu tắm như Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò… được ưa chuộng hơn các hoạt động khám phá.
 
Du lịch để tìm hiểu văn hóa và … phát triển du lịch

Anh Trần Trung Quang, người Hà Nội (có biệt danh là lão đầu trọc) là một người đi du lịch cả năm. Vật bất ly thân của anh là chiếc máy ảnh kỹ thuật số. Anh không cần ở khách sạn sang trọng “chỉ cần nhà nghỉ cỡ 200 – 300 nghìn đồng một ngày là được. Nếu không thì mình ở với nhà dân. Đi du lịch khoái nhất là đến nhà dân ở”, anh Quang cho biết.
 

Anh Trung Quang đi chợ mua đậu ở Lai Châu.

 
Trong máy tính của anh, có những file ảnh của từng nơi anh đến. Chủ yếu là phong cảnh và những sinh hoạt của người dân nơi anh đến. “Bạn bè mình hay gọi đùa mình là mọi vì đến đâu mình cũng lần sờ mọi ngõ ngách nơi mình đến. Kể cả đi nước ngoài, mình cũng phải thế. Thành thói quen rồi”.
 
Anh Quang kể cho tôi nghe về cách ăn của người vùng cao, về những miếng thịt lợn mỡ, nhưng ăn lại giòn, không bị nhão như thịt lợn ở Hà Nội. Anh nói về việc đẻ nhiều con của đồng bào dân tộc. Và rất nhiều chuyện sau những chuyến đi của anh. “Nhiều người đi du lịch sợ phải leo đồi, lội suối, nhưng mình đi tất. Có lúc cởi trần uống rượu trên nương với những ông bạn vùng cao. Có những người còn nhận mình là anh em kết nghĩa”, anh Quang hồ hởi khoe.
 
Anh Trung Quang được mời ăn cơm ở một gia đình. Cậu bé mặc áo đỏ
15 tuổi đã có hai con. Sinh hoạt của người già và người trẻ phân biệt trong gia đình.
 
Cũng như anh Quang, anh Nguyễn Văn Thanh, sinh năm 1980, ở 209 Lạch Tray – Hải Phòng thường xuyên đi du lịch. Mỗi lần đi về, anh đều có những nhận xét rất sâu sắc về những vùng anh đến. “Mỗi lần đi như thế như thay máu một lần. Để khi trở về thành phố, mình thấy con người mình luôn mới”.
 
Chúng ta mới chỉ quan tâm đến vấn đề: làm sao để ngành du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhộn của đất nước, nhưng chúng ta chưa quan tâm đến việc: du lịch là hoạt động để tìm hiểu cuộc sống, tăng cường giao lưu và tăng khả năng liên kết, tìm hiểu trong làm ăn kinh tế.
 
“Chúng ta luôn hạn chế cách nhìn du lịch là đi thăm đền, chùa, phong cảnh. Như thế chỉ phí tiền vào các dịch vụ không đâu, và ngành du lịch mãi cũng chỉ phát triển ở mức thấp và khó có thể có những tiến bộ vượt bậc trong xây dựng ngành du lịch ở Việt Nam” anh Trung Quang nói.
 
Theo Đặng Tuyền
PLXH

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]